Ngành sữa với quy mô lên tới hàng tỷ USD vẫn còn nhiều thị trường ngách: Tuy nhỏ nhưng lại khó bỏ qua!
BÀI LIÊN QUAN
Những biến động khó lường trên thị trường bất động sản: Nơi hạ nhiệt, chỗ giao dịch tăng caoChênh lệch cung cầu: Bài toán nào giúp thị trường bất động sản vực dậy?Xe điện thống trị thị trường ô tô toàn cầu nửa đầu năm 2022, top 5 mẫu xe bán chạy nhất thế giới xuất hiệnThông tin từ Hiệp hội Sữa cho biết, doanh thu năm 2020 của thị trường sữa Việt Nam là 113.700 tỷ đồng trong khi năm 2021 là 119.300 tỷ đồng. Điều đáng nói, những con số ấn tượng này được ghi nhận trong khoảng thời gian 2 năm khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.
Thời điểm hiện tại, quy mô lên đến hơn 5 tỷ USD của ngành sữa tại Việt Nam vẫn đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Mới đây, Chứng khoán VNDirect đã ghi nhận báo cáo từ ngành sữa cho thấy, việc thu nhập cũng như nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng thành thị cao hơn sẽ đẩy mạnh nhu cầu về các loại sản phẩm cao cấp. Đáng chú ý, cả 3 "ông lớn" trong ngành sữa Việt là Vinamilk, FrieslandCampina và TH Food Chain đã sớm tung sản phẩm hữu cơ để khai thác phân khúc sản phẩm cao cấp kể trên. 3 đơn vị này đang chiếm khoảng 70% thị phần sữa Việt Nam, trong đó Vinamilk vẫn là cái tên dẫn đầu.
Cụ thể, “ông lớn” Vinamilk hiện đang chiếm tới 40% thị phần, theo sau là FrieslandCampina chiếm 18% còn TH Food chiếm 11% thị phần sữa tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thương hiệu Vinasoy của Công ty Đường Quảng Ngãi với phân khúc chủ đạo là sữa hạt cũng chiếm tới 7% thị phần của ngành sữa Việt - một con số khá ấn tượng.
Mới đây, thị trường sữa tại Việt Nam đã có thêm một tên tuổi mới, đó chính là Kabrita. Theo đó, Ausnutria đã chỉ định Công ty New Retail CPG - một thành viên của Seedcom - trở thành đối tác chiến lược trong việc kinh doanh cũng như phát triển cho dòng sản phẩm dinh dưỡng công thức từ sữa dê mang nhãn hiệu Kabrita tại Việt Nam.
Đồng thời, Công ty New Retail CPG cũng đã ký kết những hợp đồng hợp tác chiến lược với Con Cưng nhằm phân phối chính ngạch các sản phẩm dinh dưỡng từ những thương hiệu quốc tế về thị trường Việt Nam. Trong chuỗi các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng, sản phẩm sữa dê Kabrita đã chính thức có mặt trên các kệ hàng kể từ ngày 1/8/2022. Đồng thời, sản phẩm này cũng đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng cùng với các nhà thuốc trên phạm vi toàn quốc.
Sản phẩm sữa dê Kabrita được giới thiệu là sở hữu những đặc tính ưu việt, trong đó đặc biệt dịu nhẹ đối với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ mà chỉ sữa dê mới có được đặc tính này. Sản phẩm từ sữa dê cũng có giá cả cao hơn hẳn so với những sản phẩm từ sữa bò. Nguyên nhân bởi, lượng sữa thu được từ dê sẽ ít hơn so với sữa bò lên tới cả chục lần. Bù lại, sữa dê lại có giá trị dinh dưỡng cao hơn, phù hợp với những trẻ nhỏ có thể trạng dị ứng với sữa bò.
Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm sữa dê mang nhãn hiệu Kabrita bước đầu đã được nhiều người tiêu dùng đánh giá khá cao thông qua một số sản phẩm hàng xách tay từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn hàng đối với sản phẩm sữa dê Kabrita vẫn khó tiếp cận và chưa được ổn định. Vì thế, Seedcom đã quyết định bắt tay hợp tác với Ausnutria Hà Lan thông qua Công ty New Retail CPG để biến tham vọng trở thành cầu nối đa chiều của mình thành sự thật, vừa có thể đưa các sản phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới, vừa có thể mang các sản phẩm hàng đầu trên thị trường quốc tế về thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, New Retail CPG là một đơn vị mới được Seedcom thành lập để sản xuất và phân phối các sản phẩm cà phê và trà mang thương hiệu The Coffee House, Tearoma. Thời điểm hiện tại, New Retail CPG đang ghi nhận được khá nhiều thành công trong thị trường bán lẻ, đặc biệt là mảng bán lẻ thương mại điện tử.
Theo đại diện của New Retail CPG, công ty hiện đang sở hữu nhiều lợi thế, trong đó phải kể đến hệ thống phân phối rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là các kênh siêu thị, chuỗi cửa hàng mẹ và bé. Vì thế, điều này trở thành một trong những nguyên nhân khiến thương hiệu Kabrita tin tưởng và chỉ định công ty trở thành nhà phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam.
Xét về thị trường chung, quy mô ngành sữa tại thị trường Việt Nam đang rất lớn, có giá trị lên tới hàng tỷ USD cho một năm. Đáng chú ý, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại sữa chất lượng cao cũng ngày một tăng trưởng theo thời gian. Ngành sữa Việt cũng vẫn còn nhiều thị trường ngách, dù nhỏ nhưng khó có thể bỏ qua. Theo đại diện của New Retail CPG, với hệ sinh thái thời điểm hiện tại cùng với khả năng phân phối của công ty, ban lãnh đạo kỳ vọng New Retail CPG sẽ thành công ở những ngách “nhỏ nhưng có võ” này trên thị trường, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao.
Điều đáng nói, thương vụ lần này giữa New Retail CPG và Kabrita mới chỉ là phép thử để thâm nhập thị trường. Đại diện công ty cho biết, doanh thu thế nào là điều không thể nói trước. Đồng thời, Seedcom cũng nhấn mạnh hướng đi của mình là chỉ lựa chọn thị trường “super premium”, tức là thị trường ngóc ngách nhưng có nhiều tiềm năng, khả năng thành công vì thế cũng sẽ cao hơn. Hiện tại, công ty vẫn đang cân nhắc một số sản phẩm khác trong thời gian tới.
Dù mới tham gia thị trường sữa tại Việt Nam, thế nhưng Seedcom cũng sớm xác định mục tiêu của mình là trở thành nhãn hiệu hàng đầu trong phân khúc sữa dê trong thời gian gần, đồng thời phát triển nhanh hơn nữa trong các năm tiếp theo. Dự kiến đến năm 2025, công ty này sẽ chiếm khoảng 10% thị phần trong phân khúc cao cấp của thị trường sữa Việt.
Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, cuộc chơi trong ngành sữa đã bão hòa và phân vai vế rõ ràng. Chính vì thế, tham vọng của Seedcom trong tương lai có thể đối mặt với rất nhiều thử thách. Đáng chú ý, phân khúc cao cấp trong thị trường sữa Việt đang là điểm đến đầy tham vọng của những “ông lớn” trong ngành như Vinamilk và TH Food.
Với mô hình kinh tế chữ K ở trong và sau đại dịch, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày càng có sự phân hóa vô cùng sâu sắc. Có thể dễ dàng thấy được hai thái cực trong tiêu dùng, trong khi một bộ phận đáng kể người dân sở hữu thu nhập không ổn định, sức mua hàng đang ngày càng giảm sút thì cũng có một tệp không nhỏ những người tiêu dùng sở hữu thu nhập cao và ổn định, họ có mức sống và yêu cầu cao hơn, đòi hỏi những sản phẩm và dịch vụ mang nhiều chất lượng và giá trị cao hơn.