Kinh nghiệm mua nhà của cặp vợ chồng Hải Dương: Từ bị "lật kèo" tưởng mất tiền tỷ cho đến sở hữu căn hộ cao cấp ở Thủ đô
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, câu chuyện về hành trình mua nhà đầy gian nan của cặp vợ chồng trẻ ngoại tỉnh dưới đây có thể sẽ là động lực nhỏ giúp những người trẻ sớm hiện thực hóa ước mơ sở hữu bất động sản của riêng mình.
Chặng đường gian nan từ phương án mua nhà đến sở hữu bất động sản
Anh Tùng và chị Vân, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Từ khi lấy nhau, cả hai đã vạch ra kế hoạch trong 5 năm sẽ cố gắng mua được nhà. Cũng giống nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, anh chị nuôi suy nghĩ, sẽ sống trong hoàn cảnh trả nợ để nỗ lực phấn đấu còn hơn là sống trong ngôi nhà thuê chật hẹp.
Trước khi mua được căn hộ hiện tại, hai vợ chồng chị Vân sống trong một ngôi nhà vỏn vẹn 12 mét vuông. Khoảng tháng 9 năm trước, khi chứng kiến cảnh con gái tập đi, vui chơi trong hoàn cảnh nhà cửa chật chội, không có không gian. Hai vợ chồng chị khá chạnh lòng. Lúc đó, cả hai đã bàn bạc với nhau và đi đến thống nhất sẽ cố rút ngắn thời gian mua nhà, càng sớm càng tốt.
Tới năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp BĐS và nhà đất được rao bán với giá rẻ hơn. Hai vợ chồng nhận thấy đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Mức tài chính mà vợ chồng chị Vân suy tính là vào khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó, hai phương án đã được anh chị đưa ra.
1. Mua nhà đất
Cả anh Tùng và chị Vân đều là người ngoại tỉnh, quê ở Hải Dương. Vì vậy phương án đầu tiên và cũng là an toàn của cặp vợ chồng này là mua nhà đất. Tuy nhiên, phương án này lại khiến anh chị gặp nhiều khó khăn.
Do không có nhiều mối quan hệ ở Thủ đô, lại thêm không có chuyên môn về thị trường bất động sản nên hai vợ chồng chị đã dành khoảng 2 tháng để đi xem nhà. Chủ yếu là các BĐS trị giá từ 1,5- 2,5 tỷ đồng. Trong đó có 3 căn nhà chị Vân nhớ nhất là ở Thái Hà, Tân Mai và Trương Định.
Cả hai căn nhà ở Tân Mai và Thái Hà đều rất đẹp nhưng giá bán và thiết kế không hợp nên anh chị đành bỏ qua. Căn thứ 3 ở Trương Định là căn nhà khiến hai người gặp nhiều cung bậc cảm xúc và cũng rắc rối nhất.
Xét về mọi mặt như: Diện tích, vị trí, hướng nhà đến chi phí đều phù hợp với gia đình chị Vân. Giá bán là 2,5 tỷ gồm 5 tầng và không nằm trong dự án quy hoạch nào. Thấy ổn nên hai vợ chồng đã quyết định mua luôn chỉ sau 2 ngày tới xem nhà.
Tưởng mất tiền tỷ do chủ nhà "lật kèo"
Đến thời điểm ra văn phòng công chứng thì chủ nhà bất ngờ "lật kèo" chỉ bán nhà khi chồng đủ toàn bộ tiền một lần. Khi đó, vợ chồng chị Vân cảm thấy bàng hoàng vì sợ không lo đủ tiền thì số tiền cọc là 150 triệu “không cánh mà bay”.
Chủ nhà khi đó nói rằng, họ chỉ nhận tiền một lần trong buổi ký kết tại văn phòng công chứng. Không thể đàm phán thêm, vợ chồng chị Vân lập tức đi huy động tiền. Bởi trước đó, khi cả 2 bên đã ký kết hợp đồng ghi rõ, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt gấp 3 lần (tương đương 450tr đồng). Chị Vân chia sẻ, lúc đó tâm lý rất hoang mang lo lắng. Chị chỉ sợ sẽ mất trắng tiền 450 triệu này.
Tuy anh chị vẫn không thể mua được căn nhà đó, may mắn thay, sau khi giải quyết chị đã nhận được khoản tiền này sau vài hôm. Tuy nhiên, tâm trạng chị Vân vẫn rất hoang mang vì còn tranh chấp và kiện tụng.
Gặp chuyện không may trong chuyện mua nhà cộng với tâm lý chán nản thì đến tháng 6/2020, vợ chồng chị Vân quyết định chuyển sang mua nhà chung cư.
2. Mua nhà chung cư
Nhà chung cư nếu so với nhà đất sẽ không bằng sự an toàn thế nhưng cũng không thiếu những ưu điểm nổi trội. Điểm sáng lớn nhất chính là các thành viên sẽ sinh hoạt chung trên một mặt sàn. Đây cũng là điều mà hai vợ chồng chị mong muốn.
Giá các căn hộ trong trung tâm thường khá cao. Xét nhiều yếu tố, anh chị đã chọn khu vực Hà Đông làm điểm đến mua nhà.
Sau khi gặp rủi ro mua nhà đất, chị Vân mang trong mình tâm lý lo sợ hơn. Phương án đưa ra ban đầu là muốn mua căn hộ khoảng giá 1,7 tỷ đồng. Tức giảm 1 nửa so với khoản chi phí bỏ ra mua nhà đất.
Chị Vân cho biết, con số này sẽ khiến cả hai không gặp áp lực về tài chính. Khi xem 1 căn chung cư tầm giá này tại Hà Đông, chị thấy khá thoáng và rộng rãi, tuy nhiên hơi cũ một chút.
Về phía chồng chị lại chưa đồng ý. Anh Tùng muốn mua một không gian sống ổn định. Thậm chí anh còn dự định dành nhiều tâm huyết để thiết kế và thi công lại ngôi nhà thật đẹp rồi đón con gái lên sinh sống.
Căn hộ mà anh chị lựa chọn rộng 100m2, trong đó diện tích ban công chiếm 14m2. Có giá bán gần 3 tỷ đồng. Vốn là kiến trúc sư nên anh Tùng đã "bao thầu" dự án cải tạo chính căn hộ của mình để vừa tiết kiệm lại có nơi ở theo đúng ý mình. Tổng chi phí hoàn thiện nhà hết hơn 500 triệu nữa. Hiện tại cả hai đều rất hài lòng về không gian sống mà mình lựa chọn.
Vợ chồng trẻ muốn sớm sở hữu BĐS cần học cách chịu áp lực
Khó khăn lớn nhất khi muốn sở hữu BĐS chính là tài chính. Bởi sau khi vay tiền để mua nhà, câu hỏi làm thế nào để trả khoản nợ hàng tháng là điều mà ai cũng đều đau đáu. Đặc biệt, với những cặp vợ chồng ngoại tỉnh thì bên cạnh tài chính thì những vướng mắc về giá, thủ tục, trình tự giấy tờ cũng là điều đáng quan tâm.
Như trường hợp của vợ chồng chị Vân. Ngoài số tiền mà hai vợ chồng tiết kiệm được cùng với giúp đỡ của bố mẹ thì vẫn phải vay mượn thêm ngân hàng. Lãi suất cố định là 8% và thả nổi là 11%, ký trong vòng 20 năm. Tâm lí kéo dài thời gian để giảm áp lực về tài chính là phương án cặp vợ chồng này đã chọn. Tuy nhiên, kế hoạch mà anh chị hướng tới vẫn là cố gắng rút ngắn thời gian trả nợ. Xuống còn 5-7 năm mà thôi.
Chị Vân chia sẻ, "Ngày xưa hai vợ chồng mình chi tiêu ít khi tính toán, lập kế hoạch. Giờ có áp lực nợ nần ở trên vai nên phải học cách điều tiết và sống cùng nó".
Kế hoạch rút ngắn thời gian trả nợ mua nhà của cặp vợ chồng trẻ
Được biết, để có thể rút ngắn thời gian trả nợ. Cặp vợ chồng trẻ đã lên kế hoạch tài chính và chi tiêu tiết kiệm hơn.
Mức lương của cả hai anh chị đều không phải quá cao. Nhưng muốn trả nợ nhanh thì chị Vân đã lựa chọn kinh doanh online thêm ở nhà để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, khi nhận được lương thì sẽ phân bổ từng khoản chi tiết.
Có hai khoản tiền là tiền tiêu cố định hàng tháng của gia đình và tiền trả nợ đều được chị Vân bỏ riêng. Nếu phát sinh thêm chi phí khác trong tháng, chị sẽ sử dụng thẻ tín dụng trả trước, tháng sau đó sẽ bù vào. Cách làm này đã giúp hai vợ chồng để dành ra được một khoản tiết kiệm.
Từ khi mua nhà, cặp vợ chồng trẻ cũng hạn chế chuyện đi du lịch, tụ tập bạn bè,... Ông bà cũng thường gửi những thực phẩm sạch từ quê lên. Vừa đảm bảo an toàn lại tiết kiệm thêm được chi phí sinh hoạt.
Lời khuyên: Những bạn trẻ nên học cách hoạch định tài chính, mua nhà càng sớm càng tốt
Từ năm này qua năm khác, mua nhà vẫn luôn là chủ đề được tranh luận rất nhiều và mỗi người sẽ có ý kiến khác nhau. Với cặp vợ chồng trẻ Vân và Tùng thì vấn đề mua nhà càng sớm sẽ càng tốt.
Chị Vân tâm sự, rất bị ám ảnh bởi hình ảnh con gái ở tuổi tập đi lò dò trong không gian sống nhỏ hẹp chỉ 12m2 ở thành phố. Bé đến nỗi đặt cái giường là hết. Em bé cứ trèo lên giường rồi lại xuống đất, nhìn rất tội. Nghĩ 5 năm sau mới có nhà thì quá lâu, nên hai vợ chồng mới cố gắng mua nhà sớm.
Nhiều người nói vợ chồng trẻ có thể ở nhà thuê, dành tiền đầu tư thay vì mua nhà. Nhưng theo quan điểm của vợ chồng chị thì đây là độ tuổi hợp lý để mua nhà cũng như làm mọi việc. Vì chỉ đến năm 35 - 40 tuổi là động lực để làm điều gì đó sẽ rất khó rồi.
Chị Vân cũng khuyên các cặp vợ chồng nên hoạch định tài chính để sớm mua nhà khi còn trẻ. Tất nhiên, kế hoạch tài chính nói thì dễ nhưng khi thực hiện lại khó khăn vô cùng. Dù vậy, chỉ cần cân đối tài chính phù hợp cộng với lòng quyết tâm và tinh thần lạc quan "dám nghĩ dám làm" thì khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua. Sự va chạm xảy ra trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn rất nhiều.