Liệu xu hướng bán ròng của khối ngoại còn tiếp diễn?
BÀI LIÊN QUAN
Khối ngoại có tuần mua ròng mạnh trên TTCK Việt Nam, giao dịch đột biến nghìn tỷ tại một 1 cổ phiếuThị trường chứng khoán hôm nay 19/5: VN-Index thoát hiểm cuối phiên, khối ngoại mua ròng đột biến trong phiên cuối tuầnDòng tiền đổ mạnh vào thị trường, khối ngoại “quay xe” trở lại giải ngân, nhà đầu tư có nên “mua đuổi”?Theo Nhịp sống thị trường, tin vui giảm lãi suất vẫn chưa thể khiến thị trường chứng khoán thoát khỏi trạng thái giằng co, chỉ số VN-Index chủ yếu tích lũy trong biên độ hẹp từ 1.060 - 1.070 điểm với sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong thời gian gần đây, điểm đáng chú ý là đà bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Tính riêng trong tuần vừa qua, khối ngoại đã mạnh tay bán gần 2.400 tỷ đồng.
Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng, diễn biến các dòng vốn trên thị trường đang có sự trái chiều. Theo đó, trong khi dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đang trở thành lực đỡ cho thị trường, thì khối ngoại lại mạnh tay bán ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Nhận định về nguyên nhân khối ngoại rút ròng, ông Hoàng Công Tuấn đưa ra 2 yếu tố chính.
Thứ nhất, dù triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá khả quan trong dài hạn, nhưng nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy khả năng bứt phá mạnh của VN-Index trong năm nay là rất khó. Do đó, sau khi mua vào khá đáng kể ở thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, khối này đã có động thái chốt lời cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, liên quan đến các cơ chế chính sách của Việt Nam. Sau ba đợt hạ lãi suất thì lãi suất mặt bằng điều hành của Việt Nam đã về mức trước đại dịch Covid-19. Do đó, dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn là khá hẹp và điều này ảnh hưởng đến triển vọng của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Nhìn rộng ra quốc tế, mặc dù lạm phát tại Mỹ đã giảm, nhưng thị trường lao động vẫn đang ở mức độ chậm. Do đó, không loại trừ khả năng có thể Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 7 tới, dù xác suất này là không cao. Trong trường hợp đó, lãi suất Việt Nam là khó có cửa để tiếp tục hạ thêm. Do đó, hành động chốt lời của khối ngoại trong bối cảnh này là không khó hiểu.
Liệu xu hướng bán ròng của khối ngoại còn tiếp diễn?
Đánh giá về tác động đà bán ròng của khối ngoại, vị chuyên gia cho rằng phụ thuộc vào từng bối cảnh thị trường. Nhìn lại những năm 2009, 2011 và 2012, dòng vốn ngoại đóng vai trò dẫn dắt xu hướng thị trường. Cứ sau mỗi đợt nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là thị trường lao dốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dòng vốn ngoại không còn tác động đến chỉ số quá nhiều. Đặc biệt là thời điểm 2020 - 2021, dù dòng vốn ngoại liên tục rút ròng, nhưng thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, bước sang năm nay thì dòng vốn ngoại dường như lại tiếp tục ảnh hưởng đến chỉ số. Thời điểm cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh giúp chỉ số phục hồi kể từ đáy 900 điểm. Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng lại tạo nên những áp lực điều chỉnh nhất định cho thị trường chung.
Theo chuyên gia, trong những năm tiền rẻ và dễ dãi, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân cuồn cuộn chảy vào thị trường đã khiến vai trò của khối ngoại phần nào bị lu mờ. Bởi giao dịch khối ngoại khi đó chỉ chiếm từ 9 - 12% tổng lượng giao dịch trong phiên. Nhưng trong thời điểm dòng tiền có xu hướng khan hiếm như hiện nay, nhà đầu tư lại có xu hướng phòng thủ nhiều hơn, lực bán của nhà đầu tư trong nước cũng tiếp tục trở lại đóng vai trò định hướng thị trường.
Nhiều người thắc mắc là vì sao nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 12 - 15% trong tổng lượng giao dịch thị trường nhưng lại có tác động đến chỉ số? Ông Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, đơn giản vì khối ngoại chủ yếu đầu tư vào những cổ phiếu bluechips, khi họ bán ròng tại những mã này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến chỉ số chung. Đặc biệt, với xu hướng bán khá kiên định, giao dịch của nhóm nhà đầu tư ngoại có thể tạo ra xu hướng trên thị trường.
Thời điểm hiện tại, vị chuyên gia dự đoán nhà đầu tư nước ngoài còn khá thận trọng. Khả năng họ sẽ tiếp tục xu hướng chốt lời một phần nữa khi họ đã mua vào một lượng định giá tương đối thấp khi thị trường giao động từ 900 - 1.000 điểm trong cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Dưới góc độ khác, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC nhìn nhận đà bán ròng của khối ngoại chủ yếu xuất phát từ việc đồng USD phục hồi nhanh trong vài tuần gần đây, trước những bất ổn về tình hình nợ công tại Mỹ.
Vị chuyên gia đến từ DSC cho rằng điểm sáng cuối tuần qua là Mỹ đã đạt được thỏa thuận tránh vỡ nợ. Mặc dù kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hoàn toàn đồng thuận trước thông tin này. Nhưng ông Huy cho rằng đồng USD sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn và bond yield giảm trở lại. Khi đó, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ phần nào giảm bớt, bởi tuần vừa qua Mỹ cũng là một trong những nguồn bán ròng ở Việt Nam.
Tương tự như khối nội, đối với dòng tiền khối ngoại trading cơ cấu, thông tin kinh tế trong tuần này sẽ tiếp tục tác động mạnh. Trong trường hợp PMI tiếp tục suy yếu sâu, khả năng hoạt động cơ cấu này sẽ tiếp tục diễn ra.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục biến động đi ngang và có những phiên tăng - giảm đan xen. Thị trường sẽ diễn biến theo những thông tin vĩ mô về kinh tế trong nước được công bố vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.
Mặc dù đánh giá cao kịch bản đi ngang, nhưng chuyên gia cho rằng độ rộng cũng như thanh khoản vẫn tiếp tục được cải thiện. Thị trường tuy có thể mang màu sắc lạc quan hơn, nhưng chuyên gia vẫn bỏ ngỏ về kịch bản vượt kháng cự, trừ khi những số liệu kinh tế tốt hơn so với kỳ vọng và khối ngoại giảm bán ròng.