Lãi vay liên tục tăng cao khiến người mua nhà như “ngồi trên đống lửa”
BÀI LIÊN QUAN
Ngân hàng cho vay lãi suất thấp sẽ được ưu tiên phân bổ mức tín dụngNhiều ngành kinh tế được "kích hoạt" khi Ngân hàng Nhà nước tăng thêm chỉ tiêu tín dụngChuyên gia nói gì khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%?Nặng gánh về khoản vay ngân hàng
Năm 2022, rất nhiều doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn, thậm chí thua lỗ. Một số doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp từ cắt lỗ đến bán hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu người mua, huy động vốn. Tuy nhiên, tình hình chẳng cải thiện là bao khi lãi suất vay mua nhà ở mức cao, thậm chí “kịch trần”.
Nhiều ngân hàng sau khi áp dụng ưu đãi 3-6 tháng đầu của khoản vay, sau đó áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường. Theo đó, lãi suất thả nổi sẽ tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 3-5 điểm % hoặc cộng thêm biên độ 3 – 5%/năm.
Lãi suất cho vay tăng cao khiến nhiều gia đình đang có dư nợ vay như “ngồi trên đống lửa”. Chị Hoàng Thị Lan (43 tuổi ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mua nhà trong thời điểm dịch Covid-19 khi lãi suất ở mức thấp, gia đình cũng đang có một khoản dành dụm. Nghĩ “mua được là được”, vợ chồng tôi vay thêm 1,3 tỷ đồng tại ngân hàng để mua căn hộ rộng 74m2 ở quận Hà Đông. Đến thời điểm này, gia đình tôi đang phải trả lãi suất thả nổi với biên độ 4% năm là 13%/năm tương đương với khoản tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng tăng từ 16 triệu lên 23 triệu đồng/tháng. Điều này khiến cuộc sống và các chi tiêu của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”.
Một trường hợp khác là ông Hoàng Quốc Đạt, mua một căn hộ cũ ở TP Đà Nẵng đã được duyệt hồ sơ vay vốn 70% giá trị tại sản, thời điểm ký hợp đồng cả tiền lãi và gốc ông phải trả khoảng 12 triệu đồng/tháng. Thế nhưng từ tháng 10/2022 vừa qua, ông nhận được thông báo của ngân hàng sẽ phải trả khoảng 16 triệu đồng/tháng do lãi vay ngân hàng tăng…
Dù đã được dự báo từ trước nhưng thấy lãi suất cho vay tăng liên tiếp tăng cao khiến nhiều người vay không thể xoay xở để trả nợ ngân hàng đành tìm cách bán lại chính sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai mà mình mua (thanh toán theo từng đợt).
“Lãi vay tăng khiến mọi chi phí cũng tăng lên, dù gia đình đã cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu nhưng cũng không thể cân đối được. Gồng gánh mấy tháng không thể chịu được áp lực, tôi đành quyết định rao bán cắt lỗ lại căn hộ dự án đang xây dựng ở quận 3, TP.HCM mà dự kiến sẽ bàn giao vào quý II năm 2023”, anh Nguyễn Hồng Quang (38 tuổi, quê ở Bình Dương đang làm việc tại thành phố mang tên Bác) bày tỏ.
Ai là người bị ảnh hưởng nhất?
Qua tìm hiểu, không chỉ những người có nhu cầu vay vốn mua nhà đang gặp áp lực khi lãi suất tiền vay tăng mà những người đã vay vốn để đầu tư đất nền trong thời gian qua cũng rơi vào tình cảnh lao đao khi đến hạn trả nợ mà không thể thanh khoản được tài sản.
“Xu hướng tăng lãi suất cao như hiện nay thực sự đã vượt quá sức “gồng” gia đình tôi. Hai vợ chồng tôi đang tìm khách thiện chí để bán lại lô đất 100m2 ở khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với mong muốn thu hồi vốn để tất toán khoản vay dù sẽ bị phạt 3% do thanh toán trước hạn”, anh Lê Văn Bảo (quê Thanh Hóa, một nhà đầu tư bất động sản tay ngang) chia sẻ.
TS Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia tài chính - ngân hàng) cho rằng việc ngân hàng nhà nước tăng lãi suất điều hành, tiền gửi cùng với hệ thống ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay là động thái phù hợp để chống lạm phát, nhằm ổn định giá trị của đồng tiền. Tuy nhiên, lãi suất vay tăng ở mức quá cao đang khiến nhiều người không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để mua nhà hoặc khó có khả năng chi trả theo lãi suất thả nổi.
Do vậy, ông Hiếu khuyến cáo người mua nên dựa vào mức thu nhập và tiền mặt có sẵn chứ không nên chi quá 30% tổng thu nhập của gia đình cho các khoản vay.
Với những người vay vốn ngân hàng để đầu tư bất động sản, theo ông Hiếu ở mức lãi suất cho vay thấp thì họ có cơ hội thắng lớn khi giá bất động sản tăng mạnh. Tuy nhiên khi chính sách đã có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế cụ thể là lãi vay ngân hàng tăng cao, thị trường bất động sản bị siết chặt tránh “sốt ảo” thì bản thân họ đang là nhiều chịu thiệt, thậm chí có thể gặp rủi ro.
“Điều đáng lo nhất ở đấy là nhóm người thu nhập thấp đang gặp ảnh hưởng lớn từ việc tăng lãi suất cho vay khiến họ khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhà ở. Những người sốt ruột, sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà mà không thể cân đối dòng tiền ổn định thì cuộc sống sẽ bị đảo lộn theo chiều hướng tiêu cực”, vị chuyên gia bày tỏ.
Cùng chia sẻ về câu chuyện trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính đánh giá, nhu cầu vay vốn mua nhà của người dân hiện nay vẫn rất lớn trong khi thu nhập của người lao động còn hạn chế. Chưa kể, giao dịch trên thị trường dù giá gọi là “hạ nhiệt” nhưng thực tế vẫn ở mức cao khiến đa số người dân không đủ can đảm để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, người có nhu cầu mua nhà cần cân nhắc, tính toán sao cho phù hợp vì vẫn còn giải pháp khả quan như đi thuê nhà, thuê chung cư để ở. “Người dân, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp không nên nóng vội mà cần sắp xếp thứ tự ưu tiên sử dụng tài chính ở từng giai đoạn cho phù hợp, tránh tạo ra quá nhiều áp lực cho bản thân và gia đình”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, cơ hội giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 là rất khó, trừ khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi cho từng nhóm người cụ thể để đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì thế, người dân cần chủ động, tính toán kỹ nguồn vốn trả nợ và các chi phí khác đi kèm, chi phí phát sinh trong tương lai trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay vốn ngân hàng.