Lần đầu tiên vốn hóa của Vingroup giảm xuống dưới 300.000 tỷ đồng từ tháng 8/2020
BÀI LIÊN QUAN
Triệu phú 29 tuổi thành lập doanh nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD từ niềm đam mê tập thể dụcGiá xăng dầu tăng “chóng mặt” doanh nghiệp lao đaoFE Credit mất “ngôi vương” doanh nghiệp nào trở thành quán quân mới?Vingroup luôn nằm trong top những ông lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam. Song, từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu của Vingroup liên tục giảm giá khiến người đầu tư phải hoang mang. Hồi cuối tháng 1 cổ phiếu của Vingroup ở mức 97.000 đồng/cổ phiếu, thì hiện tại trong chốt phiên giao dịch cuối tháng 2 đã giảm xuống chỉ còn 77.000 đồng/cổ phiếu. Đây chính là nguyên nhân khiến cho giá trị vốn hóa của Tập đoàn Vingroup trên sàn chứng khoán xuống dưới 300.000 tỷ đồng chỉ còn 294.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Như vậy, Vingroup đã tụt xuống vị trí thứ 3 xếp sau cổ phiếu của Vietcombank và Vinhomes.
Việc giảm giá mạnh của cổ phiếu VIC diễn ra sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 thua lỗ khoảng 9.249 tỷ đồng. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến khiến Vingroup tụt dốc là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho hoạt động kinh doanh trì trệ. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đổ một khoản tiền lớn vào tài trợ cho Nhà nước khi đại dịch xảy ra. Trong năm 2021, Vingroup đã tài trợ cho các quỹ, tổ chức hoạt động phòng chống dịch Covid 19 khoảng 6.100 tỷ đồng. Tính từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch đến thời điểm hiện tại, Vingroup đã chi hơn 9.400 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Vingroup đã có những đường lối kinh doanh mới khi quyết định ngừng sản xuất xe xăng để tập trung sản xuất xe điện vươn ra thị trường quốc tế. Quyết định này sẽ giúp Vingroup hiện thực hóa nhanh hơn chiến lược trở thành hãng xe toàn cầu, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tập đoàn phải chi một khoản tiền lớn để đầu tư xây dựng nhà máy và các dây chuyền sản xuất.
Theo báo cáo lũy kế năm 2021, Vingroup lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng. Nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch, trong quý 4 năm 2021 Vingroup ghi nhận lỗ sau thuế là 2.638 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của năm 2021 ghi nhận là 4.373 tỷ đồng hoàn thành khoảng 97% kế hoạch đã đề ra hồi đầu năm.
Năm 2021, tổng doanh thu của Vingroup đạt hơn 427.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 159.100 tỉ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm lần lượt là 1% và 17%. Hiện tại, Vingroup cũng đang gánh một khoản nợ khoảng 268.100 tỷ đồng để duy trì các hoạt động của công ty trong thời kì dịch bệnh khó khăn chưa kịp phục hồi.
Trong chiến lược định hướng mới nhất, Vingroup quyết định tập trung ba nhóm hoạt động chính của tập đoàn là Công nghệ – Công nghiệp, Thương mại dịch vụ, và Thiện nguyện xã hội, trong đó bao gồm việc liên kết với các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận và các Quỹ hỗ trợ của Tập đoàn.
Ở trọng tâm đầu tiên là hoạt động công nghệ - công nghiệp, thành tựu tập đoàn đã đạt được trong năm qua là bàn giao bàn giao 35.700 xe VinFast cho khách hàng. Trên thị trường quốc tế, hãng xe Vinfast cũng giới thiệu thành công tới bạn bè quốc tế sản phẩm xe điện hoàn thiện với 5 mẫu SUV mới phủ khắp các phân hạng từ A đến E. VinFast cũng đã mang sản phẩm xe điện của mình giới thiệu tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 (Mỹ). Đây được coi là một bước tiến quan trọng vươn tầm thế giới của ngành sản xuất ô tô điện Việt Nam.
Cuối năm 2021, VinFast đã đầu tư khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) có công suất giai đoạn 1 đạt 100.000 pack pin mỗi năm. Đây là một trong những phương án quan trọng để tập đoàn khép kín chu trình sản xuất và đầu tư xe điện mà không cần phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.
Trọng tâm thứ hai là hoạt động thương mại dịch vụ. Trong đó ở lĩnh vực bất động sản, Vingroup dự kiến đẩy mạnh phát triển xanh và chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản. Hoạt động đầu tư, mua bán bất động sản của Vinhomes vẫn là một trong những mũi nhọn chủ lực mang lại doanh thu lớn cho Vingroup. Nhờ hoạt động bán hàng cải thiện mạnh trong quý 4/2021. Vinhomes lãi ròng sau thuế hơn 39.000 tỉ đồng.
Ở phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục “ngủ đông” do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 khiến cho doanh thu của cả năm rất thấp. Tuy nhiên, sang đến đầu năm 2022 một loạt chính sách cải thiện được triển khai, đường bay quốc tế cũng được mở trở lại nên nhiều dấu hiệu khả quan hơn đã xuất hiện trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Đặc biệt, các khu nghỉ dưỡng Vinpearl của Vingroup đang đón một lượng khách trong nước khá ổn định
Đối với trọng tâm cuối cùng là thiện nguyện xã hội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có một thay đổi đáng kể là giảm đóng góp của Vingroup trong quỹ Thiện Tâm từ 90% xuống 10%,. Thay vào đó cá nhân vị tỷ phú và các thành viên trong gia đình cùng ban lãnh đạo tập đoàn sẽ chủ động đóng góp cho quỹ ngày một phát triển.
Với những thay đổi chiến lược này, nhiều người hi vọng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ sớm lấy lại vị trí “ngôi vương” trên sàn chứng khoán. Trong khi kinh tế đang dần phục hồi, tập đoàn Vingroup sẽ có những bước tiến mới để cải thiện tình hình doanh nghiệp, cũng như đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy cổ phiếu của Vingroup đã để mất vị trí số một nhưng cổ phiếu của Vinhomes vẫn giữ vị trí thứ hai cho nên dù vốn hóa của Vingroup có giảm thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn có thể tạm yên tâm về giá trị vốn hóa của công ty.