Giá bất động sản ven Hà Nội tăng quá cao, nhà đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh xa
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản ven “đại dự án” đường vành đai 4 có lột xác sau khi hé lộ nguồn vốn 95.000 tỉ đồng?Giáp Tết nguyên đán, bất động sản vùng ven lại được săn đón Căn hộ ven sông Sài Gòn cháy hàng dù giá tăng liên tục
Trải qua 2 năm đại dịch, bất động sản ven Hà Nội không những không giảm mà còn tăng cao, thiết lập nên mặt bằng giá mới. Thời điểm săn đất cuối năm, nhiều nhà đầu tư vốn mỏng không mua được đất vùng ven đã buộc phải mở rộng phạm vi tìm kiếm, đến các vùng xa xôi để đầu tư.
Bất động sản ven Hà Nội tăng giá ở mọi phân khúc
Theo khảo sát của một chuyên trang bất động sản, sau đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 4 tại Hà Nội, giá đất vùng ven đã tạm lắng dịu, quay đầu giảm giá. Tuy nhiên khi dịch được kiểm soát và nhu cầu săn bất động sản cuối năm tăng cao thì thị trường vùng ven Hà Nội đã được “hâm” nóng trở lại. Giai đoạn cận Tết mặt bằng giá các khu vực này quay lại mức cao dù chưa lập đỉnh như giai đoạn sốt nóng đầu năm.
Những ngày cuối năm dù giá đất không tăng dựng đứng, liên tục thay đổi như thời điểm thông tin quy hoạch được tung ra nhưng đất nền ở Đông Anh giá vẫn đang ở mức cao. Cụ thể, tại Nguyên Khê, giá đất tại những khu vực mặt tiền đường lớn, 2 ô tô tránh nhau giá đang được chào bán từ 50-60 triệu/m2. Mức giá này chỉ giảm nhẹ 2-4 giá so với thời gian cao điểm hồi tháng 4/2021 khi mà huyện Đông Anh sôi sục vì thông tin quy hoạch sông Hồng.
Đất Vĩnh Ngọc giao dịch ở ngưỡng 60-62 triệu đồng vì chỉ giảm vài triệu so với thời điểm sốt đất. Tương tự tại các khu vực khác trên địa bàn huyện Đông Anh mặt bằng giá đất cũng vẫn đang ở mức cao tuy có giảm 2-4 giá nếu so với giai đoạn “nóng” nhất. Ví dụ đất mặt tiền đường Đông Trù ( Đông Hội) giá rao bán hiện tại đang ở mức từ 50-65 triệu đồng/m2. Đất khu vực Xuân Canh là 47 -55 triệu đồng/m2.
Ở Đặng Xá, Gia Lâm giá đất ở các khu vực đường lớn 2 ô tô tránh sau, giá giao dịch đang ở ngưỡng 55-60 triệu/m2. Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng đang được rao bán với giá 150 -180 triệu đồng/m2. Đất đường Đào Nguyên có giá 55-60 triệu/m2. Đất khu vực Dương Xá bất động sản sở hữu 2 mặt tiền có giá 48- 57 triệu đồng/m2.
Tại khu vực Gia Lâm, giá đất cuối năm đã chứng kiến mức tăng từ 4-10 giá so với giai đoạn đầu năm 2021. Lý do là bởi cuối năm 2021, Gia Lâm đã thông xe tuyến đường giao thông vành đai đoạn cao tốc Hà Nội đi Hải phòng. Địa phương này cũng vừa khởi công xây cầu Vĩnh Tuy 2 bắc qua sông Hồng.
Khu vực huyện Hoài Đức, phân phúc đất nền tăng cao đặc biệt là đối với những khu vực mặt tiền kinh doanh mức giá khiến người mua “giật mình”. Đất tại xã Di Trạch hiện đang được chào bán ở mức 70 triệu đồng/m2. Trong khi đất dịch vụ An Thọ, Anh Khánh, giá đang được giao dịch là 70-80 triệu đồng/m2.
Đất mặt tiền các đường lớn ở Vân Canh, An Khánh, Lai Xá, đều đã thiết lập mức giá mới giao động khoảng từ 70-100 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng từ 10-15% so với thời điểm bùng nổ nhất là tháng 4/2021.
Bên cạnh phân khúc đất nền thì các phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở vùng ven Hà Nội đều đã thiết lập mức giá cao ngất ngưởng. Một số dự án biệt thự, liền kề, shophouse tại khu vực Hoài Đức như An Lạc Green Symphony, Hado Charm Villas, Lideco hay Xanh Villas (Thạch Thất), Đặng Xá, Eurowindow (Gia Lâm)… đều đang được rao với mức giá trên dưới 100 triệu đồng/m2. Mức giá này còn có thể tăng hơn nữa sau Tết.
Nhà đầu tư tài chính eo hẹp tìm cơ hội ở những tỉnh xa
Chỉ khoảng 4-5 năm trước, vùng ven Hà Nội vẫn còn là mảnh đất “màu mỡ” dành cho những nhà đầu tư có ngân sách vừa phải. Khi đó, chỉ cần có trong tay 1-2 tỷ đồng, nhà đầu tư đã có thể sở hữu một lô đất đẹp, có khả năng kinh doanh hoặc tiềm năng sinh lời.
Tuy nhiên với tầm tài chính như vậy ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư chỉ mua được những mảnh đất diện tích nhỏ, nằm sâu trong ngõ ngách ở các huyện, làng, ít có khả năng tăng giá. Các nhà đầu tư vốn ít giờ hiện không còn cơ hội để sở hữu những khu đất đẹp, tăng trưởng tốt. Đây là lý do vì sao nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang thị trường tỉnh để tìm kiếm cơ hội. Thị trường bất động sản đã chứng kiến sự trỗi dậy của các thị trường tỉnh ven khu vực Hà Nội trong vòng 2 năm qua.
Những ngày cuối năm 2021, thị trường Hà Nội hầu nhưng không thêm dự án mới đưa ra thị trường trong khi đó tại các tỉnh vệ tinh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc đã ra mắt hàng loạt dự án đô thị mới…Theo chia sẻ của anh Hoàng Văn Đức, một môi giới bất động sản thì nhiều nhà đầu tư khu vực phía Bắc với tài chính đã tiếp tục đổ tiền vào các thị trường ven biển còn sơ khai ở khu vực miền Trung, miền Nam như Cam Lâm (Khánh Hòa), Vũng Tàu, Phan Thiết…Nơi đây vẫn tồn tại những khu đất có vị trí đẹp với giá mềm. Với tài chính 1 tỷ khách hàng đã có thể sở hữu một lô đất có tiềm năng.
Việc đất vùng ven Hà Nội tăng giá “phi mã” trong thời gian gần đây đã khiến cho nhiều chủ sở hữu đất ven Hà Nội không muốn bán bất động sản để thu lời. Những nhà đầu tư này chủ yếu dùng nguồn tiền nhàn rỗi để đầu tư nên không muốn bán vì tin rằng giá còn có thể tăng cao hơn trong tương lai nên vẫn tiếp tục giữ đất và nghe ngóng.
Một số nhà đầu tư khác thì cho rằng nếu bán đất vùng ven ở thời điểm này thì với số tiền có được họ cũng khó lòng mua được đất ở có khả năng sinh lời tương đương tại Hà Nội. Dù đất tăng mạnh nhưng các nhà đầu tư có vốn lớn vẫn không ngừng săn lùng đất ven Hà Nội với hi vọng kiếm lời lớn khi mà giá trị bất động sản sẽ còn tăng cao.
Trong khi đó các nhà đầu tư nhỏ buộc lòng phải chuyển hướng sang mua đất tại thị trường các tỉnh xa. Nếu giá đất vẫn tăng đều đặn như hiện nay thì vùng ven Hà Nội chắc chắn sẽ chỉ còn là sân chơi của các đại gia “lắm tiền nhiều của”.