Năm 2022, Masan thu về 38 tỷ đồng lợi nhuận từ Phúc Long
BÀI LIÊN QUAN
Gần 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, Masan đang xoay sở ra sao?Sau cuộc đua trend mở ồ ạt kiosk Phúc Long, Masan thu được gì?Phúc Long khi về tay Masan: Doanh thu cao thứ hai, dự kiến “xuất ngoại” vào 2024 hoặc 2025Lợi nhuận khiêm tốn
Theo Nhịp sống thị trường, Masan mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Trong giai đoạn từ ngày mua Phúc Long cho đến ngày 31/12/2022, hoạt động kinh doanh được mua lại này đã đóng góp tổng doanh thu là 1.579 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh của tập đoàn. Trong khi đó, con số lợi nhuận thuần đóng góp là 38 tỷ đồng.
Nếu tính với số tiền khổng lồ mà Masan đã bỏ ra trước đó để sở hữu 85% cổ phần của Phúc Long thì đây là một con số vô cùng khiêm tốn. Chưa kể, Masan và các bên độc lập còn vô cùng kỳ vọng về thương hiệu trà - cà phê này khi thông tin về Phúc Long tràn ngập khắp các phương tiện truyền thông.
Phúc Long là một tên tuổi lâu đời ở trong ngành trà và cà phê của Việt Nam. Thương hiệu này ra đời vào năm 1986 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Mãi đến năm 2012, Phúc Long mới bắt đầu nghĩ đến việc chế biến các thức uống trà sữa và trà hoa quả… để bán cho các khách hàng thay vì bán các nguyên liệu trà và cà phê như ban đầu.
Khi đó, Phúc Long chỉ mở duy nhất 2 quán tọa lạc tại trung tâm quận 1 của TP HCM. Sau khi Starbucks xâm nhập thị trường Việt Nam, trà sữa cũng bắt đầu nổi lên như một thức uống hot-trend và được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ, Phúc Long bắt đầu mở rộng việc kinh doanh và thương hiệu này cũng dần trở nên nổi tiếng trong làng F&B.
Liên tục mở rộng khi về tay Masan
Tháng 5/2021, thông qua công ty con trực tiếp của mình là TNHH The Sherpa, Tập đoàn Masan đã chi 15 triệu USD (tương đương khoảng 352 tỷ đồng) để sở hữu 20% vốn của Công ty CP Phúc Long Heritage, tương ứng với định giá 75 triệu USD.
Sau đợt đầu tiên rót vốn, Masan đã tiến hành thí điểm mô hình kiosk bán cà phê và trà sữa ở bên trong hệ thống 50 cửa hàng VinMart+, mà ngày nay đã đã đổi tên thành Winmart+. Tập đoàn này đưa ra mục tiêu đưa mô hình kiosk trà sữa vào 1.000 cửa hàng bán lẻ chỉ trong vòng 12 tháng. Theo dự báo của Masan, doanh thu của Phúc Long trong năm 2022 có thể đạt từ 2.000 cho đến 3.000 tỷ đồng sau khi mở rộng những mạng lưới cửa hàng riêng lẻ cùng với các kiosk bên trong những điểm siêu thị mini WinMart+ và đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Không riêng gì Masan, giới phân tích độc lập trong quá trình quan sát thương vụ này cũng kỳ vọng, Phúc Long sau khi trở thành một phần trong hệ sinh thái của Masan sẽ giống như “hổ mọc cánh”, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tháng 9/2021, báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, doanh thu hàng năm của chuỗi Phúc Long sau khi về chung một nhà với WinCommerce sẽ đạt thêm khoảng 1.750 tỷ đồng.
Đến tháng 1/2022, Masan tiếp tục mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, từ đó nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại đây lên 52% và nắm quyền chi phối thương hiệu này. Thời điểm đó, Masan đã bỏ ra 110 triệu USD (tương đương với gần 2.500 tỷ đồng), tương ứng với mức định giá là 355 triệu USD, tương đương với khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Chỉ sau khoảng 7 tháng, giá trị của thương hiệu Phúc Long đã được định giá tăng lên gấp gần 5 lần.
Đến tháng 8 cùng năm, ông lớn Masan tiếp tục mua thêm 34% vốn cổ phần của Phúc Long, tổng thanh toán lên đến 3.617,9 tỷ đồng (tương đương với khoảng 154 triệu USD). Sau hơn 1 năm tích hợp vào Masan, dễ dàng thấy được rằng số lượng cửa hàng Phúc Long đã tăng lên chóng mặt, điển hình là số lượng gần 1.000 kiosk Phúc Long đã len lỏi khắp tỉnh thành trên cả nước. Tại các tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều kiosk của Phúc Long, điển hình là Hải Dương với 20 kiosk, Hải Phòng với 14 kiosk và Hưng Yên 29 kiosk....
Đáng chú ý, dù số lượng tăng trưởng chóng mặt nhưng lợi nhuận lại không tăng tương ứng. Thực tế cho thấy mô hình của kiosk Phúc Long vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Ngay cả Masan cũng phải thừa nhận, họ phải đóng cửa loạt kiosk hoạt động kém hiệu quả, việc này đã tiêu tốn 42 tỷ đồng chi phí.
Ngoài ra, ban điều hành của công ty đã và đang tiến hành đánh giá một cách toàn diện trong quý đầu năm nay, từ đó xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi quyết định có tiếp tục nhân rộng hay không. Theo số liệu được công bố bởi Masan, hệ thống kiosk và cửa hàng mini của Phúc Long trong năm 2022 đã mang về 426 tỷ đồng doanh thu, con số này tương đương với 27% tổng doanh thu cho hệ thống Phúc Long. Trong khi đó, EBITDA đang bị âm 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trừ đi chi phí lãi vay và khấu hao, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nếu so sánh với số liệu của quý 3 năm ngoái thì hệ thống kiosk và cửa hàng mini Phúc Long chỉ đạt vỏn vẹn 44 tỷ doanh thu trong khi lỗ thêm 100 tỷ vào quý 4/2022. Có thể nói, các cửa hàng flagship đã “gánh team” lợi nhuận của cả hệ thống Phúc Long khi ghi nhận doanh thu 1.153 tỷ đồng cùng với 332 tỷ đồng EBITDA.
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Phúc Long dẫu còn nhiều khiêm tốn song Masan vẫn kỳ vọng thương hiệu này trong vài năm tới sẽ trở thành công ty trà và cà phê số 1 Việt Nam, hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế.