Lãi suất hỗ trợ vay mua nhà ở 5%/năm: Không dễ tiếp cận cửa vay
BÀI LIÊN QUAN
NHNN: Các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệpLãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp địa ốc “lao đao” trả nợSau Vietcombank và HDBank, Agribank là ngân hàng thứ ba giảm lãi suất cho vayNăm 2023, lãi suất sẽ tăng lên 5%
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định điều chỉnh mức lãi suất của các ngân hàng thương mại trong năm 2023. Theo đó, đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở sẽ lên 5%, tăng 0,2% so với năm 2021 đến nay. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và thay thế Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 3/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN.
Như vậy, khoản dư nợ còn lại của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai theo Nghị quyết 02 năm 2013 của Chính phủ sẽ dành cho khách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán phải thấp hơn 15 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội sẽ là 5%/năm.
Thông tin này khiến nhiều người dân cảm thấy vui mừng vì so với mức lãi suất trong các năm qua, hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm thì mức lãi suất này vẫn còn rất mềm. Nhưng không ít người cũng tỏ ra hoài nghi về việc tiếp cận chính sách ưu đãi này, bởi không ít gói hỗ trợ lãi suất cho vay trước đó cũng bị ì ạch.
Chia sẻ với PV, anh Hoàng Trí (quê Nghệ An) cho biết, gia đình anh có dự định mua nhà từ rất lâu nhưng chưa cân đối mức tài chính. Được biết, có mức hỗ trợ vay với lãi suất 5% nhưng gia đình tôi lại không thuôc đối tượng mua nhà ở xã hội. Còn đối với căn hộ thương mại thì hầu như các ngân hàng đều từ chối với lý do là còn nhiều hồ sơ khác cấp thiết hơn.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, để tiếp cận được mức lãi suất cho vay này còn khó hơn lên trời. Thứ nhất là thủ tục loằng ngoằng, chồng chéo, phải qua nhiều bộ phận kiểm duyệt giấy tờ rất mất thời gian khiến nhiều người nhục chí, chấp nhận từ bỏ không vay. Thứ hai, không ngân hàng nào sẵn sàng cho vay, bởi chính bản thân họ cũng đang phải hạn chế room tín dụng, đặc biệt là bất động sản để cân đối lợi nhuận.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã gửi ý kiến kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ).
Ngân hàng phải giảm lãi suất 1 nửa là điều rất khó
Theo Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, để phát huy hiệu quả quy định mức lãi suất hỗ trợ vay mua nhà ở trong năm 2023 ở 5%/năm thì việc thực hiện phải quyết liệt từ trên xuống dưới.
"Việc Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị nhưng các ngân hàng thương mại có tích cực tham gia không thì lại là một chuyện khác. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dân không biết vay vốn lãi suất thấp ở đâu trong thời gian qua" - ông Đính nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, trong trường hợp ngân hàng thương mại không có nguồn vốn thì Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ phải có nguồn vốn bơm vào.
"Các ngân hàng hiện nay đang cho vay với lãi suất 10% nhưng bây giờ phải cho một số người dân vay với lãi suất giảm đi một nửa thì phải có nguồn bù vào, vì ngân hàng nào kinh doanh cũng cần phải có lợi nhuận" - ông Đính nói.
Cũng cho ý kiến, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, trong khi mức lãi suất ngân hàng vẫn tăng cao. Vì vây, nếu triển khai hỗ trợ cho vay mua nhà ở với mức lãi suất 5% thì Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế bù lỗ hoặc các biện pháp hỗ trợ cụ thể thì mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng phân tích, 5%/năm chỉ là mức lãi suất cho vay đưa ra ban đầu của các ngân hàng thương mại, thực chất là thu hút lượng khách hàng mới. Còn sau thời gian 1-2 năm sẽ không còn mức lãi suất này. Trong câu chuyện lãi suất cho vay mua bất động sản, ngân hàng sẽ không bao giờ là bên chịu thiệt vì là đơn vị kinh doanh hộ sẽ có những yêu cầu, quy định nêu khách hàng muốn vay thì phải chấp nhận.
Một cán bộ ngân hàng MBBank cũng cho biết, hiện nay mức lãi suất huy động vốn của doanh nghiệp đối với thời hạn 12 tháng là 8,3%. Trong khi lãi suất có vay phụ thuộc vào kế hoạch sả xuất kinh doanh, mức vay phổ biến rơi vào khoảng 13-14%.
Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo thực hiện chính sách thì các ngân hàng chắc chắn sẽ thực hiện với quy định điều kiện bắt buộc để cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ hạn chế số vốn giải ngân, đối tượng và yêu cầu cho vay cũng sẽ khắt khe hơn.
Cán bộ một chi nhánh ngân hàng BIDV khẳng định, khách hàng không phải lo ngại về nguồn vốn bởi các ngân hàng thương mại hoàn toàn có khả năng thu xếp. Vì mỗi ngân hàng đều có những nguồn vốn khác để dành cho vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, với mức lãi suất ưu đãi thì các thủ tục thường phức tạp và khắt khe hơn, nhiều khách hàng không đáp ứng được thường hay bất bình và bức xúc.
"Đã có quy định thì cả ngân hàng và người dân đều phải tuân thủ. Huống hồ, đối với các trường hợp vay với lãi suất ưu đãi thấp thì đã được ưu đãi nhiều so với bình thường rồi. Vì vậy, khách hàng phải chấp nhận khó khăn về thủ tục, quá trình thẩm định kéo dài. Bởi như thế sẽ đảm bảo an toàn cho cả ngân hàng và người đi vay, cũng như công bằng đối với các hồ sơ".