Hàng loạt công ty bất động sản tham gia cuộc đua chuyển đổi số
Xu thế tất yếu của doanh nghiệp
Theo thuonggiaonline.vn, chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025, định hướng tới năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của kinh tế số là đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030.
Để có thể hoàn thành mục tiêu, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của họ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. Trong giai đoạn 2021 - 2022, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi một cách tích cực về nhận thức. Giai đoạn 2023 - 2025 là giai đoạn tăng tốc, thúc đẩy chuyển đổi số cụ thể trên nhiều lĩnh vực và địa phương nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Riêng với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những công ty vừa và nhỏ, việc nhận thức chung một số xu hướng công nghệ trên thế giới, tiềm năng của chúng và hiểu thực trạng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, học hỏi từ các câu chuyện về chuyển đổi số sẽ giúp mỗi doanh nghiệp khéo léo xây dựng chiến lược chuyển đổi số sao cho phù hợp mới mình, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022” của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kê khai dữ liệu khảo sát về nhu cầu, thực trạng triển khai và đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số của 1.000 doanh nghiệp. Cụ thể, 5,5% là doanh nghiệp xây dựng; 1,6% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BĐS. Thực tế, con số này còn rất ít. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế sau dịch Covid - 19 thì đây vẫn là tín hiệu tốt, cho thấy các doanh nghiệp BĐS và những ngành nghề liên quan đã và đang tiếp cận với xu thế chuyển đổi số.
Đơn cử, công ty TNHH Thắng Lợi (Vico) - Doanh nghiệp vật liệu xây dựng thép đúc, trong năm 2022 đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hạ tầng, máy móc, đầu tư gần 100 tỷ đồng nhập khẩu dây chuyền hiện đại từ châu Âu, thành lập ban Chuyển đổi số, quán triệt tinh thần ứng dụng công nghệ, triển khai xây dựng Master Data, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu doanh nghiệp, số hóa các dữ liệu Media, tích hợp công nghệ IoT và triển khai lên nền tảng điện toán đám mây IBM Bluemix.
Ban lãnh đạo công ty khẳng định: “Việc chuyển đổi số không chỉ ở kế hoạch mà Vico đã và đang quyết tâm triển khai trong từ 3 - 4 năm tới. Tất cả hệ thống quản trị, vận hành và kinh doanh của công ty sẽ thực hiện trên nền tảng số”.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh khẳng định, việc chuyển đổi số và công nghệ cho dịch vụ môi giới BĐS - tài chính là công việc được chú trọng trong năm 2023.
“Công nghệ là một yếu tố được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Dự án cải thiện, đổi mới hệ thống ERP quản trị chung những hoạt động tài chính, kế toán, kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục triển khai xây dựng. Tập trung phát triển những giải pháp công nghệ hiện hữu trong kinh doanh và tài chính cá nhân cho hệ sinh thái khách hàng” - Theo đại diện công ty.
Phải có thời gian và chi phí
Các công ty nghiên cứu lớn như Gartner, IDC… đều nhận định chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích cho mọi hoạt động của công ty, từ điều hành, quản lý tới kinh doanh, nghiên cứu…
Lợi ích có thể nhận biết dễ nhất là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận lượng khách lớn hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh và chính xác nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa năng suất làm việc nhân viên… Như vậy sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động và cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, hoạt động chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Một nghiên cứu từ Microsoft đã chứng minh điều này, năm 2017, tác động của việc chuyển đổi số tới năng suất lao động đã giúp tăng khoảng 15%, đến năm 2020 là 21%.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: “Công nghệ số và chuyển đổi số hiện nay không phải là nhu cầu hay sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp BĐS có thể vượt qua khó khăn trong bối cảnh này. Đồng thời đây cũng là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường BĐS một cách chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững”.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình chuyển đổi số chỉ thực hiện tốt được khi đã làm rõ những hạng mục của hạ tầng cần thực hiện. Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS cần phải có một thời gian dài và lượng chi phí đáng kể.
Ông Võ cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ đem tới hiệu quả rất lớn cho sự phát triển lĩnh vực BĐS. Thứ nhất là tạo ra một thị trường bền vững, không trồi sụt hay thiếu bền vững. Thứ hai là thực hiện đầy đủ yêu cầu công khai, minh bạch về thị trường. Thứ 3 là thay đổi cách thức giao dịch mua bán BĐS, mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư dự án lẫn người mua. Thứ 4 là gắn kết được các cơ quan nhà nước liên quan tới việc quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ quản lý. Thứ 5 là đủ cơ sở để phát triển thị trường xanh và thông minh, đem tới lợi ích chung cho từng người dân và cả quốc gia.
“Công nghệ số và chuyển đổi số hiện nay không còn là nhu cầu, sự lựa chọn mà đã là yếu tố bắt buộc để giúp doanh nghiệp địa ốc vượt qua những khó khăn như hiện nay. Đồng thời đây cũng là cơ sở xây dựng và phát triển thị trường BĐS chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững” - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.