EVN lỗ liên tiếp, liệu giá điện có tăng?
BÀI LIÊN QUAN
Doanh thu của PVN năm 2022 ước đạt 900.000 tỷ, tăng hơn 40% so với năm 2021 VDSC: Áp lực cầu khiến doanh thu Sao Ta năm 2023 có thể chỉ tăng trưởng ở mức một con sốDoanh thu của Apple có nguy cơ sụt giảm hàng tỷ USD mỗi tuầnThông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, kể từ đầu năm nay, biến động giá nhiên liệu (gồm cả than, dầu, khí) trên thế giới đã khiến chi phí sản xuất điện cũng như mua điện của EVN đã tăng lên chóng mặt. Nếu như căn cứ vào kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt từ đầu năm bởi Bộ Công Thương, kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của EVN trong năm nay có thể ghi nhận mức lỗ lên đến 64.805 tỷ đồng.
EVN dự báo lỗ 31.360 tỷ đồng cả năm nay
Tuy nhiên theo EVN, nhờ tiết kiệm một cách quyết liệt và cắt giảm được tối đa các loại chi phí như: Chi thường xuyên, chi phí sửa chữa cũng như tạm chi lương bằng 80%; đồng thời tăng cường quản trị giá thành. Chưa kể, tập đoàn cũng thực hiện tối ưu hóa về dòng tiền và thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN; vận hành tối ưu hệ thống điện để có thể phát tối đa nguồn thủy điện có chi phí thấp… Liên quan đến vấn đề này, phía EVN cho biết: “Theo tính toán, tổng các khoản của EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên sẽ đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN; ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối cũng như phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021”.
Xét về kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính công ty mẹ cùng với báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm của EVN cho thấy, tổng doanh thu đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 221.200 tỷ đồng. Giá vốn của tập đoàn cũng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, ghi nhận 225.400 tỷ đồng đã khiến cho EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của EVN là hơn 12.677 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi hơn 10.072 tỷ.
Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ, doanh thu là 189.194 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế ở mức âm 17.358 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ đi các loại chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất là hơn 16.586 tỷ đồng - mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay.
Tính đến thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của EVN là khoảng 673.157 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã giảm gần 4,6%. Phần lớn tài sản của tập đoàn đều tập trung ở tài sản cố định, lên đến gần 443.295 tỷ đồng và hơn 37.127 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn.
Những khó khăn mà tập đoàn phải đối mặt
Theo EVN, dù đã nỗ lực và cố gắng hết mình để cắt giảm chi phí, cộng thêm những giải pháp nội tại mà tập đoàn đã thực hiện vẫn không đủ để bù đắp chi phí tăng điện đầu vào tăng quá lớn. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng. Dự kiến cả năm nay, EVN có thể lỗ ở mức 31.360 tỷ đồng. Trong bối cảnh tài chính này, nhiều khó khăn sẽ kéo đến trong năm 2022 cùng với các năm tiếp theo cũng sẽ có một số vấn đề nhất định.
Thứ nhất, tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc không thể cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho những đơn vị phát điện, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện, từ đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện. Thứ hai, chi phí sửa chữa lớn trong những năm gần đây đã buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10 đến 30%. Chưa kể, việc sửa chữa liên tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành của các hệ thống điện trong những năm sắp tới. Thứ ba là khó khăn đến từ việc huy động vốn cũng như cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án điện, sửa chữa và bảo dưỡng cho các công trình điện, đảm bảo việc cung ứng điện.
Chưa kể, theo như các dự báo nhiều khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm ở mức bình quân năm 2021. Vì thế, EVN năm 2023 vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh cũng như cân bằng tài chính. Cụ thể, phía EVN nhấn mạnh rằng: “Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao”.
Ngành điện khó bù lỗ nếu giá điện giữ nguyên
EVN cho biết, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí từ đầu năm đến nay đã tăng đột biến, đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng cao. Theo như tính toán của tập đoàn, giá bán lẻ điện bình quân năm nay đã lên mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019. Giá bán lẻ điện bình quân năm nay vẫn chưa gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại trong 3 năm (từ 2019 - 2021) của các đơn vị phát điện.
Theo ông Phan Tử Lượng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), giá nhiên liệu đầu vào trong thời gian qua vẫn không ngừng tăng trong khi tỷ giá ngoại tệ biến động từng ngày khiến cho công ty ngày càng thua lỗ, thế nên chưa ước được con số lỗ của năm nay. Ông Lượng cho biết: “Hiện tại, giá bán điện bình quân ước cả năm của Tổng công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi đó giá mua điện trên thị trường điện của đơn vị là 2.500 đồng/kWh”. Và nếu kết quả kinh doanh thua lỗ, điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của tổng công ty.
Thực tế cho thấy, áp lực tăng giá điện với người tiêu dùng không chỉ đến từ khoản chi phí trực tiếp đối với việc sử dụng điện sinh hoạt mà còn là những dịch vụ, hàng hóa khác cũng có lý do để tăng theo. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, việc tăng giá điện hiện nay đối với tình hình của EVN là một nhu cầu tương đối cấp bách. Tuy nhiên, mức tăng thế nào và tăng ra sao để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp là bài toán của cơ quan chức năng.
Theo vị chuyên gia này, lạm phát hiện nay đang có xu hướng tăng cao; chi phí đội lên khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong khi đơn hàng bị cắt giảm mạnh. Vì thế, bài toán tăng giá điện trong bối cảnh hiện tại lại càng thêm khó giải. “Để phù hợp với tình hình chung hiện nay, nếu phải tăng giá điện thì EVN và cơ quan chức năng cần phải cân nhắc mức độ tăng vừa phải. Đồng thời, cũng nên xem xét giãn thời gian tăng giá ra so với các yêu cầu khác, có thể là sau dịp Tết Nguyên đán, khi sản xuất bắt đầu đi vào ổn định”, TS. Đinh Trọng Thịnh bổ sung.