Người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam cần làm những thủ tục gì?
Anh David (quốc tịch Mỹ) muốn mua nhà ở Việt Nam để sinh sống lâu dài. Anh không biết thủ tục mua nhà dành cho người nước ngoài như thế nào. Dưới đây là những thông tin pháp luật sẽ giải đáp thắc mắc cho anh David và những người nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam.
Người nước ngoài có được mua nhà ở Việt Nam không?
Điều 159 Luật Nhà ở 2014 về vấn đề mua (sở hữu) nhà quy định những đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài).
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật cũng đề cập người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua một trong các hình thức sau:
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định, người nước ngoài như anh David muốn mua nhà tại Việt Nam thì chỉ được mua nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, anh David cũng như nhiều người nước ngoài khác không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thực tế hay gọi là mua đất) tại Việt Nam. Vì luật pháp Việt Nam có quy định tại Điều 5 và Điều 169 Luật Đất đai 2013 thì người nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Điều kiện người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
- Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở năm 2014 thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP Điều 5 quy định về Giấy tờ chứng minh đối tượng đối tượng sở hữu nhà ở Việt Nam dành cho người nước ngoài. Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng theo quy định tại Điều 74 của Nghị định này; trường hợp cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Như vậy, anh David chỉ cần có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam (và không thuộc các trường hợp miễn trừ, ưu đãi về ngoại giao), không nhất thiết phải chứng minh bằng sổ tạm trú thì có thể mua căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại Việt Nam.
Thủ tục người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
Thủ tục mua nhà ở Việt Nam dành cho người nước ngoài được chia thành hai trường hợp gồm:
Trường hợp 1: Trình tự, thủ tục ký hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư
Bước 1: Lập hợp đồng
Căn cứ Điều 120, 121 Luật Nhà ở 2014, các bên thỏa thuận lập hợp đồng mua bán nhà ở bằng văn bản với các nội dung chính như sau:
- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên.
- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu.
- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền.
- Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Cam kết của các bên.
- Các thỏa thuận khác.
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Bước 2: Công chứng, chứng thực hợp đồng
Bước 3: Đề nghị cấp Giấy chứng nhận
Các bên thỏa thuận để một bên thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó; trường hợp mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Trường hợp 2: Thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại
Ngoài việc ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, người mua được quyền “mua nhà” thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại (bản chất là thế chỗ người khác trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư).
Căn cứ khoản 2 Điều 123 Luật Nhà ở 2014 và Điều 32 Thông tư 19/2016/TT-BXD, trường hợp bên mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư nếu thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó và có nhu cầu thì được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; bên nhận chuyển nhượng hợp đồng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư.
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được quy định rõ tại Điều 33 Thông tư 19/2016/TT-BXD như sau:
Bước 1: Lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng
- Nội dung: Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thống nhất lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở với các nội dung sau:
+ Thông tin về bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.
+ Số, ngày, tháng năm của hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư.
+ Giá chuyển nhượng hợp đồng, thời hạn và phương thức thanh toán.
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên.
+ Giải quyết tranh chấp.
+ Các thỏa thuận khác.
Mẫu hợp đồng tham khảo: Theo Phụ lục số 24 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BXD.
- Số lượng: Văn bản chuyển nhượng hợp đồng do hai bên ký kết được lập thành 06 bản (03 bản để bàn giao cho chủ đầu tư lưu, 01 bản nộp cho cơ quan thuế, 01 bản bên chuyển nhượng hợp đồng lưu, 01 bản bên nhận chuyển nhượng hợp đồng lưu); trường hợp văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải thực hiện công chứng, chứng thực thì có thêm 01 bản để lưu tại cơ quan công chứng, chứng thực.
Bước 2: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng
- Bên chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì văn bản chuyển nhượng hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực.
- Bên chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở là doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản thì việc công chứng hoặc chứng thực văn bản chuyển nhượng hợp đồng không bắt buộc mà do các bên tự thỏa thuận.
- Nơi công chứng: Công chứng tại Phòng/Văn phòng công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà.
- Hồ sơ đề nghị công chứng hoặc chứng thực gồm các giấy tờ sau:
+ 07 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.
+ Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó; trường hợp chuyển nhượng một hoặc một số nhà ở trong tổng số nhà ở đã mua của chủ đầu tư theo hợp đồng gốc thì phải nộp bản sao có chứng thực hợp đồng gốc và bản chính phụ lục hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư cho những nhà ở chuyển nhượng.
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính để đối chiếu của các giấy tờ: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị nếu là cá nhân; nếu là tổ chức thì phải kèm theo quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký thành lập tổ chức đó.
+ Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực như: Giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung, tài sản riêng.
- Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan chứng thực có trách nhiệm công chứng, chứng thực vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng theo thời hạn quy định.
Bước 3: Khai thuế, phí, lệ phí
Bước 4: Đề nghị chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng
Bước 5: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận (nếu trong hợp đồng mua bán nhà ở thương mại đã thỏa thuận với chủ đầu tư nội dung tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài
Đối với tổ chức nước ngoài
Khoản 2 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định, tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho tổ chức đó.
Khi hết hạn sở hữu ghi trong giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thời hạn sở hữu thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm; trường hợp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp không ghi thời hạn thì trong giấy chứng nhận (sổ hồng) cấp cho chủ sở hữu cũng được ghi không thời hạn.
Trường hợp tổ chức nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu nhà ở hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì nhà ở này được xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Trường hợp trong thời hạn sở hữu mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
Đối với cá nhân nước ngoài
Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cá nhân nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam được sở hữu tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Khi hết thời hạn sở hữu ghi trong giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu nhà ở đó có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn.
Trên đây là những thông tin pháp luật đầy đủ nhất về thủ tục mua nhà ở Việt Nam dành cho anh David cũng như các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Hy vọng anh David sẽ có thể mua nhà ở tại Việt Nam thuận lợi và đúng quy định của luật pháp Việt Nam.