Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, khối ngoại “quay xe” trở lại giải ngân, nhà đầu tư có nên “mua đuổi”?
BÀI LIÊN QUAN
Thị trường chứng khoán hôm nay 8/5: VN-Index tăng vượt mốc 1.050 điểm, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏChuyên gia chứng khoán: Thị trường vẫn chờ một dấu hiệu để xác định nhịp giảm kết thúcHàng nghìn môi giới bỏ nghề khi chứng khoán bớt "hot"Theo Nhịp sống thị trường, thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận phiên đầu tuần vô cùng phấn khởi, chỉ số VN-Index “bốc đầu” tăng mạnh vào cuối phiên và đóng cửa ở mức điểm cao nhất. Dòng tiền liên tục đổ và thị trường kết hợp với việc khối ngoại “quay xe” trở lại giải ngân đã thu hẹp đáng kể đà bán ròng và giúp cổ phiếu tăng tốt. Đóng cửa, chỉ số Vn-Index tăng 13,13 điểm (tương ứng 1,26%) lên ngưỡng 1.053,44 điểm. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 23 phiên, kể từ ngày 3/4. Thanh khoản sàn HoSE tăng thêm 34% so với phiên giao dịch cuối tuần trước, giá trị khớp lệnh đạt 9.243 tỷ đồng.
Sắc xanh ghi nhận ở hầu hết các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép, phân bón, qua đó trở thành đầu tàu đưa chỉ số dễ dàng giành lại ngưỡng điểm quan trọng 1.050 điểm.
Xét về mức độ đóng góp, rổ VN30 kết phiên giao dịch ngày hôm qua với 26 mã đồng thuận tăng giá giúp kéo thị trường tăng tốt. Ở chiều ngược lại, chỉ NVL và TPB giảm, còn VPB và PLX đứng tham chiếu.
Nếu nhìn vào riêng từng cổ phiếu, mã ngân hàng VCB tăng tốt 3,6% lên mức 105.000 đồng/cổ phiếu, qua đó đóng góp gần 3,8 điểm tăng cho VN-Index. Ngoài ra, một số mã ngân hàng khác như BID, TCB, STB, ACB cũng diễn biến khả quan, qua đó lần lượt đóng góp 1,6 điểm, 0,6 điểm, 0,3 điểm và 0,3 điểm tăng cho thị trường.
Bên cạnh đó, hai bluechips là VNM và GVR tăng tốt đã đóng góp gần 2 điểm tăng cho chỉ số chính. Một số “ông lớn” khác như GAS, MSN, HPG, VIC cũng có phiên tăng điểm tích cực, càng đưa chỉ số VN-Index bứt phá thêm.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trường nhóm Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Trung tâm phân tích DSC cho rằng, phản ứng của thị trường cho thấy có lực cầu xuất hiện. Tuy nhiên, các cổ phiếu vẫn đang phân hóa và chưa có sự dẫn dắt một cách rõ ràng của nhóm trụ. Điều này đồng nghĩa với việc dư địa cho VN-Index bứt phá trở lại đỉnh cũ là chưa có và nhiều khả năng chỉ số chính sẽ có diễn biến đi ngang trong tháng 5.
Tuy nhiên, dù thị trường đi ngang nhưng không có nghĩa là thiếu cơ hội để đầu tư. Vị chuyên gia DSC cho rằng, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang cho thấy động lực tăng tốt, hai chỉ số VN-Small và VN-Midcap đang cải thiện. Bên cạnh đó, cấu trúc thị trường cũng đang dần cải thiện khi tỷ lệ các cổ phiếu vượt cản trung hạn (đường MA20) đang tăng dần.
Mặt khác, margin thị trường hiện tại đang ở mức thấp, kết hợp với việc thị trường có pha điều chỉnh dài trong tháng 4 kéo dài sang phiên đầu tháng 5, chỉ số sẽ dễ có khả năng biến động theo chiều hướng đi lên, sideway up với mục tiêu khoảng từ 1.060 đến 1.070 điểm.
Đưa ra khuyến nghị cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng có thể lướt sóng ngắn hạn bằng việc canh tập trung mua tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa. Ưu tiên giải ngân các nhóm ngành có khả năng hút tiền chính như chứng khoán, bất động sản.
Còn đối với các nhà đầu tư theo trường phái giá trị, thời điểm thị trường thiếu tự tin, tiền không vào như hiện nay lại khá phù hợp để mua gom cổ phiếu đầu tư giá trị dài hạn và nắm giữ trên 1 năm. Đối với cổ phiếu dạng này, nhà đầu tư cần xem xét đến câu chuyện riêng của các doanh nghiệp nhằm tìm được những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt, định giá rẻ.
2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 5
Mới đây, trong báo cáo của mình, Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra dự báo P/E của VN-Index sẽ vận động trong vùng 11,5 - 12 trong kịch bản tích cực khi chỉ số chính trở lại vùng 1.100 điểm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý một số diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu như cuộc khủng hoảng hệ thống Ngân hàng tại Mỹ và châu u,... có thể sẽ gây ra bất ổn với dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương thế giới.
Với kịch bản tích cực, những giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đang từng bước được thực thi, dự kiến một số chủ trương quan trọng sẽ được thông qua khi kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ diễn ra trong tháng 5. Mặt khác, lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm, điều này tạo đà tâm lý tích cực cho thị trường cũng như nền kinh tế.
Nhóm phân tích của BSC đánh giá kết quả kinh doanh quý 1 của hầu hết doanh nghiệp phần lớn đã phản ánh trong diễn biến giảm điểm của tháng 4. Đồng thời, việc nhà đầu tư nước ngoài giảm tốc độ bán ròng và có thể trở lại mua ròng sẽ tạo động lực để VN-Index quay lại vùng 1.080 - 1.100 điểm.
Với kịch bản kém tích cực, cuộc khủng hoảng hệ thống Ngân hàng tại Mỹ chưa có dấu hiệu dừng lại, trong bối cảnh môi trường lãi suất cao tiếp tục duy trì. Mặt khác, căng thẳng địa chính trị giữa các nước tiếp tục leo thang có thể tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến cục diện giữa các nước cũng như diễn biến của dòng tiền đầu tư.
Thị trường trong nước bước vào giai đoạn thiếu vắng thông tin. Khối ngoại và các ETF chủ đạo có khả năng sẽ tiếp tục bán ròng khi các rủi ro tiêu cực vĩ mô trên thế giới vẫn còn khó lường.
Theo đó, đội ngũ phân tích BSC dự báo chỉ số VN-Index sẽ trở lại ngưỡng 1.030 điểm và cán mốc thấp hơn đã từng thiết lập trước đó.
Một số nhóm ngành được BSC khuyến nghị bao gồm: Nhóm cổ phiếu đầu tư công, nhóm được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa; nhóm cổ phiếu Tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin và nhóm năng lượng tiện ích.