Loạt ngân hàng công bố lãi suất huy động mới, lãi suất 9,5%/năm không còn xuất hiện trên thị trường
BÀI LIÊN QUAN
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các mức lãi suất điều hànhLãi suất vay ngân hàng tăng vì “nước lên thuyền lên” “Đường đua” lãi suất huy động ngày càng nóngCác ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Theo tuoitre.vn, Nam A Bank là một trong những ngân hàng thay đổi biểu lãi suất tiền gửi sớm nhất ngay từ cuối ngày 24/10. Với kỳ hạn dưới 6 mức lãi suất cao nhất xấp xỉ 5%/năm, kỳ hạn trên 7-12 tháng dao động 7,9-8,2%/năm; kỳ hạn trên 1 năm được ngân hàng này áp dụng mức cao nhất 8,4%/năm.
Ngân hàng Sacombank đã áp dụng biểu lãi suất mới từ 13h chiều ngày 25/10, mức lãi suất mới tăng mạnh ở các kỳ hạn gửi ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ mức 4,1 - 4,6%/năm lên mức 5,6 - 6%/năm. Kỳ hạn gửi 5 tháng lĩnh lãi cuối kỳ mức lãi suất tăng lên kịch trần 6%/năm, kỳ hạn gửi 4 tháng mức lãi suất tăng lên mức 5,9%/năm. Đối với kỳ hạn gửi 6 - 11 tháng, mức lãi suất huy động cũng tăng từ 5,8 - 6,3%/năm lên 7-7,25%/năm với kênh gửi tại quầy.
Với kênh online, Sacombank đều tăng mức lãi suất các kỳ hạn 1 - 5 tháng lên mức kịch trần 6%/năm. Tại kỳ hạn gửi 6 tháng, khi gửi tiền theo kênh online khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất cao hơn 0,5%/năm so với gửi tại quầy. Tại kỳ hạn gửi 12 tháng, lãi suất tiền gửi kênh online tại Sacombank là 7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất cũ. Kỳ hạn gửi từ 24 tháng thì mức lãi suất là 8%/năm.
Ngân hàng NCB trong chiều ngày 25/10, cũng thay đổi biểu lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng mức lãi suất đều được tăng kịch trần 6%/năm. Ở kỳ hạn 6 - 11 tháng, nếu gửi tại quầy mức lãi suất huy động tăng từ 6,75 - 6,85%/năm lên 7,45 - 7,55%/năm, nếu gửi tiền online mức lãi suất mới từ 9 - 8,1%/năm.
Ở kỳ hạn gửi 12 tháng, mức lãi suất tiền gửi cũ của ngân hàng NCB chỉ ở mức xấp xỉ 7%/năm thì mức lãi suất mới khi gửi tại quầy lên tới 7,65%/năm, gửi online là 8,2%/năm.
Ngân hàng SeABank, biểu lãi suất mới công bố ngày 25/10 cũng tăng thêm 1 - 1,2%/năm ở tất cả các kỳ hạn.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm. Kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm.
Nếu gửi tiết kiệm online thì mức lãi suất cao nhất của OCB lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12 - 24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.
Ngân hàng KienlongBank áp dụng mức lãi suất huy động mới, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng lĩnh lãi cuối kỳ mức lãi suất kịch trần 6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng mức lãi suất từ 7 - 7,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng mức lãi suất từ 7,5 - 7,75%/năm.
Ngân hàng VPBank, áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 26/10. So với mức lãi suất hồi đầu tháng 10, mức lãi suất mới tăng thêm khoảng 1 - 1,6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, ở các kỳ hạn dài hơn mức lãi suất huy động tăng thêm khoảng 1%.
Cụ thể, với các khoản tiền gửi trên 300 triệu, kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi online khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất kịch trần 6%/năm. Đối với các khoản tiền gửi dưới 300 triệu sẽ nhận được lãi suất từ 5,8 - 6%/năm tùy từng kỳ hạn. Khi gửi tiền tại quầy, khách hàng của VPBank sẽ được hưởng mức lãi suất tối đa dành cho kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6%/năm, tuy nhiên có đi kèm theo điều kiện về số tiền gửi hoặc kỳ hạn gửi.
Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại VPBank là 8,7%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỷ với các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng. Đối với số tiền gửi ít hơn thì mức lãi suất cao nhất dao động từ 8 - 8,6%/năm.
Ngân hàng Techcombank thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 26/10. Nhà băng này tăng lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Còn các sản phẩm tiết kiệm thông thường sẽ được hưởng mức lãi suất 5,9%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Mức lãi suất huy động mới của Techcombank tại kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng thêm 2 - 2,3%/năm so với hồi đầu tháng 10. Tại các kỳ hạn dài hơn, mức lãi suất huy động cũng tăng thêm 0,5 - 1%/năm tùy từng kỳ hạn và số tiền gửi.
Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại Techcombank là 7,8%/năm dành cho khách hàng mới có số tiền gửi trên 1 tỷ đồng tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo sản phẩm “Tiền gửi Phát lộc”.
Đặc biệt, mức lãi suất cao nhất thị trường 9,5%/năm từng thuộc về Ngân hàng số Cake by VPBank, cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 19/10 vừa qua, ngân hàng này đã giảm mức lãi suất từ 9,5%/năm xuống còn 8,8%/năm với cùng kỳ hạn và số tiền gửi. Còn ở kỳ hạn 6 tháng, với số tiền gửi từ dưới 50 triệu đồng, mức lãi suất đang áp dụng là 8,2%/năm. Ngân hàng số Cake by VPBank chưa có sự thay đổi lãi suất mới.
Nhóm ngân hàng Big4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank công bố lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mức 6 - 6,4%/năm. Và kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng quanh mức 4 - 4,5%/năm.
Ngân hàng chần chừ chưa tăng lãi suất huy động
Ngoài các nhà băng trên thì các nhà băng khác chưa công bố biểu lãi suất mới, ngay cả những ngân hàng vốn duy trì mức lãi suất huy động cao so với mặt bằng chung.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các ngân hàng chưa vội tăng lãi suất huy động vì mức lãi suất hiện tại đã khá cao rồi. Thanh khoản tại ngân hàng cũng ổn, do đó nếu tiếp tục đẩy lãi suất huy động lên thì khó gánh nổi chi phí.
"Nếu có chỉnh ngân hàng sẽ chỉ chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cho phù hợp với khung trần mới", vị tổng giám đốc này nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Hà Nội cho biết ngày 26/10 ngân hàng của ông sẽ chỉ tăng lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng lên 6%/năm. "Room tín dụng năm nay còn rất ít. Không thể tiếp tục tăng lãi suất huy động rồi chờ hai tháng tới mới cho vay ra. Khi có thêm room nhưng lãi suất cho vay cao quá, chắc gì ngân hàng đã cho vay ra được", vị này nói.
Động thái tăng lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước được các chuyên gia đánh giá có tác dụng đảm bảo giá trị của đồng tiền, giảm sức ép cho tỷ giá hối đoái. Người gửi tiền vào ngân hàng sẽ có lợi. Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, cho rằng mức 8%/năm với kỳ hạn 12 tháng là rất có lợi cho người gửi tiền.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng hút được nguồn vốn dồi dào trong dân để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế những tháng cuối năm nay và năm 2023.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng lần tăng lãi suất này của Ngân hàng Nhà nước sẽ góp phần kích thích cuộc đua tăng lãi suất, đặc biệt là tại các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Đồng thời, tạo áp lực mạnh mẽ lên mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động. Mặc dù thanh khoản thị trường liên ngân hàng được bảo đảm nhưng lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể (dự báo ở mức không thấp hơn 6%).
"Nhìn rộng hơn, từ nay cho tới cuối năm, xu hướng tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn vẫn tiếp diễn đi kèm với lạm phát kỳ vọng cao khiến tỷ giá và lãi suất sẽ chưa thể hạ nhiệt. Theo đó, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt lần lượt các công cụ tỷ giá và lãi suất để bảo đảm tương quan trong chính sách điều hành với các nước trong khu vực và các mục tiêu về ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô. Điều này đồng nghĩa VNĐ có thể tiếp tục giảm giá so với USD, mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng và quá trình định giá lại các tài sản rủi ro tiếp diễn", Công ty Chứng khoán VCBS bình luận.