Nhà đầu tư bất động sản "kiệt sức" vì lãi vay, ngày đêm lo sợ giang hồ đến nhà siết nợ
BÀI LIÊN QUAN
Choáng ngợp với biệt thự triệu đô của ông chủ chuỗi cầm đồ F88: Được ví như khách sạn 6 sao với nội thất siêu sangHà Nội: Dự án chung cư chiết khấu tới 30 - 40% không phải “miếng mồi ngon”Tâm sự nghề môi giới: Bắt đầu vào nghề bằng 2 bàn tay trắng, gặt hái thành công sau 3 lần vỡ nợLo sợ giang hồ đến nhà đòi nợ
Anh M (38 tuổi, Lâm Đồng) là một nhà đầu tư bất động sản từng thu tiền lời tới 30% giá trị gốc khi lướt sóng bất động sản vào thời điểm thị trường “sốt nóng”. Thừa thắng xông lên, đến đầu năm 2022, anh vay ngân hàng 5 tỷ đồng để đầu tư đất với kỳ vọng sẽ lãi được tiền tỷ nhờ việc “mua đi bán lại”.
Tuy nhiên sau đó, thị trường bất động sản mất thanh khoản, anh Mạnh gần như “chết đứng” vì mãi không thoát được hàng. Quá bế tắc, anh chấp nhận đi vay nóng bên ngoài với mức lãi cắt cổ để có tiền trả nợ.
“Đợt đầu vay nóng, họ tính lãi theo ngày, tầm 2-3 nghìn đồng /1 triệu đồng/ngày. Về sau khi thị trường bất động sản đóng băng, bên cho vay nóng lại tính lãi theo tháng 25-30 nghìn đồng/ 1 triệu đồng/tháng. Đến bây giờ mỗi tháng, tôi phải trả 50 triệu đồng cho khoản tiền vay 2 tỷ đồng”, anh Mạnh chia sẻ.
Anh Mạnh đang lo sợ không biết lúc nào sẽ bị giang hồ đến tận nhà đòi nợ. Nhiều người bạn đầu tư của anh cũng bị người ta siết nợ nên đã bỏ đi biệt xứ hoặc sang tên đất cho chủ nợ với mức giá bằng nửa vốn. Thậm chí, có những người nợ 40 tỷ đồng vì đầu tư bất động sản nên đành chấp nhận mất trắng những lô đất có giá trị 5-6 tỷ đồng cho chủ nợ.
Đất không bán được, kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp khiến anh Mạnh không tài nào xoay đủ tiền trả lãi vay nóng hàng tháng. Hơn 3 tháng nay, anh liên tục khất nợ nên số nợ gốc và lãi vay liên tục tăng lên. “Tôi chậm đóng lãi 3 tháng nên giờ nợ gốc đã tăng thêm 150 triệu đồng. Vẫn biết họ đang chèn ép mình nhưng cũng đành chịu. Đất không bán được, vay ngân hàng cũng không xong nên bây giờ tôi đang trong tình trạng hai bàn tay trắng và ôm cục nợ hơn 2 tỷ đồng”, anh nói.
Từ ngày vỡ nợ vì lướt sóng bất động sản, gia đình anh Mạnh bắt đầu lục đục, thường xuyên cãi vã. Đến bây giờ, hai vợ chồng anh đã chính thức ly hôn, đường ai nấy đi. Mất đi hạnh phúc gia đình là một cái giá đắt mà anh phải trả vì đầu tư bất động sản sai cách.
“Cuộc sống gia đình là điều quý giá nhất nhưng tôi lại không giữ gìn được. Đây là một bài học cho tôi và những nhà đầu tư khác. Khi đầu tư những thứ quá lợi nhuận rất dễ sụp đổ. Tôi giờ sẽ không bao giờ đầu tư bất động sản nữa”, anh nghẹn ngào nói.
Đồng cảnh ngộ, anh G (ngụ tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng đang rơi vào tình cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì lướt sóng bất động sản. Đầu năm 2022, nhận thấy cơ hội đầu tư sinh lời lớn, anh mạnh dạn đầu tư gần 5 tỷ đồng vào thị trường đất nền cùng với những người thân trong gia đình. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, anh chưa bán được lô đất nào để thu vốn vì thị trường đứng giao dịch.
Mặc dù số tiền đầu tư này không phải là tiền đi vay mượn nhưng bây giờ cả gia đình anh đang chật vật đi vay tiền để kiếm từng bữa ăn hàng ngày. Trước kia ở nhà lầu, đi xe hơi, nhưng giờ đây anh và vợ con phải chuyển ra ở trọ vì kinh tế khó khăn.
Mấy tháng nay, anh chạy khắp nơi để xin việc làm nuôi vợ con nhưng bị từ chối vì tuổi đã quá cao. “Trước đây, công việc chính của tôi là bán bảo hiểm nhưng sau khi đầu tư bất động sản có lời, tôi đã xin nghỉ việc. Giờ thị trường khó, tôi không còn việc gì để làm, đi tìm việc mới thì bị từ chối vì năm nay đã 49 tuổi”, anh G nghẹn ngào nói.
Vỡ nợ vì lướt sóng bất động sản
Nợ nần chồng chất là tình cảnh mà nhiều nhà đầu tư bất động sản gặp phải hiện nay. Thậm chí, có nhiều nhà đầu tư đang sở hữu rất nhiều nhà, đất nhưng vẫn phải đi vay tiền để có tiền ăn hàng ngày.
Đặc biệt đối với những nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để lướt sóng bất động sản, họ đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Giao dịch bị đứng khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản muốn thoát hàng để thu hồi vốn cũng không xong. Thậm chí, nhiều người xả hàng, cắt lỗ nửa vốn nhưng vẫn không có người mua.
Ghi nhận thực tế ở một số sàn giao dịch ở phía Nam, đa số sản phẩm bất động sản ở thời điểm này là nguồn hàng tồn kho từ năm 2022 và đều là những sản phẩm của các nhà đầu tư “lướt sóng” không thành công. Lượng giao dịch thành công trên thị trường rất ít, những sản phẩm bất động sản đang bán cắt lỗ 40-50% đang thu hút nhiều lượng quan tâm.
Anh Nguyễn Việt Long – Môi giới đất nền ở Đồng Nai chia sẻ, hiện nay số lượng đất nền các nhà đầu tư gửi bán cắt lỗ khá nhiều nhưng rất khó tìm được người mua. Có nhiều nhà đầu tư “sốt ruột”, chấp nhận bán lỗ bằng một nửa giá gốc nhưng cũng không thoát được hàng nên buộc “trả lại tài sản” cho ngân hàng để thoát nợ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều tỉnh thành phía Nam chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý III/2022 giảm nhiều so với nhiều quý trước. Mặt bằng giao dịch bất động sản giảm từ 19-33%, giá đất có xu hướng chững là đi xuống. Hàng loạt các chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu đã khiến người mua e ngại, tình trạng nhà đầu tư bị kẹt vốn do thanh khoản kém khá phổ biến.
Mới đây, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đang rơi vào “thế khó”. Nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để lướt sóng bất động sản trong ngắn hạn đang mắc kẹt do không thể bán được sản phẩm. Thậm chí ngay cả khi giảm lợi nhuận kỳ vọng xuống mức thấp nhất, họ vẫn không thể thoát được hàng.
Vị chuyên gia này cho biết, nguyên nhân khiến thị trường bị chững lại là do người mua bất động sản không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng trong một thời gian dài. Trong khi đó, những người đã vay được thì đang phải gồng gánh trả nợ với mức lãi suất tăng cao.
Trước tình cảnh nhiều người vỡ nợ vì lướt sóng bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến nghị, các nhà đầu tư nên tỉnh táo trước hiện tượng tăng giá đất bất thường trong một thời gian ngắn. Thay vì “lướt sóng”, các nhà đầu tư nên bỏ thời gian để tính toán kỹ, xem giá của khu đất đến từ đâu, có đáng để bỏ tiền ra đầu tư không.