Người mua bất động sản sơ cấp nên được ưu tiên vay tín dụng
Theo Thanh Niên, tại Hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" được Báo Thanh Niên tổ chức vào sáng 27/4 tại TP. HCM, TS Huỳnh Thanh Điền - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã nhận định về vấn đề trên.
Tuy nhiên, vào thời gian trước, dòng tín dụng đã chảy quá mạnh vào BĐS, dẫn tới giao dịch tăng mạnh. Người có ít tiền sử dụng đòn bẩy tài chính để mua BĐS, chờ giá cao rồi đẩy giá bán ra. Từ đó dẫn tới tình trạng đầu cơ BĐS. Các chủ đầu tư cũng đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu ồ ạt nhằm đẩy mạnh sản phẩm, góp phần làm tăng giá bán, khiến nguy cơ lạm phát cao hơn…
Đến khi Chính phủ có động thái kiềm chế lạm phạn thì tín dụng tất nhiên sẽ bị chặn, thị trường BĐS trầm lắng. Doanh nghiệp cũng e ngại khi phát triển dự án mới vì lo không bán được, dự án dở dang khi không vay được vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu khó khăn. Hơn nữa, pháp lý BĐS vẫn chưa được tháo gỡ.
TS Điền phân tích, đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp BĐS hiện nay đều thấy dòng tiền bị âm vì không bán được hàng, không thu hồi được vốn, huy động vốn không có… Nếu không sớm vực dậy thị trường sẽ làm liên lụy tới nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả ngân hàng và các nhà đầu tư.
Vì vậy, vị chuyên gia kiến nghị một số vấn đề. Đầu tiên liên quan tới đất, nhiều dự án đang có nguồn đất công. Chính phủ nên xem xét giao đất cho doanh nghiệp để tự tạo vốn sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thuế cho Nhà nước, tạo công việc cho người lao động. Nguồn thu từ đó sẽ cao hơn tiền thu thuế sử dụng đất.
Tiếp theo, ở hầu hết các tỉnh thành, dự án vướng mắc ở phần không thể xác định được giá đất tính thuế sử dụng đất. Địa phương không biết phải áp dụng giá nào? Cũng chẳng ai xác định theo giá thị trường.
Đồng thời, việc xây dựng, phát triển dự án để tăng nguồn cung cho thị trường lại cần một quá trình dài nhưng thủ tục thì rất nhiều. Cơ quan Nhà nước tham gia vào sâu trong quá trình này, điều đó không cần thiết. Cơ quan Nhà nước chỉ cần quy định như việc quy hoạch với những tiêu chí cụ thể rồi doanh nghiệp sẽ tự thực hiện. Cơ quan quản lý chỉ ở ngoài nắm quyền hậu kiểm, nếu chủ đầu tư làm sai thì phạt thật nặng, dừng dự án, như vậy doanh nghiệp sẽ không dám vi phạm.
Về vấn đề vốn, đầu tư vào bất động sản cần số tiền khổng lồ, nếu chỉ vay từ ngân hàng thì không ổn. Do đó doanh nghiệp phải chủ động kênh gọi vốn là từ thị trường tài chính như cổ phiếu và trái phiếu. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là việc vay tiền từ các nhà đầu tư, không mất phí trung gian thì cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều nhận được lợi ích.
Vị chuyên gia còn nhấn mạnh, không thể để lĩnh vực BĐS “đóng băng”, bởi sẽ liên lụy tới cả ngân hàng và các nhà đầu tư. Cần nới room tín dụng cho những dự án tốt và nhà đầu tư sơ cấp. BĐS đóng góp 12% GDP thì ngân hàng có thể nới room tín dụng thấp hơn con số này.
Kế đó, cần xem xét đánh thuế hoạt động đầu cơ BĐS, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án. Chính phủ có thể tạm thời ban hành văn bản tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án trong khi chờ đợi các luật liên quan được sửa đổi.