Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng về tình hình điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 cũng như tình hình triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ và những khó khăn vướng mắc đang “cản bước” giải ngân của gói tín dụng này.
- Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nửa đầu năm?
Tôi cho rằng, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ và phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước. Như chúng ta đã biết, kinh tế toàn cầu có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là Mỹ khi FED liên tục điều chỉnh lãi suất tăng. Ngay trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã căn cứ vào những diễn biến của nền kinh tế trong nước và đã thực hiện chính sách giảm lãi suất điều hành hai lần. Chính điều này đã tạo điều kiện để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Đây là một điểm sáng mà Ngân hàng Nhà nước đã vận dụng từ điều kiện cụ thể của Việt Nam để điều hành làm sao cho phù hợp. Điều đó sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy, hỗ trợ cá doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất hợp lý hơn.
- Trong thời gian tới phía Hiệp hội Ngân hàng có động thái hay biện pháp gì để việc giảm lãi suất có thể đến sớm hơn hay không, thưa ông?
Việc tăng hay giảm lãi suất nó còn phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, nếu có sự tăng đột biến thì Hiệp hội Ngân hàng sẽ có ý kiến. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng lãi suất của một số ngân hàng tăng đột biến thì với vai trò là cầu nối của các hội viên sẽ tập hợp và yêu cầu các hội viên của Hiệp hội sẽ phải lắng nghe và có biện pháp điều hành lãi suất phù hợp.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm lãi suất mà các tổ chức tín dụng vẫn tăng lãi suất là không được. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các tổ chức tính dụng phải đồng hành đưa lãi suất về mặt bằng chung cho phù phợp. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp hơn phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.
- Ông có nhận định thế nào về mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể giảm từ nay đến cuối năm?
Theo tôi, mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay là hơi cao. Với mức lạm phát dự báo từ 4-4,5% thì lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ như hiện nay hoặc giảm dần. Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ giảm khoảng 0,5 điểm %.
Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023, tôi cho rằng phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thứ nhất là diễn biến trên toàn cầu còn chưa ổn định khi chiến tranh Nga và Ukraine chưa đến hồi kết. Trong nước, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức, khả năng nợ xấu có chiều hướn tăng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách tiền tệ đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát và làm sao để tạo ra mặt bằng để giảm lãi suất đầu vào trong bối cảnh nguồn vốn luân chuyển không được thông suốt khi khách hàng vay không trả được nợ, tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp so với tốc độ tăng trưởng.
Tôi cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, thời gian tới, nền kinh tế sẽ từng bước khởi sắc, NHNN cũng sẽ có điều hành phù hợp làm sao để giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn để sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.
- Các ngân hàng vừa qua có sự đồng thuận và đồng loạt giảm lãi suất mạnh tuy nhiên lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn khá cao, với mặt bằng cao vậy tác động thế nào tới lãi suất cho vay, thưa ông?
Vấn đề lãi suất hiện nay đặc biệt là kỳ hạn 12 tháng đã bị lẩy lên cao từ cuối năm 2022. Bản thân người dân khi đi gửi tiền cũng mong muốn được hưởng lãi suất cao. Các ngân hàng cũng có sự cạnh tranh nhua và sợ nguồn vốn sẽ rút ra khỏi các ngân hàng vì vậy đã có sự thỏa thuận giữa ngân hàng và các doanh nghiệp hoặc cá nhân để tiền gửi ở ngân hàng với mức lãi suất cao, hấp dẫn. Trước thực tế này Hiệp hội Ngân hàng cũng đã kêu gọi các tổ chức hội viên thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước làm sao để giảm mặt bằng lãi suất. Việc lãi suất tăng cao như vậy không phù hợp với quy luật thị trường khi chỉ số lạm phát không cao mà tốc độ tăng trưởng lãi suất huy động lại cao nên các ngân hàng cần giảm lãi suất xuống còn tối đa 9,5%. Đó là câu chuyện của năm 2022. Sang tới năm 2023, thực tế cho thấy tình hình thanh khoản không có vấn đề gì với các ngân hàng, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chưa phải là cao, lãi suất huy động cần đưa về mặt bằng chung nên các ngân hàng đã thống nhất giảm lãi suất thêm bước nữa. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có sự đồng thuận giữa các ngân hàng để người dân, doanh nghiệp có nhu cầu gửi tiền có mặt bằng chung để gửi tiền chứ không phải có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng như trước đây. Đó cũng là cơ hội để các ngân hàng có thể giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm, tiết giảm chi phí cùng với chi phí hoạt động của các tổ chức ngân hàng để giảm lãi suất cho khách hàng.
Như chúng ta đã biết ngân hàng huy động vốn để cho vay nên huy động lãi suất cao thì cho vay lãi suất cũng cao và ngược lại, lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng giảm, kết hợp với việc tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay sẽ giảm hơn.
- Vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng nên nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là về hệ số, hệ số an toàn của ngân hàng có đảm bảo không? Thứ hai là nguồn lực của ngân hàng có đảm bảo được hay không? Thứ ba là bản thân các doanh nghiệp bất động sản có đủ điều kiện để có thể vay tiền của các tổ chức tín dụng hay không? Như vậy, vấn đề nới room tín dụng đối với nền kinh tế mà trong đó có lĩnh vực bất động sản là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, có thể đáp ứng được nhu cầu đó hay không còn phụ thuộc vào thực tiễn.
- Đến nay đã 2 tháng chính thức triển khai gói 120 nghìn tỷ nhưng dường như việc triển khai các gói ưu đãi lãi suất của Chính phủ như gói tín dụng 120 nghìn tỷ vừa qua khá chậm so với kỳ vọng. Nguyên nhân của vấn đề này do đâu, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước mắt 4 Ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước mỗi ngân hàng sẽ giành ra khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho vay với đối tượng là doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở xã hội và người có nhu cầu mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%. Đây là chủ trương đúng và bản thân các Ngân hàng cũng thấy được trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, để triển khai vấn đề này, tôi cho rằng không phải vấn đề từ phía ngân hàng bởi ngành ngân hàng sẵn sàng có vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn, các doanh nghiệp cần đảm bảo đủ thủ tục pháp lý, có hồ sơ dự án được phê duyệt,… Trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý, thủ tục hành chính đầy đủ của doanh nghiệp đáp ứng được thì người mua nhà mới có cơ sở để tiếp cận được gói tín dụng này.
Gói 120 nghìn tỷ lần này cũng có định hướng rõ ràng đó là dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Nhưng có một lực cản là thời điểm này các doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn xây dựng nhà ở xã hội phải có quỹ đất và quy hoạch hạ tầng đầy đủ. Trong khi đây lại chính là trở ngại lớn nhất khiến thời gian qua nhiều dự án đang nghẽn lại do vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Chính vì lý do đó mà nhiều chủ đầu tư không mặn mà phát triển phân khúc này. Điều này dẫn tới hệ quả là số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã và sẽ tiếp tục khan hiếm, nguồn cung sẽ không đáp ứng được cầu như hiện nay. Chính vì vậy mà dù sẵn sàng nguồn vốn nhưng ngân hàng vẫn rất khó để giải ngân.
- Gói 120 nghìn tỷ không phải gói tín dụng đầu tiên dành cho nhà ở xã hội, trước đây, chúng ta đã có gói tín dụng 30 nghìn tỷ. Từ những kinh nghiệm triển khai gói 30 nghìn tỷ, ông có lưu ý gì khi triển khai gói 120 nghìn tỷ hiện nay không?
Tôi cho rằng gói 30 nghìn tỷ trước đây nguồn vay là vay tái cấp vốn, còn với gói 120 nghìn tỷ lần này là các tổ chức tín dụng chùng chung tay để cho vay nhà ở xã hội nên gói vay lần này là nguồn vốn thương mại cho vay thương mại nhưng giảm lãi suất với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 1,5-2%. Cho nên khi tiếp cận, xử lý, giải quyết vấn đề vay vốn thuận lợi hơn rất nhiều so với gói 30 nghìn tỷ trước đây. Cộng với kinh nghiệm đã trải qua với gói tín dụng 30 nghìn tỷ chắc chắn kỳ này, nếu các doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện sẽ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn rất nhiều và các thủ tục quyết toán về lãi suất sẽ không phức tạp, không vướng mắc như gói 30 nghìn tỷ trước đây.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, nguồn vốn tín dụng đã sẵn sàng nhưng nguồn cung về nhà ở xã hội hiện nay còn rất ít, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM. Từ thực tế này, chúng tôi kiến nghị các địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp, để họ có đủ điều kiện có thể vay vốn.
- Có ý kiến cho rằng, dù được ưu đãi 1,5-2% so với các gói vay thông thường nhưng mức lãi suất của gói 120 nghìn tỷ lần này được đánh giá vẫn khá cao với người có thu nhập thấp. Vậy làm sao gói vay có thể đến đúng đối tượng và những người có nhu cầu nhà ở thực có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này, thưa ông?
Về nguyên tắc, khi thiết kế gói vay 120 nghìn tỷ là sự tự nguyện của các ngân hàng tiết giảm chi phí để dành quỹ cho gói vay này. Đây là sự cố gắng lớn của các ngân hàng. Nếu tiếp tục giảm lãi suất nữa thì các tổ chức tín dụng cũng như 4 ngân hàng thương mại này phải tiếp tục giảm chi phí nữa thì bản thân họ có đáp ứng được không.
Lãi suất của gói vay này đã thấp hơn lãi suất thông thường 1,5-2% rồi, còn việc người dân mong muốn được giảm nữa tôi cho rằng đây không phải trách nhiệm của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, làm sao so với mức thu nhập cần có sự hỗ trợ thêm thì có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội.
- Theo ông, làm sao để gói tín dụng 120 nghìn tỷ nói riêng và các gói hỗ trợ nói chung đạt được kết quả giải ngân tốt nhất?
Quan điểm của tôi là không nên có gói hỗ trợ. Lĩnh vực nào có hiệu quả thì ngân hàng sẽ dành vốn đầu tư vào lĩnh vực đó. Nếu dùng gói là chính sách, mà ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách được. Đối với lĩnh vực bất động sản cũng vậy, cũng phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn. Không thể nào cứ tập trung hỗ trợ cho thị trường trong khi hồ sơ pháp lý chưa đảm bảo, không hoàn thiện, không đủ điều kiện xây dựng thì ngân hàng không thể đầu tư. Vì vậy, điều đầu tiên phải đảm bảo tính pháp lý và đảm bảo tính hiệu quả.
Gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đã có, đã sẵn sàng và ai có đủ điều kiện vẫn có thể tiếp cận được. Doanh nghiệp muốn tiếp cận thì phải đủ điều kiện pháp lý, được phép xây dựng nhà ở xã hội, được UBND cấp đủ thủ tục pháp lý. Hoàn thiện hồ sơ thì sẽ được cấp vốn, Người mua cũng đáp ứng các điều kiện.
Bất kể các doanh nghiệp đều được xét duyệt vay, nhưng doanh nghiệp có đủ điều kiện hay không mới là điều quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!