Nhà đầu tư bán tháo, liệu có mua được BĐS giá rẻ tại thời điểm này?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia "mách nước" đầu tư: Nên bỏ tiền vào những bất động sản nào giữa lúc thị trường biến động?Buôn đất quê lãi tiền tỷ nhưng nhà đầu tư BĐS vẫn "quay xe" về trung tâmVinaCapital: Dự báo VN-Index tăng mạnh vào cuối năm, chỉ ra 4 diễn biến mới hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong nướcMột số nhà đầu tư bắt đầu bán tháo để bảo toàn nguồn vốn
Theo Nhịp sống kinh tế, cơn sốt đất ở một số huyện thuộc tỉnh Hải Dương, điển hình như tại Bình Giang đã nhanh chóng nguội lạnh. Giá đất tăng cao trong thời gian dài đã hút lượng lớn nhà đầu tư tới. Trước đó, thông tin dự án đổ bộ liên tục như trục đường Đông - Tây, trục Bắc - Nam, đường kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Theo anh T, hiện tượng nhà đầu tư bỏ cọc vì giá đất quá cao đã xuất hiện.
Tương tự, tình trạng bán tháo cũng bắt đầu xuất hiện cục bộ tại một số khu vực từng sốt nóng như ở Việt Yên (Bắc Giang), Sầm Sơn (Thanh Hoá). Hiện tượng giảm giá không ghi nhận trên thông tin rao bán nhưng thực tế nhiều bên bán đang ngầm thỏa thuận cắt lỗ 5-10% để đẩy nhanh tiến độ giao dịch.
Theo một số nhà đầu tư chuyên nghiệp cho hay, lý do xuất hiện tình trạng bán tháo cục bộ là do nhà đầu tư đó đã mua phải "hàng xấu' hoặc đang rơi vào tình trạng kẹt tiền. Quan trọng nhất, họ không nhìn thấy tương lai tăng giá tốt từ vị trí lô đất mà họ xuống tiền. Ví dụ, đợi 5 năm, họ thấy quá dài. Nhưng nếu trong vòng 1-2 năm, khả năng tăng giá không có do họ vào tiền ở thời điểm giá quá cao. Mặt khác, họ dự cảm không tốt về diễn biến tương lai của thị trường. Đây là những lý do khiến nhà đầu tư chấp nhận bán tháo để bảo toàn nguồn vốn.
"Tình trạng bán tháo chỉ xảy ra khu vực từng tăng giá quá nóng, trong thời gian ngắn. Việc mua bất động sản khi sốt đất thường khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm, lựa chọn lô đất thiếu tiềm năng tăng giá. Với sản phẩm không phù hợp, nhà đầu tư buộc phải đẩy", ông Minh- nhà đầu tư tại Thanh Hoá cho hay.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo điều tiết nhịp độ đầu tư để có được vùng an toàn
Mới đây, chia sẻ trong một tọa đàm, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EximRS cho rằng, tình trạng bỏ cọc chỉ xảy ra cục bộ ở những nơi chưa có hạ tầng, pháp lý chưa vững, nhà đầu tư mua đất nông nghiệp với mục tiêu lướt sóng nhưng không lướt được.
Bà Tú cho biết: "Chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng khách bỏ cọc tại những khu vực này bởi dư địa còn tăng vẫn rất nhiều, tình trạng bỏ cọc chỉ xảy ra ở những vùng cao và với đất nông nghiệp". Tuy nhiên, vị Tổng giám đốc EximRS cũng thừa nhận, tình trạng sốt bất động sản là có thật, còn lại khả năng hấp thụ vẫn rất tốt, nhất là bất động sản vùng ven.
Đưa ra khuyến nghị về phương án đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường như hiện tại. Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư cần lưu ý ranh giới giữa đỉnh bất động sản và bong bóng bất động sản. Mặc dù các chính sách tín dụng cho bất động sản đã siết lại nhưng giá bất động sản leo thang theo dòng tiền đầu tư có nghĩa bong bóng sẽ hình thành ngay sau đỉnh. Do đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo để điều tiết nhịp độ đầu tư cả mình để có được vùng an toàn.
Đánh giá về diễn biến của thị trường địa ốc, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam nhận định, thị trường hiện tại đã phát triển tốt hơn. Trước lo ngại lặp lại kịch bản 10 năm trước, bà An cho rằng, diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay hoàn toàn khác so với thời điểm bong bóng của thị trường 1 thập kỷ trước.
Cụ thể, 10 năm trước, lạm phát và lãi suất đã tăng quá cao, song song đó, giá nhà tăng cao và hoạt động đầu cơ cũng diễn biến phức tạp. Đồng thời, các sản phẩm bất động sản ở thời điểm đó cũng tương đối sơ khai, đang xây dựng dở dang ở những nơi thiếu và yếu hạ tầng, thậm chí có những sản phẩm mới chỉ nằm trên giấy tờ. Dẫn đến việc khi thị trường điều chỉnh, có đổ vỡ, những sản phẩm đó bị kẹt lại.
Còn với thời điểm hiện tại, có thể thấy thị trường bất động sản phát triển tốt hơn, các dự án đã tương đối hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất dù có gia tăng nhưng chưa phải mức nguy hiểm như đã thấy cách đây 10 năm. Do đó, chúng ta không cần quá lo ngại về hiện tượng bong bóng bất động sản như 10 năm trước.
Tuy nhiên, việc đầu tư bất động sản trong thời điểm mà nhiều khu vực đang xảy ra sốt nóng cục bộ, giá leo đỉnh thì với nhà kinh doanh, lựa chọn sản phẩm, vị trí cùng nguồn tài chính hợp lý rất quan trọng. Bởi nếu không, họ có thể rơi vào tình cảnh chôn vốn hoặc rơi vào tình trạng "gồng lãi" vất vả.
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021 khi thanh khoản không có nhưng giá vẫn tăng. Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường đã đến đỉnh điểm của việc tăng trưởng nóng.
"Đến đầu năm 2022, cùng với việc Bộ Tài chính và Chính phủ quyết liệt trong việc xử lý một số doanh nghiệp thì người ta mới thấy rằng năm 2021 xuất hiện một dòng tiền đầu tư tài chính ảo. Và việc tăng giá bất động sản trong năm qua hoàn toàn không dựa trên một nhu cầu bền vững của đầu tư hoặc sử dụng", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.
Theo ông Hiển, hiện nay nhiều người đang ôm đất vì tin rằng giá chỉ tăng chứ không giảm. Nhưng theo khảo sát của vị chuyên gia này tại một số khu vực, giá đất chủ yếu là do môi giới thổi. Tình trạng này đang diễn ra ở những vùng đô thị không lớn hoặc những vùng nông thôn.
"Mua bán bất động sản hiện nay có tình trạng giá trên thị trường và giá giao dịch thực sự không hoàn toàn giống nhau. Người muốn mua thì không tìm được đúng người bán mà họ cần, dễ gặp phải cò đẩy giá. Tôi cho rằng, giá đất thời gian tới có giảm nhưng giảm khi chủ đất thực sự muốn bán", ông Hiển cho hay.