Doanh nghiệp chuyên săm lốp ghi nhận cổ phiếu bứt phá mạnh: Tọa lạc trên “đất vàng” tại Hà Nội, có cổ đông lớn “không phải dạng vừa”
BÀI LIÊN QUAN
Những nhóm cổ phiếu nào có triển vọng trong năm tới?Cổ phiếu RDP tăng kịch trần, doanh nghiệp rục rịch chào bán riêng lẻ để trả nợ ngân hàngNhu cầu chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ngày càng cao, triển vọng nào cho cổ phiếu ngành dược?Theo Nhịp Sống Thị Trường thông tin, cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng bất ngờ bứt phá mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chung đang có nhiều biến động. Theo đó, mã SRC đã tăng dựng đứng trong 8 phiên liên tiếp, mức tăng lên đến hơn 30%, lên mức đỉnh trong vòng hơn 4 năm qua kể từ tháng 6/2019. Chỉ tính riêng trong tuần qua, cổ phiếu này đã tăng gần 19% về thị giá, thuộc top những mã tăng mạnh nhất trên sàn HOSE.
Việc cổ phiếu SRC tăng phi mã chắc chắn là tin vui với các cổ đông của Cao su Sao Vàng, tuy nhiên vui nhất chắc chắn phải là 2 cổ đông lớn của SRC là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đang nắm giữ 36% vốn và CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đang nắm giữ 24,5% vốn. Trong quá khứ, con sóng SRC còn từng lập đỉnh vào năm 2019. Sự kiện này gắn liền với việc Vinachem thoái vốn cùng với sự xuất hiện của Tập đoàn Hoành Sơn.
Cổ đông lớn “không phải dạng vừa” của SRC, vừa thế chân Vinhomes tại dự án khủng
Từ năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn chính thức bén duyên cùng Cao su Sao Vàng khi được lựa chọn để cùng thực hiện dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn” tọa lạc ở khu “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Sau đó, Hoành Sơn tiếp tục hỗ trợ 435 tỷ đồng để Cao su Sao Vàng có thể di dời nhà máy. Tuy nhiên, sau đó việc di dời nhà máy đã dừng lại, dự án chung cũng tạm ngưng.
Giữa năm 2019, Vinachem bất ngờ thoái vốn tại Cao su Sao Vàng, từ 51% xuống còn 36%. Nhân cơ hội này, nhóm cổ đông có liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn liên tục thâu tóm gần 6,9 triệu cổ phiếu của SRC. Cuối năm 2019, ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn trong Đại hội đồng cổ đông bất thường của Cao su Sao Vàng đã được bầu vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2021. Đến ngày 28/12/2019, ông Sơn chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Cao su Sao Vàng cho đến nay.
Tháng 7/2020, Tập đoàn Hoành Sơn thông báo đã hoàn tất mua vào gần 6,9 triệu cổ phiếu SRC, chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Cao su Sao Vàng khi nắm giữ đến 24,5% vốn. Tuy nhiên, vì không công bố về thông tin dự kiến giao dịch này, Tập đoàn Hoành Sơn thời điểm đó đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 110 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Hoành Sơn được ông Phạm Hoành Sơn thành lập vào năm 2001 tại Hà Tĩnh, hoạt động đa ngành nghề bao gồm thương mại xi măng và quặng, xây dựng và đầu tư, dịch vụ đường biển, khai thác đá cát sỏi và đất sét, khai thác tàu biển và các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận, sản xuất phân bón, điện mặt trời...
Bên cạnh Cao su Sao Vàng, tập đoàn này còn gây chú ý nhờ thương vụ ‘thâu tóm’ Cảng Phước An vào năm 2016. Đồng thời, đây còn là ‘ông lớn’ tham gia triển khai nhiều dự án lớn khác như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (quy mô 4.415 tỷ đồng), Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (quy mô gần 1.500 tỷ đồng) và dự án Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng);…
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoành Sơn còn đầu tư một số dự án khác ác như hạ tầng cụm công nghiệp Cổng Khánh 2; dự án xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ tại phường Trần Phú (Hà Tĩnh); dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) với công suất 50 MWp và tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng…
Mới đây nhất, tập đoàn này đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát cũng như thực hiện Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh cùng với huyện Thạch Hà. Từng có thời gian, khu đất này đã được quy hoạch trở thành khu đô thị, tổng mức đầu tư rơi vào khoảng 23.545 tỷ đồng. Đáng chú ý, CTCP Vinhomes và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An giữa năm 2020 đã trúng sơ tuyển dự án này. Tuy nhiên sau đó, 2 doanh nghiệp đã không tiếp tục tham gia dự thầu.
Cao su Sao Vàng làm ăn ra sao trong những năm qua?
Cao su Sao Vàng là một trong những doanh nghiệp Việt có tuổi đời lâu năm và gắn liền với những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Nhờ tầm quan trọng của ngành công nghiệp cao su trong nền kinh tế, ngay sau khi miền Bắc giải phóng, xưởng đắp vá săm lốp ô tô đã được thành lập vào ngày 7/10/1956, đến tháng 11 cùng năm thì chính thức đi vào hoạt động.
Đầu năm 1960, xưởng này đã được sáp nhập vào Nhà máy cao su Sao Vàng - đây là tiền thân của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội sau này. Nhà máy vào ngày 6/4 cùng năm đã tiến hành sản xuất thử những sản phẩm như săm và lốp xe đạp đầu tiên dưới nhãn hiệu Sao Vàng. Ngày 23/5/1960, nhà máy làm lễ cắt băng khánh thành và duy trì ngày truyền thống đó cho đến tận hôm nay.
Năm 1992, nhà máy được đổi tên thành Công ty Sao Vàng theo quyết định của Bộ Công nghiệp nặng, từ năm 2006 thì chuyển đổi thành CTCP Cao su Sao Vàng. Năm 2009, Cao su Sao Vàng chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE với mã SRC.
Từ năm 2013 trở đi, doanh thu của công ty thường xuyên được duy trì ở mức ổn định trong khoảng 900-1000 tỷ đồng, riêng năm 2020 doanh thu lên đến gần 1.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của Cao su Sao Vàng lại trồi sụt một cách thất thường. Năm 2019, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt đỉnh, song lợi nhuận trước thuế chưa năm nào chạm mốc 100 tỷ đồng.
Nguyên nhân bởi, nhu cầu của thị trường ngày càng suy yếu, trong khi xu hướng tiêu dùng lại đang chuyển sang sử dụng lốp Radial. Ngoài ra, những sản phẩm của Sao Vàng còn phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp cùng ngành và mặt hàng nhập khẩu. Chính vì thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cao su Sao Vàng trong những năm qua đã gặp khá nhiều thách thức.
Năm nay, theo đánh giá của doanh nghiệp thì hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như giá vật liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến giá bán. Chưa kể, Cao su Sao Vàng vẫn phải cạnh tranh với nhiều nhà sản xuất trong nước lẫn nước ngoài. Đặc biệt, doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa có sản phẩm lốp Radial.
Dù nhận định còn nhiều khó khăn, song Cao su Sao Vàng vẫn lên kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2023 với mục tiêu doanh thu là 2.000 tỷ đồng cùng 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với kết quả thực hiện được trong năm 2022 đã lần lượt cao gấp 2,1 lần và 2,6 lần. Nếu như hoàn thành kế hoạch đề ra, đây chính là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp chuyên về sản xuất săm lốp này đạt được từ năm 2009.
6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Cao su Sao Vàng là hơn 477 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng nhẹ 2%. Sau khi trừ đi các loại chi phí và giá vốn, công ty ghi nhận lãi trước thuế là 13,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã giảm mạnh gần 69%. Với kết quả đạt được ở trên, Cao su Sao Vàng sau nửa đầu năm mới chỉ thực hiện được gần 24% kế hoạch doanh thu cùng với 14% chỉ tiêu lợi nhuận - cách rất xa mục tiêu đề ra cho cả năm.