Những năm qua, bên cạnh kinh doanh và cuộc sống gia đình, vị doanh có một mối bận tâm riêng, mà như anh chia sẻ là “suốt 2 năm qua, ngày nào tôi cũng nghĩ về nó, có những đêm trăn trở mất ngủ cả đêm...”.
Đó là câu chuyện liên quan đến “biệt thự Bảo Đại”, một căn biệt thự nằm ngay cạnh dốc Ngọc Hà, nay là ngõ 186 phố Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội).
Sau khi nghe nói đến căn biệt thự này, liên hệ để có một cuộc gặp để tìm hiểu, anh Hồ Hoàng Hải đã rất sẵn lòng, nhưng cuộc hẹn liên tục bị dời lại bởi sự bận bịu thường thấy của một người làm kinh doanh, với liên tục những hợp đồng lớn cần thực hiện.
Sau khi chốt được lịch hẹn, tôi đã quyết định đến sớm hơn để tìm hiểu trước địa thế và chụp vài tấm ảnh bên ngoài. Tôi đã rẽ nhầm vào một ngõ gần ngõ 186, và thấy một ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp khá đẹp. Giống như rất nhiều những biệt thự Pháp cổ khác tại Hà Nội, theo thời gian và thời cuộc, hiện rất nhiều các hộ dân sinh sống tại ngôi biệt thự này, và ngôi biệt thự đã có dấu hiệu xuống cấp.
“Tìm hiểu về biệt thự Bảo Đại hả, ngõ trên nhé”, một người dân nhiệt tình chỉ đường, qua đó cũng thấy được người dân khu vực này đã quen với việc có một ngôi biệt thự đặc biệt liên quan đến vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Khu vực trải từ làng hoa Ngọc Hà đến gần Bách Thảo vẫn còn tồn tại nhiều biệt thự cổ. Hai biệt thự ngay cạnh ngõ 186 Ngọc Hà này có phần nào sự liên quan, cùng với “biệt thự Bảo Đại” là một quần thể biệt thự tại khu vực này.
“Tôi phải dẫn bạn vòng ra phía sau này, để bạn thấy được toàn bộ tổng thể khu đất. Hai năm qua, tôi đã dẫn đến cả trăm đoàn khách hoặc cá nhân quan tâm đến ngôi biệt thự này, những người yêu kiến trúc, yêu di sản hoặc muốn tìm hiểu lịch sử. Liên quan đến ngôi biệt thự này thì lại có đến cả trăm câu chuyện để kể đấy”, anh Hồ Hoàng Hải bắt đầu câu chuyện.
Hai năm qua, anh vui vẻ, nhiệt tình, bỏ thời gian công sức với cái công việc đặc biệt này, làm một hướng dẫn viên giá 0 đồng, ngay những câu nói đầu tiên mở đầu câu chuyện cũng đã lập tức cho thấy tình cảm đặc biệt của Hồ Hoàng Hải với ngôi biệt thự này.
Nằm ngay đầu dốc Ngọc Hà, con ngõ 186 giống như bao con ngõ khác ở Hà Nội. Khu đất nơi có căn “biệt thự Bảo Đại” xuất hiện ngay khi bước vào ngõ. Điều ấn tượng đầu tiên là tường bao uốn lượn như thân rồng chạy vòng quanh khu đất. Phần tường bao nằm lẫn vào các hộ dân, có phần thì trở thành tường nhà, cổng nhà của người dân khu này, có phần thì vẫn là tường bao. Anh Hải cho biết ngôi biệt thự bao gồm 2 phần gồm căn nhà biệt thự và vườn thượng uyển hình con sò.
“Đầu năm 2021, một người bạn của tôi cho biết có 1 căn nhà muốn bán tại Ngọc Hà, đi kèm thông tin biệt thự này có liên quan đến vua Bảo Đại. Ngay khi đến cửa, tôi đã cảm thấy một điều gì đó rất lạ lùng. Căn biệt thự có 3 tầng rưỡi, tuy không bề thế đồ sộ như các dinh thự khác của vua Bảo Đại ở các địa phương khác, nhưng có vẻ đẹp rất riêng. Tôi quyết định mua ngay. Đây là một di sản, không thể để mất và phải làm một điều gì đó thôi. Có lẽ đây là một cơ duyên và người được chọn cho cơ duyên ấy là tôi...”.
Sau cái quyết định mua ngay lập tức ấy, anh Hải là người sở hữu một phần của tầng 1, tầng 3 và tầng 4 của ngôi nhà. Thực ra ngôi nhà chỉ có 3 tầng rưỡi, tầng trên là tầng áp mái, đã được chủ cũ xây thêm để tăng diện tích sử dụng. Theo anh Hải, đó cũng là điều đáng tiếc bởi làm mất đi một phần sự nguyên bản của căn nhà. Phần tầng 2 của biệt thự hiện vẫn đang có 2 hộ gia đình sinh sống.
Sau khi anh Hải mua 1 phần căn nhà, phần còn lại của tầng 1 cũng được chủ sở hữu đồng ý bán và thuộc về anh Hồ Hoàng Hải. Anh Hải bắt đầu cùng lúc tiến hành tu sửa, phục hồi, và đi tìm hồ sơ, đi tìm “sự thật” về căn biệt thự.
Có 4 biệt thự ở khu vực này, riêng căn biệt thự này được các cụ cao niên thường gọi là biệt thự của cô Bảo Đại. Ban đầu, đã có thông tin biệt thự được xây năm 1911, cùng năm khánh thành Nhà Hát Lớn. Thông tin khác lại nói rằng “có một ông người Pháp vẫn lên tầng cao ngôi biệt thự ngắm cảnh làng hoa”, từng có một bà người Pháp sau nhiều năm trở về và nói rằng bà được sinh ra ở nơi này. Căn biệt thự chắc chắn có liên quan đến hoàng gia triều Nguyễn, nhưng có thực sự có liên quan, là “biệt thự Bảo Đại” hay không thì để khẳng định, phải tìm ra nguồn gốc.
“Rất may, tôi được giới thiệu đến gặp Giám đốc Cục lưu trữ Quốc gia. Các chuyên viên của Cục lưu trữ Quốc gia đã rất nhiệt tình giúp đỡ, tìm trong... 7km tài liệu để ra được các giấy tờ, văn bản liên quan đến nguồn gốc căn nhà này. Các văn bản được lưu trữ tại Cục lưu trữ Quốc gia được để trên các giá hồ sơ, phải tìm rất nhiều, lên đến 7km tài liệu thì mới ra được”.
Trong hồ sơ của Trung tâm lưu trữ Quốc gia, căn nhà được khánh thành năm 1939, được xây bởi Nam tước Pháp Pierre Didelot và được gọi là “Dinh thự Didelot”. Nam tước người Pháp Didelot là 1 đại tá pháo binh, là chồng của bà Marie Agnes Nguyễn Hữu Hào. Bà là con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, là chị gái của Nam Phương Hoàng Hậu. Như vậy, căn nhà thuộc sở hữu của ông anh cọc chèo với vua Bảo Đại. Biệt thự được thiết kế bởi kiến trúc sư Arthur Kruze, người giảng dạy bộ môn kiến trúc của Đại học mỹ thuật Đông Dương.
Năm 1949, dưới sự hậu thuẫn của Pháp, vua Bảo Đại trở lại thành Quốc trưởng Bảo Đại. Tòa nhà “Dinh thự Didelot” trở thành nơi ở của bà Võ Thị Tâm – thường được gọi là bà Phi Du – 1 trong 12 bà vợ của vua Khải Định. Bà Phi Du từ Huế ra Hà Nội chữa bệnh tại bệnh viện Xanh Pôn. Chính vì có bà Phi Du ở đây trong 1 giai đoạn nên nhiều cao niên tại làng Ngọc Hà đã nhầm tưởng rằng đây là nhà của “bà cô Bảo Đại” dù thực chất bà Phi Du là mẹ kế của vua.
Trong thời gian này, bà Phi Du đưa nhiều người thân quen vào ở tại ngôi biệt thự. Văn phòng thủ hiến Bắc Việt đã có công văn báo cáo Quốc trưởng. Quốc trưởng Bảo Đại đã cho mua lại tòa nhà và đổi tên thành “Công thự Didelot”.
Như vậy, qua các văn bản được lưu giữ lại, đã có thể khẳng định căn biệt thự được Quốc trưởng Bảo Đại mua và sở hữu.
Anh Hồ Hoàng Hải cho biết, rất may người chủ cũ của phần diện tích mùa anh mua ban đầu ở tầng 1, tầng 3 và 4 là những người tri thức, họ cũng có ý thức giữ gìn nên nhiều phần của căn biệt thự vẫn còn vẹn nguyên, được bảo tồn tốt. Hiện anh Hải đang có một đơn vị nội thất sử dụng căn hộ để trưng bày sản phẩm, các sản phẩm nội thất hiện đại này mang nhiều phong cách cổ điển nên rất hợp với không gian biệt thự.
Phía ngoài, căn biệt thự đậm chất Á đông, hoàng gia với mái cong nhưng bên trong lại là kiến trúc châu Âu hiện đại, với nhiều phần khiến những người yêu kiến trúc phải sửng sốt. Được xây dựng năm 1939 tại Hà Nội, các chi tiết, vật liệu, vật dụng trong nhà được mang sang từ châu Âu, dinh thự này hiện đại bậc nhất vào thời đó.
Sau khi mua lại được phần tiếp theo của tầng 1 thì quá trình cải tạo, phục dựng thực sự tốt hơn với việc phá bỏ tường ngăn mà trước đây được xây lên làm nơi ở. Phần mà anh Hải đang sở hữu có 2 cửa ra vào, một cửa bên hông nhà là cửa chính, một cửa lớn phía sau thường hay bị nhầm là cửa ra vào. Cửa phía sau thực chất là cửa ga ra của xe hơi, mở ra phía đường lớn (nay là đường Hoàng Hoa Thám). Chỉ có 3 tầng rưỡi nhưng căn biệt thự có cửa vào, có lối đi riêng cho giai nhân, người phục vụ. Biệt thự còn có ô chờ thang máy để người phục vụ, đầu bếp có thể chuyển đồ ăn lên các tầng trên.
Tường nhà được xây rất dày, ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Tại tầng 1, phần gạch lát nền tuy đã có tuổi đời gần 100 năm nhưng chưa hề hư hỏng, từng viên gạch có thẩm mỹ rất cao. Cửa chính bằng sắt, cửa chính và các ô cửa sổ có chấn song sắt dày, được ráp nối bằng chi tiết sắc chắc chắn nhưng rất đẹp. Hệ thống điện được chạy âm trong tường, với ống gel được làm bằng sắt.
Ngay cửa vào có một ô chữ nhật được khoét thấp xuống, nhiều người sẽ không để ý đến chi tiết này. Thực chất, đây là chỗ để đúng vừa một tấm thảm chùi giày dép. Từng chi tiết nhỏ của ngôi nhà, đều là những sự thú vị.
Cầu thang dẫn lên tầng trên của ngôi nhà hình xoáy rất đẹp, các chi tiết vẫn giữ được tốt. Kiến trúc Pháp vẫn cứ luôn làm say mê những người yêu kiến trúc, mỗi kiến trúc sư luôn tạo ra các ngôi nhà như một tác phẩm nghệ thuật, và khi bước vào ngôi nhà này, điều đó lại thêm một lần nữa được khẳng định. Cầu thang, cách bố trí không gian các phòng trong tổng thể tòa nhà đều hợp lý và tinh tế một cách tuyệt vời. Được xây dựng vào thời đó, căn nhà đã có phòng vệ sinh riêng ở các tầng trên.
Phòng ngủ chính – phòng cho chủ nhà chia làm 2 không gian, một bên là phòng ngủ, một bên là phòng làm việc. Trong các phòng, hệ thống tủ âm tường gỗ lim được bố trí, và đặc biệt là vẫn hoạt động tốt, không hề mối mọt, cong vênh dù hơn 80 năm đã trôi qua.
Để sửa sang, phục hồi lại biệt thự, từng viên ngói được anh Hải đặt kỳ công, quá trình phục hồi mất rất nhiều công sức.
Qua thời gian, người dân xây dựng các công trình nhà ở xung quanh căn nhà. Bên cạnh việc trùng tu, phục hồi biệt thự thì anh Hải cũng tiến hành làm đẹp cảnh quan xung quanh.
Góc bên trong cùng của khu đất nép sau biệt thự là một diện tích trước đây là nhà vệ sinh công cộng và để vật liệu, rất xấu. Anh Hải đã tụ họp cả khu dân cư, kiên trì thuyết phục thương lượng nhiều lần, “cháu mua lại của cô bác, vẫn là đất của cô bác và sẽ bỏ tiền xây sân chơi chung là đẹp”. Sau nhiều lần như vậy, những hộ dân ở đây đã đồng thuận, và phần đất góc sân xấu xí trước đây hiện đã được cải tạo thành sân chơi, có hồ cá, tiểu cảnh khá đẹp.
Gần biệt thự Bảo Đại ở ngõ 186 Ngọc Hà là biệt thự số 154 Ngọc Hà hiện tại. Theo kể lại, căn biệt thự số 154 trước kia là một sàn nhảy, khiêu vũ nơi vua Bảo Đại lui tới giải trí, tiếp khách. Còn tại biệt thự này, bên dưới nền nhà, ngay cạnh cửa vào ga ra xe hơi là cửa vào căn hầm. Căn hầm này được cho rằng thông tận ra Hồ Tây. Các cụ cao niên trong làng Ngọc Hà kể lại trước đây căn hầm từng là nơi trú ẩn tránh bom, có người khi còn nhỏ từng chui xuống căn hầm để chơi trốn tìm, đùa nghịch.
Anh Hải đã quyết định “khai quật” để tìm hiểu về căn hầm bí mật. Khi đưa thông tin và quá trình khám phá căn hầm này lên Facebook cá nhân, rất nhiều người đã quan tâm, thậm chí tò mò hỏi “trong ấy có vàng không?”.
Miệng hầm mở ra, những hàng gạch và cả sắt để gia cố hầm đều vẫn còn tốt. Anh Hải đã phải thử thả một con gà xuống để xem bên dưới có khí độc không. Căn hầm là có thật, còn thông ra được đến đâu thì không khám phá được bởi qua thời gian, các công trình xây dựng cống ngầm thoát nước bên dưới đã chặn đường hầm này lại.
Đúng như lời anh Hải đã nói, bên trong “căn biệt thự Bảo Đại” này chứa đựng hàng trăm câu chuyện thú vị, mà cho đến giờ thì người chủ sở hữu mới vẫn còn đang tìm hiểu.
“Càng tìm hiểu, càng gắn bó, tôi lại càng thêm yêu, càng có tình cảm đặc biệt với công trình này. Giá trị lịch sử lớn của công trình, một di sản cần bảo vệ là điều không còn phải bàn cãi nữa. Chúng ta không thể để mất một công trình như thế này, nếu mất thì tiếc lắm...Mà bạn nhìn này, đây là một tấm ảnh tôi sưu tập lại được, một xác máy bay Mỹ đã rơi ngay sát cạnh căn biệt thự. Nếu rơi đúng vào đây, có thể công trình đã không còn”, anh Hoàng Hải chia sẻ.
“Ngay từ khi mua, tôi đã xác định không phải để đầu tư, tôi cũng không xác định sẽ kinh doanh, kiếm tiền gì ở đây cả. Với công trình này, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết. Tôi muốn giữ lại một di sản, rồi biến nơi đây thành điểm tham quan, cùng nghiên cứu về lịch sử, hoặc một nơi giao lưu văn hóa. Mà nếu là bạn, ở trường hợp của tôi, bạn sẽ muốn làm gì trước, mua lại được phần còn lại của tầng 2, hay muốn có phần trước đây là vườn thượng uyển”, anh Hải đặt một câu hỏi cho tôi.
“Em sẽ ưu tiên việc có được tầng 2 trước, cho trọn vẹn căn biệt thự trước đã anh ạ...”.
“Trước đây tôi cũng đã có ý nghĩ như vậy đó. Nhưng sau 2 năm, giờ thì tôi đã nghĩ khác, nếu có phần vườn thượng uyển, phục hồi lại cả quần thể, thì sẽ rất tốt. Tôi đã quá yêu công trình này nên đã muốn điều đó. Còn những người đang ở tầng 2, họ cũng đang cùng mình giữ gìn di sản này cơ mà. Phải chia sẻ thật, trong số 15 hộ dân đang ở tại phần trước đây là vườn thượng uyển, thì người “lịch sự” nhất đang đưa ra mức giá gấp đôi giá thị trường.
“Dinh thự này có giá trị về kiến trúc và đặc biệt là những giá trị lịch sử đặc biệt. Nhiều người đã không biết ngay giữa Hà Nội có một dinh thự như thế này, lại gắn với vua Bảo Đại. Càng tìm hiểu, tôi lại càng thấy rõ hơn giá trị lịch sử của ngôi biệt thự. Nếu để mất, đó sẽ là điều vô cùng đáng tiếc.
Ở đây không nói chuyện tiền, mà tôi mong những người chủ sở hữu còn lại sẽ thấu hiểu tấm chân tình của tôi, cảm kích và chia sẻ với ước vọng của tôi cho công trình này, với mong muốn duy nhất là giữ gìn và khôi phục lại một di sản”, anh Hồ Hoàng Hải chốt lại câu chuyện và khẳng định thêm rõ ý định của mình với ngôi biệt thự.