Không chỉ tín dụng, tháo gỡ vướng mắc pháp lý mới là động lực phát triển nhà ở xã hội
BÀI LIÊN QUAN
Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Không dễ tiếp cậnNhững “ông lớn” nào cam kết sẽ tham gia nhà ở xã hội trước khi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng?Phát triển nhà ở xã hội: Không chỉ bơm 110.000 tỉ là xongNhiều tín hiệu tích cực từ nhà ở xã hội
Mấy ngày qua, nhiều người dân đang tỏ ra vui mừng khi UBND TP.Hà Nội phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ phát triển hơn 1,2 triệu m2 nhà ở xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội dự tính sẽ cần đến 12.500 tỷ đồng.
UBND Hà Nội tỏ ra rất quyết tâm khi thực hiện kế hoạch này. Theo đó, TP đặt mục tiêu, trong giai đoạn 2021 – 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2/người. Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2. Hà Nội đang chuẩn bị đầu tư 2 khu nhà ở xã hội độc lập và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu nữa.
Việc Hà Nội có kế hoạch xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung cũng khiến nhiều người dân vui mừng. Bởi lâu nay, không ít khu nhà ở xã hội nằm trong các khu đô thị, gần với khu nhà ở thương mại. Đây là việc các doanh nghiệp chấp hành quy định dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội. Điều này cũng khiến các chủ đầu tư và người dân không mấy vui vẻ.
Đến nay, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng cũng đang được dư luận quan tâm. Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều động thái đốc thúc các địa phương tập trung triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đáp lại, một số địa phương cũng đã có phản hồi tích cực về đề án này.
Trong thời điểm hiện nay, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Thậm chí, nhiều “ông lớn” bất động sản cũng đã đưa cam kết phát triển nhà ở xã hội chất lượng tốt, giá rẻ để phục vụ nhu cầu an sinh xã hội. Tuy nhiên, họ vẫn lăn tăn về nguồn vốn để triển khai phân khúc nhà ở này.
Chiều 2/3, Bộ Xây dựng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết có nội dung về gói tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội với giá trị khoảng 120 nghìn tỷ đồng…Nhiều người kỳ vọng, gói tín dụng này sẽ là động lực để vực dậy thị trường sau thời gian ảm đạm kéo dài.
Cách đây đúng 10 năm, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được giải ngân đã giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và giúp hàng nghìn gia đình thực hiện được ước mơ có nhà. Khi đó, gói “cứu trợ” 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp đã vực dậy thị trường bất động sản. Các cơ quan chức năng cũng kỳ vọng, gói 120.000 tỷ đồng sẽ phát huy tác dụng như gói 30.000 tỷ đồng trước đó.
Chưa rõ cụ thể gói 120.000 tỷ đồng tới đây sẽ được phân bổ theo tỉ lệ như thế nào nhưng chắc chắn cả doanh nghiệp lẫn người dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Doanh nghiệp sẽ được "bơm" vốn với lãi suất ưu đãi còn người mua cũng được hưởng lãi suất tương ứng.
Như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được thực hiện một cách quyết liệt và xuyên suốt từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương. Điều này cho thấy vấn đề an sinh xã hội đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
Ngoài việc đề xuất cấp tín dụng, Chính phủ cũng trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách khác để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể là giao đất không thu tiền sử dụng đất; được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất; việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Chỉ cấp tín dụng thôi chưa đủ
Trao đổi với Phóng viên, TS Đinh Thế Hiển khẳng định, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là vô cùng cần thiết. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Điều này cho thấy chủ trương của Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, gói tín dụng này sẽ khó khả thi trong năm 2023 bởi mục tiêu của nó hướng tới là nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Trong khi đó, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã hoàn thiện pháp lý tại TP.HCM, TP.Hà Nội cũng như các tỉnh khác hiện nay không nhiều. Nếu các dự án nhà ở xã hội không hoàn thiện được các thủ tục pháp lý thì chắc chắn nếu gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có được thông qua cũng chưa thể giải ngân.
Nói theo vị này, vấn đề của việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ là nguồn tín dụng mà nhiều yếu tố khác như gỡ vướng pháp lý cho các dự án và tinh giản các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, Giám đốc Phát triển dự án Tô Ngọc Trường Giang, (Công ty TNHH Trần Liên Hưng) chia sẻ, dù gói 120.00 tỷ đồng có được Quốc hội thông qua năm 2023 hay đợi đến năm sau thì nó cũng sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản về mặt tâm lý. Theo đó, trong thời điểm tín dụng dành cho địa ốc bị siết chặt thì gói tín dụng này là rất quý giá, là cái để nhiều người trông đợi, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người thu nhập thấp.
“Tuy nhiên, đối với việc phát triển nhà ở xã hội thời điểm này, tiền thôi là chưa đủ. Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã, đang phát triển nhà ở xã hội than phiền là do thủ tục hành chính, vướng mắc về mặt pháp lý. Cách đây không lâu, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc 6 tháng trời, dài cổ chờ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Không ít doanh nghiệp than phát triển nhà ở xã hội khó đủ đường. Từ việc phê duyệt chủ trương, đến quy định dành 20% số căn để cho thuê, thủ tục mua bán nhà ở xã hội, chính sách vay vốn cho người mua nhà… Tất cả những điều này đang khiến cho các doanh nghiệp nản lòng”, ông Giang nói.
Vị Giám đốc phát triển dự án này nhấn mạnh, nếu để 120.000 tỷ đồng phát huy tối đa hiệu quả phải triển khai sớm, nhanh, rút ngắn thủ tục phê duyệt cả dự án và thủ tục mua nhà.