Năm 2023, nên đầu tư loại hình bất động sản nào để “chắc ăn”?
BÀI LIÊN QUAN
Mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội sẽ tăng bứt tốc trong năm 2023Bất động sản 2023, nhu cầu hướng vào căn hộ vừa túi tiền: Thị trường cần giải pháp căn cơNăm 2023, nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giá tăng khi chi phí đầu vào hạ nhiệtNhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản 2023
Theo nhận định của một số chuyên gia, so với năm 2022 thì năm nay, thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn khi những khó khăn được tháo gỡ, các nút thắt dần được khơi thông. Hiện nay, Chính phủ đang có những chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các vấn đề về xử lý trái phiếu hay mức room tín dụng trong thời gian tới.
Có thể kể đến một vài điểm sáng của thị trường bất động sản năm 2023 như: Trước tiên là dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% như Quốc hội đề ra, đồng thời các vấn đề lạm phát, lãi suất được duy trì ổn định.
Tiếp theo, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 25% - tương đương khoảng 140.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, đầu tư công là kênh đầu tư vô cùng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2023 và cũng là tiền để giúp phục hồi và phát triển thị trường bất động sản.
Ngoài ra, thị trường bất động sản có động lực mạnh mẽ từ việc sửa đổi 3 bộ Luật, đó là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi tích cực khi những điểm vướng về pháp lý được tháo gỡ từng bước, thị trường tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bất động sản.
Ngày 17/02/2023 vừa qua, nhằm tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với lĩnh vực quan trọng này, mục tiêu đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, chỉ ra khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển.
Sau hội nghị này, Chính phủ cũng dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đất nền vẫn là phân khúc “ăn chắc mặc bền”
Liên quan đến các xu hướng đầu tư bất động sản năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng đất nền vẫn là loại hình bất động sản được ưa chuộng. Điều này xuất phát từ tư tưởng “mua đất là của để dành” đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh Mai - một nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho biết: “Thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động nên cũng rất khó lường trước. Vào đợt cuối năm 2021 đến khoảng tháng 03/2022, thị trường bất động sản sốt nóng, các giao dịch mua bán diễn ra nhanh chóng. Hàng loạt văn phòng bất động sản mọc lên như nấm do nhu cầu khách hàng quá nhiều, vì đó mà các môi giới cũng kiếm được khá còn nhà đầu tư có người tậu xe đẹp, nhà sang cũng do nắm bắt được cơ hội.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đó đến cuối năm 2022, thị trường lao dốc và tiếp tục ảm đạm. Bước sang năm 2023, các nhà đầu tư hi vọng vào nhiều tín hiệu tích cực của thị trường nhưng giới chuyên gia dự báo có thể các cơn sốt đất sẽ đến chậm hơn vào cuối quý I hoặc sang đến quý II/2023.
Trên thị trường, mỗi nhà đầu tư có cách lựa chọn các loại hình khác nhau, phù hợp với túi tiền và phù hợp với tầm nhìn của từng người. Nếu biết chớp cơ hội thì kể cả “trong nguy vẫn có cơ”, cơ hội và lợi nhuận sẽ đến với người nhanh nhạy, tất nhiên có cả yếu tố may mắn nhưng trên hết vẫn là tầm nhìn. Nếu không biết tận dụng cơ hội thì mọi thứ dù có “thiên thời địa lợi” thì vẫn không thành công, thậm chí còn thua lỗ.
Có điều, theo quan điểm riêng tôi, cho đến thời điểm hiện tại thì đất nền vẫn là phân khúc đầu tư an toàn, ít rủi ro nhất. Vì xét theo tâm lý của đa số, đất đai là của để dành nên nhiều người vẫn muốn mua đất nền thay vì đầu tư các loại hình khác. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư cho rằng riêng với đất nền thì cũng không cần quá lo lắng do tính thanh khoản của loại hình này tương đối ổn định, không bị lỗi thời (ngoại trừ các mảnh có vị trí quá xấu) nên có thể giữ lâu dài mà không ảnh hưởng nhiều”.
Đại diện một văn phòng giao dịch bất động sản cũng đồng tình: “Đất nền vẫn là phân khúc được nhiều nhà đầu tư lựa chọn ngay cả trong thời điểm ảm đạm nhất. Điển hình là khi thị trường lao dốc, nhiều người bán vội để cắt lỗ, thoát hàng thì vẫn có những nhà đầu tư đi “săn” đất nền. Họ có sẵn một “hầu bao” vững vàng để có thể đầu tư dài hạn, không hoặc rất ít sử dụng đòn bẩy tài chính vì đã tính toán trước lợi và hại. Các khu đất nằm trong tầm ngắm thường có vị trí địa lý đẹp hoặc chính những nhà đầu tư đi “săn” lường trước được sẽ có sự đầu tư cơ sở hạ tầng trong tương lai đối với các khu đất đó hoặc lân cận nên mới chịu chi”.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng, trải qua thời gian biến động thì nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với các quyết định “xuống tiền”. Không chỉ riêng đối với phân khúc đất nền mà với các loại hình khác, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ ràng về tính pháp lý, tiến độ xây dựng, tính thanh khoản, tìm hiểu về chủ đầu tư... tránh việc “tiền mất tật mang”.