Giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục “bất động”
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản tỉnh lẻ miền Trung sẽ phát triển ra sao trong năm 2023?Bất động sản bắt đầu cuộc “đào thải”: Hướng đi tất yếu để lành mạnh hóa thị trườngNhà đầu tư vẫn e ngại xuống tiền vì trông chờ giá bất động sản sẽ tiếp tục giảmTheo vneconomy.vn, báo cáo của DKRA về bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung lẫn cầu trong tình hình khó khăn của thị trường cũng như những bất ổn kinh tế - địa chính trị, khiến các chủ đầu tư liên tục hoãn thời gian triển khai bán hàng.
Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng thấp nhất từ đầu năm
Đối với loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sụt giảm mạnh trong tháng 11/2022 so với tháng trước, đây cũng là tháng ghi nhận mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Đến nay, mới chỉ có 170 căn được mở bán tại 6 dự án, giảm tới 70% so với cùng kỳ 2021.
Khu vực dẫn đầu về nguồn cung và tiêu thụ cả nước tại miền Bắc và miền Nam, chiếm 91% tổng nguồn cung và 95% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ở miền Bắc là 83 căn (chiếm 49%), miền Nam là 71 căn (chiếm 42%).
Tuy nhiên, sức cầu thị trường giảm đáng kể, lượng giao dịch ghi nhận ở mức thấp, tương đương 56 căn, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường ghi nhận thanh khoản chững lại, các dự án mới đều ghi nhận tình hình bán hàng chậm.
So với tháng trước, trong tháng 11 mức giá bán sơ cấp không biến động nhiều. Đáng chú ý, một số chủ đầu tư vẫn đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30% - 40% giá bán nhằm kích cầu thị trường trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.
Tại miền Bắc, mức giá bán bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp dao động từ 5,3 - 24,8 tỷ đồng. Ở miền Trung mức giá bán này là 6,1 - 37,7 tỷ đồng/căn. Ở miền Nam mức giá bán là 13,5 - 73,5 tỷ đồng/căn.
Trong báo cáo của DKRA, trong tháng cuối cùng của năm 2022 nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng và sức cầu của thị trường đối với phân khúc này sẽ tiếp tục có xu hướng giảm. Mức giá bán sơ cấp dự kiến tăng do chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất ngày càng tăng cao.
Nhà phố/shophouse tương đối ổn định
Loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, báo cáo của DKRA ghi nhận nguồn cung tăng so với tháng trước, có 253 căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021 sụt giảm mạnh 78% và tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên với 148 căn, chiếm 63% tổng nguồn cung cả nước.
So với cùng kỳ, sức cầu thị trường giảm không đáng kể, hầu hết các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, số lượng giao dịch hạn chế, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 15% lượng hàng tồn kho nhiều.
Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước nhưng tăng 9 - 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá bàn sơ cấp nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận ở mức 6,6 - 7,8 tỷ đồng/căn tại miền Bắc; khu vực Tây Nguyên mức giá bán là 5,2 - 16,2 tỷ đồng/căn; tại miền Trung giá bán 5,8 - 20,6 tỷ đồng/căn.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay, việc các chủ đầu tư kéo dài thời gian truyền thông nhằm tối ưu hiệu quả bán hàng. Theo Phó giám đốc R&D DKRA Group Võ Hồng Thắng, các chủ đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trong việc chào bán bất động sản nghỉ dưỡng khi toàn thị trường địa ốc thiếu vốn. Sức cầu thị trường ở mức thấp do động thái tăng cường kiểm soát tín dụng trong thời gian qua đã tác động đáng kể đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Thắng cho rằng, việc khách hàng khó tiếp cận vốn vay khiến thanh khoản thị trường giảm mạnh đã được dự báo từ trước. Không những vậy, khó khăn còn đến từ lạm phát và tăng lãi suất, những vướng mắc về hành lang pháp lý chưa được tháo gỡ đã tác động tiêu cực đến đà hồi phục của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Do đó, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những chính sách như chiết khấu 30 - 40%, cam kết thuê lại, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường.
Báo cáo của DKRA dự báo trong tháng 12, nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục có xu hướng giảm, tập trung tại những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa.
DKRA ghi nhận phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng còn khá mới mẻ tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Việc tăng cường kiểm soát tín dụng khiến nguồn cung tại khu vực này trở nên khan hiếm.
Trong những tháng đầu năm 2023, nguồn cung và sức cầu thị trường của hai phân khúc nhà phố/shophouse và biệt thự nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục duy trì sự khan hiếm, lượng tiêu thụ chủ yếu đến từ những dự án cũ đã mở bán trước đó.
Sức cầu condotel ở mức rất thấp
Báo cáo của DKRA cho thấy nguồn cung loại hình condotel trong tháng 11 tăng nhẹ 6% so với tháng trước, đạt 589 căn, tuy nhiên chỉ tập trung tại một số dự án thuộc khu vực miền Nam, chiếm 86% tổng nguồn cung cả nước với 504 căn.
Sức cầu thị trường về loại hình bất động sản condotel rất thấp. Tỷ lệ thu đạt 58%, tương đương 341 căn được bán thành công. Lượng tiêu thụ phân bố chủ yếu tại một dự án thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếm 83% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Các dự án còn lại đều ghi nhận tình trạng bán hàng chậm, lượng tin rao sụt giảm mạnh so với tháng trước.
Nhìn chung mặt bằng giá sơ cấp tăng 1 - 2% so với giai đoạn mở bán trước đó. Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư đưa ra mức giá chào bán gần như tương đương với mức giá bán năm ngoái, kèm theo nhiều chính sách như chiết khấu, cam kết lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường. Mức giá bán sơ cấp condotel tại khu vực miền Nam là 57,8 - 106,7 triệu đồng/m2, tại miền Trung là 38,7 - 121,4 triệu đồng/m2.
Dự kiến trong tháng cuối cùng của năm 2022, nguồn cung và sức cầu thị trường giảm, tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.