Điều chỉnh quy hoạch: "Đừng làm lợn lành thành lợn què"
Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện vì lợi ích cá nhân
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Theo một báo cáo từ năm 2019, cả nước có hơn 4.000 dự án, trong đó 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... Điều này cho thấy, thực trạng quy hoạch đô thị của chúng ta đang rất có vấn đề. Những điều chỉnh này vì lợi ích của cá nhân nhiều hơn là lợi ích của cộng đồng.
Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tại Hà Nội, tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên tới 70%, trong khi đó tại TPHCM, tỷ lệ này cũng ở mức trên 40%. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở theo đề xuất của chủ đầu tư.
Nguyên nhân của thực trạng trên theo KTS Phạm Thanh Tùng chủ yếu do sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thẩm định quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý vào quy hoạch; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.
Trong Luật Quy hoạch quy định rất rõ, lý do điều chỉnh quy hoạch phải đúng với những lý do theo luật quy định và sau đó là trình tự, thủ tục để thực hiện điều chỉnh. Về nguyên tắc, không khác gì việc phê duyệt một đồ án quy hoạch.
Còn theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, “Quy hoạch chính là tương lai, nếu chúng ta có một quy hoạch tốt và thực hiện triển khai quy hoạch tốt thì đấy chính là chúng ta có một tương lai tốt. Nếu chúng ta vẫn đểnh đoảng trong việc cho điều chỉnh chỗ này, cho điều chỉnh kia, một dự án cho điều chỉnh 5-7 lần, hết cấp này điều chỉnh đến cấp kia điều chỉnh thì chúng ta sẽ có một tương lai...dở hơi”.
Nhìn sang các nước, điển hình như Trung Quốc, rất hãn hữu mới cho điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch là một vấn đề tuyệt đối không được thay đổi. Quản lý mang tính tuyệt đối, đã duyệt thì điều chỉnh cực kỳ khó. Phải đến cấp cao hơn mới có quyền quyết định điều chỉnh. Còn ở Việt Nam, việc điều chỉnh khá dễ dàng, dù Luật Quy hoạch 2009 đã quy định rất rõ những lý do nào được điều chỉnh, khi điều chỉnh phải lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: “Một lô đất mấy nghìn m2 không thể hôm nay được quy hoạch thế này, mai thế khác. Thay đổi như vậy sẽ làm cho đô thị lộn xộn ngay, chỗ nào cũng như vậy là không thể được. Do đó, phải xem xét trong quá trình chuyển đổi chức năng của lô đất đó”.
Quy hoạch là tương lai, người làm quy hoạch phải có tầm và tâm
Quy hoạch hiện tại nhưng để lại giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau. Những giá trị này không thể đánh đổi bằng lợi ích của một nhóm hay một các nhân.
Tầm nhìn quy hoạch thực chất là tầm nhìn phát triển của một khu quy hoạch, của một đô thị. Tầm nhìn mang tính chất dự báo, khi có tầm nhìn tốt, đô thị được quy hoạch sẽ có sự phát triển tốt, tạo ra sức sống của đô thị hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Thực tế đã minh chứng về tầm nhìn khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long – Hà Nội; Khi Chúa Nguyễn Hoàng chọn Phú Xuân – Huế làm điểm dừng chân…
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển”.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đô thị. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian, thời gian. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích công cộng là những nội dung phải quan tâm.
Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải gìn giữ được các công trình văn hoá, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị. Tuy nhiên, phải từng bước đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đô thị văn minh, hiện đại về hạ tầng giao thông, mật độ cây xanh, chú trọng công trình phúc lợi như công viên, quảng trường. Đặc biệt là không hy sinh các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, nhà ở.
Người làm quy hoạch phải dự báo được sự phát triển của đô thị về phát triển dân số, về sự phát triển của các phương tiện giao thông, về nếp sống của cư dân đô thị trong tương lai, đón đầu được xu thế quy hoạch đô thị hiện đại, khơi dậy được động lực phát triển đô thị, xác định tính chất đô thị đặt ra đầu bài.
Đồng thời, người làm quy hoạch không chỉ có trách nhiệm làm đúng chức trách theo quy định của pháp luật mà còn phải giữ được cái tâm trong sáng, không để những lợi ích trước mắt bẻ cong ngòi bút của mình.