Giá vàng nhẫn tăng dữ dội, đại gia vàng bạc báo điều bất ngờ ngay đầu năm mới 2024
BÀI LIÊN QUAN
Giải pháp nào tăng cường thu hút “nguồn lực vàng” kiều hối?Citi đưa ra kịch bản giá vàng lên 3.000 USD/ounce, giá dầu đạt 100 USD/thùngBỏ độc quyền vàng miếng SJC, cần trả về cho thị trường tự vận hànhĐại gia vàng bạc báo điều bất ngờ ngay đầu năm mới 2024
Ngay đầu năm mới 2024, một doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thông báo điều bất ngờ sau khi ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục trong năm ngoái. Cụ thể, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch mới đây đã có báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh tháng 1/2024 với những số liệu khá bất ngờ khi lợi nhuận quý IV/2023 và cả năm 2023 vọt lên mức cao kỷ lục.
Sang tháng 1/2024, PNJ tiếp tục chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ vàng bạc trang sức đá quý, 2 cửa hàng mới được mở thêm, qua đó nâng tổng số cửa hàng và trung tâm kinh doanh lên con số 402 cửa hàng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của PNJ trong tháng đầu năm mới lại giảm khá mạnh so với cùng kỳ, cả về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu giảm trong bối cảnh có thêm cửa hàng và lợi nhuận giảm mạnh hơn dù giá vàng đang ở ngưỡng cao kỷ lục.
Theo đó, trong tháng 1/2024, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của "nữ hoàng kim tiền" ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.829 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế xuống mức 245 tỷ đồng, tương đương giảm 18,6%.
Kết quả kinh doanh trong tháng 1/2024 của PNJ. (Nguồn: PNJ) |
Lợi nhuận của PNJ giảm dù giá vàng nhẫn, vàng trang sức thời điểm đầu năm 2024 ở mức cao kỷ lục mọi thời đại vào khoảng 65-66 triệu đồng/lượng. Đồng thời, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng khá lớn, khoảng 1-2 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp trung bình trong tháng 1/2024 cũng giảm xuống còn 17,2% so với mức 18,2% cùng kỳ năm 2023.
Theo phân tích, sở dĩ doanh thu và lợi nhuận trong tháng 1 của PNJ giảm là do sức mua trong tháng đầu năm còn thấp khi dịp Tết Nguyên đán và ngày lễ Thần Tài năm nay đến muộn hơn so với năm trước, rơi vào tháng 2. Thêm vào đó, sự sụt giảm trong tháng 1 cũng là do so với nền cao trong tháng 1/2023 (tháng Tết Nguyên đán).
Với yếu tố mùa vụ và hành vi mua sắm tại thị trường tiêu dùng Việt Nam trong tháng 1 và tháng 2 thường phụ thuộc vào chu kỳ âm lịch cùng với các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán và ngày vái Thần Tài, nhiều dự báo cho rằng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ tăng mạnh trong tháng 2 này.
Dù vậy, mức sụt giảm mạnh trên cũng khiến nhiều người bất ngờ. Cổ phiếu của doanh nghiệp nhà bà Cao Thị Ngọc Dung gần đây cũng giảm đáng kể sau khi lên vùng đỉnh lịch sử vào cuối tháng 1/2024. Cụ thể, cổ phiếu PNJ đã giảm từ mức 92.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 1 xuống còn 88.400 đồng/cổ phiếu tính tới cuối ngày 21/2. Không chỉ vậy, cổ phiếu PNJ cũng giảm mạnh ngay trong ngày vía Thần Tài 19/2 (mùng 10 tháng Giêng).
Triển vọng của PNJ vẫn được đánh giá khá tươi sáng khi nhu cầu tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam vẫn tăng mạnh mẽ. |
Sự bất ngờ còn diễn ra ở chỗ, trong tháng 1, người dân đổ xô đi mua vàng nhẫn và đưa giá của mặt hàng này lên đỉnh cao lịch sử 64-66 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới quá nhiều với mức chênh lệch lên tới 17-19 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá cổ phiếu giảm nhưng triển vọng của PNJ gần đây vẫn được đánh giá khá tươi sáng khi nhu cầu tiêu thụ vàng của người dân Việt Nam vẫn tăng mạnh mẽ, trong dài hạn, giá vàng trong xu hướng đi lên và PNJ vẫn tiếp tục mở rộng thị phần.
Cổ phiếu PNJ giảm sau khi đã tăng mạnh vào cuối năm ngoái. Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2023, mã cổ phiếu này đã tăng gần 30%, từ mức 70.000 đồng/cổ phiếu vọt lên 90.000 đồng/cổ phiếu.
Nhu cầu vàng dự báo tăng cao
Có thể thấy, người dân có xu hướng mua vàng nhẫn trong thời gian gần đây là do giữ vàng nhẫn hay vàng trang sức có thể sẽ lãi hơn so với vàng miếng. Nhiều người lo ngại rằng nếu Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng và xem xét lại việc độc quyền, thì giá vàng SJC có thể giảm mạnh về gần hơn so với giá thế giới quy đổi.
Một lý do khác là tháng 1/2024 cũng là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiều người tổ chức đám cưới kéo theo nhu cầu loại vàng này tăng cao.
Tuy giá vàng nhẫn và vàng trang sức ở mức cao kỷ lục và cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 4-6 triệu đồng/lượng và mức chênh giữa giá mua vào - bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh vàng khá cao, nhưng biên lợi nhuận lại chưa có xu hướng tăng trưởng lại. Lý do có thể do các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng làm nữ trang.
Trong năm 2024, dự báo giá vàng thế giới sẽ lập đỉnh mới sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đảo chiều chính sách tiền tệ và hạ lãi suất từ tháng 6/2024. Khi đồng USD đi xuống, giá vàng sẽ tăng lên.
Các chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo, giá kim loại quý trong năm 2024 sẽ lên ngưỡng 2.200 USD/ounce. Trong khi đó, quỹ WisdomTree dự báo vàng sẽ chinh phục mốc 2.300 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, dự báo tiêu thụ vàng sẽ đạt tăng trưởng dương trong năm 2024 khi nền kinh tế hồi phục mạnh hơn và thu nhập người dân được cải thiện. SSI Research cho rằng, mức tiêu thụ trang sức kỳ vọng tăng ở mức một chữ số trong năm 2024, sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2023.
Với PNJ, dự báo doanh nghiệp này có thể ghi nhận doanh thu tăng cao hơn so với mặt bằng chung do mở rộng thêm thị phần từ chiến lược dài hạn.
Dự báo tiêu thụ vàng sẽ đạt tăng trưởng dương trong năm 2024. |
Mặt khác, các chuyên gia nhận định giá vàng tăng còn do nhu cầu mua vàng tích trữ của các ngân hàng trung ương tiếp tục gia tăng, khi kinh tế toàn cầu dự báo còn nhiều bất ổn và khó lường do căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều nơi.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, tính đến tháng 1/2024, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua hơn 1.000 tấn vàng trong vòng 1 năm qua. Đây là năm thứ 2 liên tiếp các ngân hàng trung ương tăng tích trữ vàng nhằm chống đô la hóa. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Nga dẫn đầu về lượng vàng trong năm qua, ngoài ra còn có thêm Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Trong nhận định được đưa ra trên CNBC mới đây, chuyên gia của Ngân hàng Citi dự báo, giá vàng thế giới có thể sớm lên 3.000 USD/ounce (tương đương 90,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank ở mức 24.700 đồng/USD). Thậm chí, giá có thể cao hơn nếu tỷ giá USD/VND tăng trong tương lai.
Aakash Doshi, trưởng nhóm phân tích hàng hóa khu vực Bắc Mỹ tại Citibank nhận định, giá vàng sẽ lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong vòng 12-28 tháng nếu kinh tế toàn cầu suy thoái sâu và ngân hàng trung ương các nước tăng mua vàng như đã làm trong 3 năm gần đây.
Với mức chênh lệch 17-20 triệu đồng, giá vàng miếng SJC có thể lên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng ngay trong nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm sau.
Theo chuyên gia Citibank, giá vàng thế giới sẽ lập kỷ lục cao mới vào cuois năm 2024.
Nhiều dự báo khác cũng cho rằng, giá kim loại quý sẽ lập kỷ lục cao mới trong năm 2024. Trước đó, Ngân hàng Bank of America dự báo giá vàng lên 2.400 USD/ounce trong năm nay, cao hơn kỷ lục 2.100 USD/ounce ghi nhận hồi gần cuối năm ngoái.
Vài năm gần đây, sức cầu tiêu thụ vàng trên thế giới tăng vọt và lập kỷ lục trong năm 2023 với gần 5.000 tấn vàng khi căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông dai dẳng và kinh tế bết bát ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Ông Aakash Doshi cho rằng, xu hướng phi đô la hóa vẫn đang diễn ra. Khủng hoảng niềm tin vào USD sẽ diễn ra. Nếu trong năm nay, ngân hàng trung ương các nước mua ròng 2.000 tấn vàng, lực đẩy đối với mặt hàng này sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, để vàng lên ngưỡng 3.000 USD/ounce sẽ cần thêm yếu tố suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu được đánh giá không cao.
Tại thị trường trong nước, để giá vàng miếng SJC lên mức 110 đồng/lượng, trước tiên, giá vàng thế giới phải vọt lên ngưỡng 3.000 USD/ounce. Đồng thời, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng phải được duy trì ở mức cao 17-20 triệu đồng/lượng như hiện tại./.