Giá nhà tăng phi lý: Chính sách đánh thuế người nhiều bất động sản nhận được nhiều ủng hộ
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam dài 3,4km sẽ khởi công tháng 6/2025TP.HCM: Vướng mắc tài chính khiến các dự án tồn đọng “khó trăm bề”HoREA: Những dự án tồn đọng có thể cung cấp cho TP.HCM hơn 140 ngàn căn hộTheo thống kê của Bộ Xây dựng từ khảo sát và báo cáo của các tỉnh lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ chung cư đã tăng trung bình từ 5-6,5% trong quý II và đạt mức tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, tùy thuộc vào từng khu vực. Cùng với đó, giá bán biệt thự, nhà liền kề trong dự án đều có xu hướng tăng so với quý trước; giá văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại tăng nhẹ khoảng 1- 3%.
Giá nhà tăng 25% theo năm do đầu cơ
Đánh giá về vấn đề giá nhà đất thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhận định, việc giá nhà đất tại Hà Nội liên tục tăng cao còn do yếu tố đầu cơ và tâm lý thị trường. Theo đó, đầu cơ đã đẩy giá nhà lên mức không thực tế, đặc biệt khi kết hợp với tâm lý mua nhà để chờ tăng giá. Đây là nguyên nhân chính khiến giá nhà tại Hà Nội tăng cao trong thời gian gần đây.
Bổ sung thêm ý kiến, ông Vương Duy Dũng cho biết, Bộ Xây dựng vừa qua đã gửi văn bản báo cáo phân tích cơ cấu giá nhà, biến động giá và đề xuất các giải pháp ổn định thị trường. Phân tích cho thấy sự tăng giá có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, chi phí đầu vào, đặc biệt là tiền sử dụng đất và chi phí nhân công, đã tăng dẫn đến giá nhà leo thang.
Thứ hai, mặc dù nguồn cung bất động sản đã được cải thiện trong quý III, nhưng vẫn còn hạn chế, dẫn đến các nhà đầu cơ và môi giới kích giá, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường và đẩy giá nhà lên cao hơn. Sự hạn chế về nguồn cung cũng góp phần đẩy giá nhà tăng trên thị trường.
Thứ ba, các kênh đầu tư khác chưa thuận lợi khiến nhà đầu tư chọn bất động sản để đầu tư và tích lũy tài sản, đồng thời sự dịch chuyển dòng tiền lớn vào thị trường cũng làm tăng giá nhà thêm.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng, hiện tượng tăng giá nhà đất trong thời gian qua phần lớn bắt nguồn từ việc nhiều nhà đầu tư lập hội, nhóm để tham gia đấu giá, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với mức khởi điểm và sau đó có thể bỏ cọc. Mục tiêu chính của hành vi này là tạo ra một mặt bằng giá ảo trong khu vực nhằm trục lợi.
Ông Dũng cho biết, việc đấu giá quyền sử dụng đất với mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đã kéo theo mặt bằng giá đất, bất động sản và nhà ở trong khu vực lân cận tăng lên. Tình trạng này không chỉ khiến giá nhà ở địa phương tăng cao mà còn làm đội chi phí phát triển dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm nguồn cung trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ thị trường bất động sản.
Ngoài ra, theo ông, sự tăng giá bất động sản còn bị thúc đẩy bởi tình trạng “thổi giá” và “tạo giá ảo” từ giới đầu cơ và một số cá nhân làm nghề môi giới. Những người này tận dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý đầu tư theo đám đông của người dân để trục lợi.
Những môi giới này thường là các cá nhân hoạt động tự do, không có chứng chỉ nghề nghiệp, chuyên môn yếu và hiểu biết pháp luật hạn chế. Họ thường làm việc theo kiểu chụp giật, thông đồng đẩy giá vượt xa giá trị thực của bất động sản, từ đó thao túng thị trường. Hệ quả là khách hàng phải chịu thiệt hại, trong khi tính minh bạch của thị trường bất động sản bị suy giảm nghiêm trọng.
Chính sách thuế nhận được sự đồng tình
Để ổn định thị trường bất động sản và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc sửa đổi và bổ sung các chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ và mua bán nhà đất ngắn hạn để kiếm lời.
"Đề xuất này đã được Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đồng thuận. Tuy nhiên, cần phải đánh giá toàn diện tác động của chính sách đến các đối tượng bị ảnh hưởng như doanh nghiệp, người dân, bên bán và bên mua. Giải pháp cần phù hợp với thực tiễn quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam để tránh tác động tiêu cực đến thị trường chung và giao dịch của người dân, doanh nghiệp”, ông Vương Duy Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng lưu ý việc điều chỉnh bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai 2024 để tránh những tác động tiêu cực đến thị trường và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như người dân.
Đồng thời, cam kết tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch và môi giới. Mục tiêu là đưa các giao dịch qua sàn vào hệ thống quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Song song với các biện pháp trên, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ổn định tâm lý người mua để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường bất động sản và phát triển bền vững.
"Để đạt được mục tiêu này, cần triển khai một nhóm các giải pháp đồng bộ về chính sách đất đai, nhà ở, tài khóa, đầu tư và các lĩnh vực liên quan khác”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết.