Lao động tại TP Hồ Chí Minh có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước
BÀI LIÊN QUAN
Từ tháng 3/2022, người lao động cần nắm rõ các chính sách bảo hiểm, tiền lương mới nàyNgười lao động có con nhỏ là F0 được hưởng những khoản tiền hỗ trợ nào?Làm thế nào thúc đẩy kế hoạch triển khai nhà ở xã hội tại khu công nghiệp phục vụ người lao động?Hơn 1,2 triệu lao động thất nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn tới thị trường lao động. Số người tham gia thị trường lao động và có việc làm bị suy giảm nghiêm trọng. Theo đó, các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng cao so với xu thế giảm trong những năm qua.
Cụ thể, Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong năm 2020, tổng số lao động trung bình của cả nước là 54,84 triệu người. Con số này giảm gần 1 triệu người so với năm 2019. Trong số đó, có 53,6 triệu người có việc làm và hơn 1,2 triệu người thất nghiệp.
Trong tổng số 1,2 triệu người thất nghiệp, khu vực thành thị chiếm 52,9%, tương ứng với 652,9 nghìn người. Xu hướng này là trái ngược so với các năm trước đó khi khu vực nông thôn thường có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Số lượng lao động là thanh niên thất nghiệp chiếm hơn 1/3 tổng số lao động thất nghiệp trên cả nước, ở mức 35,4%. Số liệu từ Báo cáo cũng cho thấy, những người đã tốt nghiệp đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lên tới 20,7%, nhóm có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông là 16,7% và trung học cơ sở là 19%.
Số lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn chiếm 66,9% tổng số lao động của cả nước. Như vậy tỷ trọng lực lượng lao động phân bố tại thành thị vẫn còn khá thấp. Lực lượng tham gia lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm 11,1% tổng số lao động của cả nước (tương ứng với 6,1 triệu người). Trong đó, lao động nữ ít hơn nam ở cả nông thôn và thành thị. Tỷ lệ này cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và thấp nhất ở đồng bằng sông Hồng.
Về tỷ lệ tham gia lao động, trong năm 2020, hơn 74% dân số trong độ tuổi từ 15 trở lên tham gia và lực lượng lao động. Con số này giảm 2,4 điểm phần trăm so với năm 2019, đồng thời tỷ lệ tham gia lao động của nam cao hơn với nữ giới (79,9% so với 69%).
Con số đáng chú ý của báo cáo là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ tham gia lao động ở mức cao (83,6%). Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Bộ, tỷ lệ này chỉ ở mức 69,3%. Ở các thành phố lớn nhất cả nước, lực lượng lao động là nữ tham gia lao động thấp hơn nam giới. Tỷ lệ tham gia lao động của Hà Nội cao hơn gần 4% so với TP Hồ Chí Minh, lần lượt là 67,6 và 63,9%. Trên thực tế, hai thành phố này tập trung các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng… do đó, dân số từ 15 tuổi trở lên chủ yếu cư trú để học tập nên đã kéo giảm tỷ lệ tham gia lao động tại đây.
Đối với tỷ trọng lao động qua đào tạo, Báo cáo cho thấy lực lượng này vẫn còn thấp. Cụ thể, chỉ có hơn 13 triệu người đã qua đào tạo tham gia lực lượng lao động, chiếm 24,1% tổng số lao động của cả nước. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất (32,6%), thấp nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội có 24,6% lao động đang làm việc có trình độ từ đại học trở lên và ở TP Hồ Chí Minh là 23,6%. Điều này khá dễ hiểu khi đây là hai trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Hiện còn tới 41,6 triệu người chưa qua đào tạo trình độ kỹ thuật, chuyên môn nhất định. Như vậy, mặc dù lực lượng lao động của nước ta tương đối dồi dào, nhưng lao động đã qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ thấp so với mặt bằng các nước trên thế giới.
Tỷ lệ làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản khá cao, đặc biệt ở Tây Nguyên (67,9%) và trung du, miền núi phía Bắc (55,4%), đồng bằng sông Cửu Long (38,5%). Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ 98,8 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và xây dựng.
Lao động ở TP Hồ Chí Minh có thu nhập cao nhất
Theo Báo cáo, thu nhập từ việc làm bình quân theo tháng của lao động khu vực Đông Nam Bộ ở mức cao nhất là 7,872 triệu đồng. Thấp nhất là khu vực Tây Nguyên với 5,412 triệu đồng. Xếp theo các tỉnh, thành phố thì TP Hồ Chí Minh ở vị trí cao nhất. Theo đó, lao động tại TP Hồ Chí Minh có thu nhập 8,439 triệu đồng một người/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này có xu hướng giảm so với năm trước đó.
Tỉnh Đồng Nai đã vươn lên vị trí thứ 2 sau khi xếp vị trí thứ 4 vào năm 2019. Lao động ở tỉnh này có mức thu nhập 8,008 triệu đồng một tháng. Còn tại Hà Nội, mức thu nhập của lao động một tháng là 7,721 triệu đồng, giảm so với mức 8,207 triệu vào năm 2019, đồng thời Hà Nội cũng tụt xuống vị trí thứ 3.
Trong top 10 còn có các địa phương như: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Bắc Giang.
Theo các ngành kinh tế, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm có mức thu nhập bình quân cao nhất, với 9,608 triệu đồng/người/tháng. Ngành thông tin truyền thông ở vị trí thứ 2 với mức thu nhập 9,538 triệu đồng/người/tháng. Xếp ở vị trí thứ 3 là kinh doanh bất động sản, với mức thu nhập 9,071 triệu đồng/ người/ tháng. Bên cạnh đó, nhóm hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế có mức thu nhập lên tới 12,1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên nhóm này có mẫu số nhỏ nên độ tin cậy thấp hơn. Với các nhóm ngành khác, mức thu nhập bình quân của lao động dao động từ 6,5 - 8,9 triệu đồng/người/tháng.
Báo cáo cũng cho thấy, hầu hết các nhóm ngành, lĩnh vực lao động đều có mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Chỉ riêng nhóm lao động giản đơn là có mức thu nhập thấp hơn, với 4,9 triệu đồng/người/tháng. Mức 10,5 triệu đồng/người/tháng thuộc về nhóm nhà lãnh đạo. Mức 8,8 triệu đồng/người/tháng thuộc nhóm có chuyên môn kỹ thuật bậc cao.
Báo cáo cũng đã chỉ ra, so với năm 2009, nhóm làm công ăn lương hiện chiếm 48,4% trong tổng số lao động đang làm việc. Xu hướng này đã thể hiện quá trình chuyển dịch của thị trường lao động. Tuy nhiên, nó cũng nêu lên thực trạng sự thâm hụt về chất lượng công việc của Việt Nam so với các nước phát triển hơn. Lao động trong gia đình vẫn chủ yếu là nữ với 67,9%. Đây cũng là nhóm lao động yếu thế, công việc kém ổn định và không được hưởng bảo hiểm xã hội.