Nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản năm 2023
BÀI LIÊN QUAN
Giải pháp nào cho nhà đầu tư BĐS khi thị trường đang "tê liệt" vì thiếu vốn?Thị trường trầm lắng, cả nhà đầu tư lẫn môi giới BĐS nơm nớp lo "mất tết"Nhà đầu tư bất động sản tìm kiếm "bến đậu" an toàn cho dòng tiền cuối nămThị trường "khó chồng khó"
Thị trường bất động sản được đánh giá là "thấm" những khó khăn sau nhiều tháng, lượng giao dịch sụt giảm mạnh, khả năng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trở nên chật vật.
Theo đó, người mua nhà phải tạm dừng kế hoạch mua nhà khi lãi suất tăng, cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính co hẹp. Việc thiếu dòng tiền thu cũng khiến các doanh nghiệp trở nên lao đao. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải cắt giảm nhân sự, thậm chí đang đứng trước tình trạng nợ lương nhân viên. Môi giới thất nghiệp chuyển nghề không còn là tình trạng hiếm gặp.
Bên cạnh đó, sự khó khăn của thị trường địa ốc còn được ghi nhận sự số gắng xoay xở của doanh nghiệp khi trả lương nhân viên bằng cổ phiếu, gia hạn nợ lương, chậm thanh toán hoa hồng cho môi giới... Một số dự án bắt đầu tạm dừng xây dựng, hàng loạt chính sách bán hàng với mức chiết khấu cao được đẩy ra với mục tiêu hút dòng tiền càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đang đứng trước lo ngại về khoảng thời gian đáo hạn trái phiếu, áp lực lớn đè nặng.
Mặc dù còn "khó chồng khó" nhưng cả giới chuyên gia lẫn nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, bước sang năm 2023 thị trường sẽ sớm hồi phục.
Các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá, sự khó khăn của thị trường năm 2022 đã kéo dài gần một năm qua và điều quan trọng nhất là sự can thiệp và điều hành của Chính phủ đang đưa thị trường về đúng quỹ đạo. Điều chỉnh và sàng lọc là cách mà giới chuyên gia và nhà đầu tư nhận định về bức tranh thị trường hiện tại. Do đó, họ lạc quan và chờ đợi sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong năm 2023.
Kỳ vọng thị trường khởi sắc
Dưới góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kênh đầu tư này đang trầm lắng mà không "đóng băng". Vị chuyên gia đánh giá tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Vì vậy, ông dự báo, thị trường vào đầu năm 2023 còn khó khăn, nhưng đến nửa năm sau sẽ bắt đầu hồi phục.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ hồi phục trở lại, để các nguồn vốn có thể tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như để thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng, hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Lý giải về nhận định này, ông Hà cho biết, trong quý đầu năm, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, bên cạnh đó room tín dụng cũng được mở trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay, các doanh nghiệp cũng dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Theo đó, thị trường bất động sản sẽ có thêm những nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại.
Ông Hà cũng cho biết thêm, thị trường bất động sản gặp khó sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới các thị trường khác như thị trường tài chính, làm gia tăng nợ xấu, các lĩnh vực sản xuất khác cũng đình trệ theo, đặc biệt phải kể đến ngành vật liệu xây dựng sẽ không có đầu ra tiêu thụ nếu thị trường bất động sản không phát triển được các dự án mới, kéo theo gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngành xây dựng.
Chính vì thế, Chính phủ cần khơi thông những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong thủ tục đầu tư, phát triển dự án nhằm gia tăng nguồn cung mới cho thị trường. Cùng với đó, cần đưa ra những giải pháp để huy động nguồn vốn trong dân, vốn từ trái phiếu, các quỹ đầu tư trở lại với thị trường bất động sản.
Còn dưới góc độ các doanh nghiệp, ông Vũ Trường Thắng, một nhà đầu tư lâu năm và còn là Tổng giám đốc Winhousing cho rằng, bước sang năm 2023, thị trường với những sản phẩm đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý đầy đủ sẽ có những bước phát triển trở lại, nhất là khi dòng vốn đầu tư công được giải ngân, tín dụng ngân hàng được mở trở lại cũng như các dự án triển khai hoàn thiện ra thị trường nhiều hơn.
Có thể thấy, sự xuất hiện của những chính sách điều tiết thị trường khiến ngành bất động sản không còn xuất hiện tình trạng "tăng nóng", sốt đất cục bộ như thời gian trước mà mà chờ thời cơ để bật lực mới. Giới chuyên môn nhận định, đây là thời điểm mở ra cơ hội cho những chủ đầu tư "có thực lực" cùng những dự án đảm bảo pháp lý vững chắc. Do đó, khi nhìn xa hơn có thể thấy bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản được điều chỉnh và hồi phục ổn định.
Trong giai đoạn chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, an toàn, nhiều nhà đầu tư với nguồn tài chính tốt đã dần chuyển sang lựa chọn phân khúc thấp tầng với các dự án nằm tại nội đô và có pháp lý minh bạch. Thực tế, những trung tâm đô thị thường là nơi tập trung phát triển kinh tế, giao thoa văn hóa, thu hút dòng dân tư từ mọi nơi đổ về sinh sống, học tập và làm việc. Với hạ tầng sầm uất, nhịp sống hiện đại cùng nhiều dịch vụ cao cấp, hệ thống tiện ích trọn vẹn... khu vực này trở thành tâm điểm kết nối những giá trị sống đích thực. Do đó, sức hút của bất động sản nội đô là rất lớn.
Sở hữu nhiều tiềm năng về thương mại, dư địa tăng giá cùng tính thanh khoản cao, những sản phẩm đảo bảo chất lượng, tiến độ và có sổ đỏ lâu dài luôn là "hàng hiếm" trên thị trường địa ốc, "cung không đủ cầu". Đặc biệt là các dự án nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phát triển đồng bộ đơn cử như khu vực Tây Nam Hà Nội có thể là "cánh cửa sáng" cho các nhà đầu tư trong những tháng cuối năm này.