Giá xăng sắp giảm hơn 1.000 đồng/lít?
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp “đã quen đương đầu” với giá xăng leo thangGiá xăng tăng cao kỷ lục, chạm mốc gần 27.000 đồng/lítGiá xăng dầu tăng “chóng mặt” doanh nghiệp lao đaoMới đây, Bộ Tài Chính đã đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 đến 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa bao gồm: Xăng, dầu, mỡ nhờn cho đến hết năm nay.
Cụ thể, vào chiều ngày 3/3, trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu và mỡ nhờn.
Dự thảo cho biết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với các mức cụ thể, gồm: 1.000 đồng/lít xăng (trừ etanol), từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít; giảm 500 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít; giảm 500 đồng/lít dầu hỏa, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Ngoài ra, giảm 500 đồng/kg mỡ nhờn, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng (trừ etanol) dự kiến sẽ được giảm từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng. Dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít còn mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/kg.
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, nếu thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/4, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm khoảng 11.982 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại cho đến hết năm 2022, ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 xuống khoảng 0,67%.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc giảm thuế còn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, đồng thời tiết kiệm được chi tiêu cho người dân. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng: “Đây mới chỉ là bản dự thảo để lấy ý kiến các bộ ngành và các đơn vị có liên quan”.
Trước đó không lâu, Thủ tướng cũng đã có Công điện về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Trong đó, tại điểm 2 Thủ tướng đã đích thân giao cho “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu” và báo cáo Chính phủ trước ngày 28/2.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/2 Bộ Tài chính đã có công văn gửi Thủ tướng với các phương án cụ thể về thuế bảo vệ môi trường, trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét và quyết định.
Trong báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) theo trình tự thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Đến ngày 2/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 571/VPCP-TKTH giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng cho năm 2022. Vấn đề này sẽ được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 7/3 tới.
Theo Bộ Tài chính đánh giá, mức đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đang bị dịch Covid-19 tác động nhiều mặt; các nền kinh tế đang mở cửa trở lại khiến cho giá xăng dầu thế giới tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước và thế giới còn bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn chính trị trên thế giới.
Tổng cục Thống kê cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, việc giá dầu thô thế giới cùng giá xăng dầu thành phẩm tăng cao sẽ khiến chi phí nguyên vật liệu tăng cao, trong đó có cả xăng dầu. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Chưa kể, giá xăng dầu tăng cao còn tác động không nhỏ đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào. Khi đó, xăng dầu chiếm tỷ trọng cao, giá cao sẽ tác động mạnh vào giá thành sản xuất.
Việc này kéo theo giá cả hàng hóa tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước
Cũng trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đưa ra câu trả lời về cung ứng xăng dầu trong nước. Cụ thể, theo ông Hải, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt xăng dầu trong tháng 2 và tháng 3 năm nay. Bên cạnh đó, nhà máy Nghi Sơn sẽ hoạt động tối đa với 100% công suất kể từ tháng 4.
Bộ Công Thương cũng đã tiến hành họp với 10 nhà cung cấp lớn nhất, bảo đảm đủ nguồn cung lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Từ quý 2/2022, chúng ta sẽ bảo đảm đủ xăng dầu cho nhu cầu người dân và sản xuất – kinh doanh, dù nhà máy Nghi Sơn chưa hoạt động đủ 100% công suất”.