Mặt bằng trung tâm tiếp tục "ế ẩm"
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia chia sẻ cách "săn" đất nền ven KCN: Cần hiểu rõ điều này để biết thời điểm xuống tiền và rút tiền vềCó tin ông lớn địa ốc đổ bộ, bất động sản tại Khánh Hòa bỗng dưng nhộn nhịpCơ hội nào mở ra cho giới đầu tư bất động sản?Trong khi đó, hoạt động cho thuê ở các khu vực ở rìa trung tâm TP.HCM như Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú... đang dần hồi phục, thậm chí ở một số nơi đã khá sôi động sau hai năm đại dịch thì những mặt bằng có vị trí đắc địa tại nhiều tuyến đường trung tâm ở quận 1, quận 3 vẫn trong tình trạng ế ẩm, đóng cửa kéo dài.
Dù giảm giá nhưng vẫn cao
Theo như khảo sát một số tuyến đường ở trung tâm quận 1 và quận 3 như: Đồng Khởi, Hồ Tùng Mậu, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi, Trần Quang Khải, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần..., cho thấy có đến hàng trăm mặt bằng đang dán bảng cho thuê nhiều tháng, thậm chí là gần 2 năm rồi vẫn còn giữ nguyên, chưa có khách. Tham khảo giá một vài địa điểm có giảm nhẹ so với năm ngoái và chủ nhà cũng rất thiện chí, ai gọi cũng đều năn nỉ "cứ ghé coi, sẽ thương lượng"... Tuy nhiên, cũng có một vài căn, người có nhu cầu thuê chỉ mới liên lạc với người môi giới và họ khẳng định rằng: "Chủ nhà không chịu hạ giá".
Đối với người thuê mặt bằng để kinh doanh, phóng viên đã liên hệ theo số điện thoại dán trước cửa nhà 1 trệt 2 tầng ở góc đường Ngô Đức Kế - Đồng Khởi (quận 1) thì được báo giá thuê 1 tháng là 18.000 USD (tương đương khoảng 400 triệu đồng), không bớt. Theo anh T., nhân viên giữ xe ở gần đấy, cho biết căn nhà này đã treo bảng cho thuê từ rất lâu rồi nhưng vì giá quá cao nên ai tới xem xong cũng đều bỏ đi.
"Nghe đâu chủ căn nhà là một nữ đại gia có tiếng nên một đồng cũng không bớt" - anh T. cho biết nếu muốn thuê với giá "mềm" hơn thì có thể tham khảo thêm vài căn khác.
Dù thế, theo kết quả khảo sát, giá thuê của những căn gần đó cũng không hề rẻ chút nào, ví dụ như căn nhà mặt tiền đường Ngô Đức Kế với diện tích sàn là 4x20m, gồm một trệt, một lầu được rao với giá 9.000 USD/tháng (gần 200 triệu đồng). Một căn khác có diện tích lớn hơn gấp đôi, với một trệt ba lầu được treo bảng cho thuê với giá 25.000 USD/tháng (hơn 570 triệu đồng).
"Muốn rẻ thì anh chị bước qua góc bên kia đường Hồ Tùng Mậu, như căn nhà trệt diện tích 4x30m giá thuê tầm 140 triệu đồng/tháng. Còn căn có lầu thì khoảng 200 triệu đồng/tháng" - theo anh K. - chuyên viên môi giới thuê mặt bằng khu vực này cho hay.
Theo anh K. chia sẻ, hầu hết những mặt bằng cho thuê xung quanh khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ đều đã giảm đi từ 1.000 - 2.000 USD/tháng so với trước đó, tuy nhiên, vẫn khó tìm được khách thuê vì giá vẫn rất cao so với thị trường chung. Một số mặt bằng đẹp to nhưng vì chủ nhà thuộc dạng có tiền nên nhất định không chịu giảm giá.
"Họ chấp nhận treo bảng cả năm, ai chịu thì thuê chứ họ không hạ giá. Người hỏi thì nhiều chứ không ai dám thuê vì trong tình hình hiện nay, buôn bán cỡ nào cũng không bù nổi tiền nhà" - anh K. cho biết.
Một số môi giới mặt bằng cho thuê cũng cho hay từ sau dịp Tết Nguyên đán đến nay, hoạt động kinh doanh nhiều nơi có nhiều dấu hiệu khởi sắc, do các hoạt động du lịch, ẩm thực sôi động hơn, đặc biệt là khi Chính phủ cho phép từ ngày 15-3 mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế, nhiều chủ mặt bằng không những không giảm giá cho thuê xuống mà còn có ý nâng giá lên để đón đầu nhu cầu.
Anh T., một môi giới ở khu vực quận 1, cũng cho biết một căn nhà với diện tích là 5x30m, một trệt một lầu ở đường Hồ Tùng Mậu trước dịch cho thuê với mức giá 7.500 USD/tháng. Do dịch bệnh khó khăn, khách thuê trả mặt bằng nên chủ nhà quyết định giảm giá xuống còn 6.000 USD/tháng nhưng cả năm trời vẫn không tìm được khách thuê mới. Mới gần đây, anh tìm được một khách đồng ý thuê để làm văn phòng công ty và trưng bày sản phẩm thì chủ nhà lại tăng giá lên 6.500 USD/tháng và đưa thêm điều kiện phải ký hợp đồng thuê 5 năm. Khánh hàng nghe thấy khó quá nên đành bỏ không thuê nữa.
Xu hướng kinh doanh đang ngày càng thay đổi
Một chuyên gia bất động sản nhận định rằng sau đại dịch, các hoạt động kinh doanh ăn uống (F&B), giải trí và đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ vẫn rất khó khăn. Sau đại dịch, có nhiều người thua lỗ rất lớn, thậm chí là trắng tay nên họ có xu hướng thu hẹp các hoạt động kinh doanh, chọn thuê những mặt bằng nhỏ hẹp hoặc xa trung tâm hơn để giảm đi chi phí. Thậm chí là, có nhiều đơn vị chuyển sang cách đầu tư mạnh vào công nghệ, ứng dụng công nghệ để tiếp cận đến khách hàng thay vì quan tâm tới mặt bằng rộng, đẹp và đắt đỏ như trước nữa. Điều đó lý giải được vì sao mặt bằng cho thuê ở các quận trung tâm TP.HCM vẫn ảm đạm cho đến thời điểm này.
Chuyên gia đào tạo, tư vấn và phát triển dự án ngành F&B - ông Trần Khải Minh Nhật nhấn mạnh rằng đã qua cái thời mà người kinh doanh đổ hàng đống tiền vào khu trung tâm để "chứng tỏ đẳng cấp" hoặc là dùng vị trí tốt để làm thương hiệu. Do bị ảnh hưởng sau 2 năm đại dịch, những người kinh doanh ngành F&B đã bớt "mơ mộng" và có xu hướng chọn những mặt bằng với chi phí thấp hơn, dành tiền để xây dựng thương hiệu, giúp cho tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. "Cái nhìn của các nhà đầu tư dần thay đổi bởi sự thay đổi hành vi của khách hàng. Chúng ta sẽ thấy các khu trung tâm sẽ dịch chuyển từ F&B qua các ngành hàng xa xỉ nhiều hơn...", ông Nhật đưa ra nhận định.
Cũng theo ông Nhật, trong thời gian tới, xu hướng kinh doanh mảng F&B sẽ tập trung vào 3 nhóm chính. Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bám theo các ý tưởng "Street Food" (ẩm thực đường phố) nhờ sự đơn giản, gọn nhẹ, an toàn và đáp ứng cho nhu cầu số đông khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế sau dịch Covid-19. Thứ hai, xu hướng phát triển chuỗi kèm theo hệ thống quản trị chuyên nghiệp và tinh gọn, được đóng gói theo quy trình vận hành tốt, làm thương hiệu bài bản, tối ưu vận hành nhờ công cụ số hóa... để bán thương quyền. Cuối cùng là một số ý tưởng chuẩn mực sẽ xuất hiện để thay thế cho các mô hình "thùng rỗng kêu to" đã rơi vào thoái trào. "Cụm từ "nhà hàng" sẽ được trả lại giá trị thật của nó, sang trọng và chuẩn mực, nhân sự có chuyên môn cao nhằm hút tầng lớp khách hàng cao cấp", ông Nhật chia sẻ thêm.
Một doanh nghiệp chuyên cho thuê ở văn phòng TP.HCM dự báo nếu sức mua và các hoạt động tiêu dùng và du lịch tiếp tục phục hồi thì từ nay đến hết năm 2022 các mặt bằng kinh doanh phân khúc thấp sẽ được lấp đầy với tỉ lệ cao. Đến lúc đó, mặt bằng ở vị trí cao cấp hơn, ở các khu trung tâm mới có thể được "rã đông", thoát khỏi chu kỳ ế ẩm.