Deutsche Bank không phải là Credit Suisse tiếp theo
Vào thứ Sáu (24/3), cổ phiếu của Deutsche Bank sụt giảm trong khi chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ tăng vọt. Ngân hàng này bị “nhấn chìm” bởi sự hoảng loạn tại thị trường của khu vực ngân hàng châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích phải vò đầu bứt tai không hiểu tại sao ngân hàng vốn có lãi 10 quý liên tiếp và luôn tự hào về nguồn vốn lại trở thành mục tiêu tiếp theo của một thị trường dường như đang bật chế độ “truy tìm và hủy diệt.”
Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon có trụ sở tại Mỹ rồi đến việc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của UBS đã khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại trong lúc họ đã hoang mang khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vào thứ Tư.
Các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đã hy vọng rằng thỏa thuận giải cứu Credit Suisse, do chính quyền Thụy Sĩ làm trung gian, sẽ giúp xoa dịu tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về sự ổn định của các ngân hàng châu Âu.
Nhưng sự sụp đổ của tổ chức 167 năm tuổi của Thụy Sĩ và việc thay đổi các quy tắc phân cấp chủ nợ để xóa sạch 16 tỷ franc Thụy Sĩ (17,4 tỷ USD) trái phiếu cấp một bổ sung (AT1) của Credit Suisse đã khiến thị trường không thể tin được rằng thỏa thuận giải cứu sẽ đủ để ngăn chặn những căng thẳng trong lĩnh vực này.
Deutsche Bank đã trải qua một đợt tái cơ cấu trị giá hàng tỷ euro trong những năm gần đây nhằm giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lời. Ngân hàng này ghi nhận thu nhập ròng hàng năm là 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 159% so với năm trước.
Tỷ lệ CET1 (thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng) của Deutsche Bank ở mức 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ bao phủ thanh khoản là 142% và tỷ lệ tài trợ ròng ổn định là 119%. Những con số này không cho thấy có bất kỳ nguyên nhân nào có thể gây lo ngại về khả năng thanh toán hoặc vị thế thanh khoản của ngân hàng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels vào hôm thứ Sáu rằng Deutsche Bank đã "tổ chức lại và hiện đại hóa mô hình kinh doanh của mình một cách triệt để và là một ngân hàng có lợi nhuận cao,” đồng thời nói thêm rằng không có cơ sở nào để có thể suy đoán về tương lai của ngân hàng này.
Một số lo ngại xung quanh Deutsche Bank tập trung vào các khoản đầu tư bất động sản thương mại ở Mỹ và công cụ phái sinh quan trọng.
"Chúng tôi không lo ngại về khả năng tồn tại hoặc dấu hiệu tài sản của Deutsche. Nói một cách rõ ràng - Deutsche không phải là Credit Suisse tiếp theo."
Không giống như ngân hàng Thụy Sĩ đang gặp khó khăn, họ nhấn mạnh rằng Deutsche "có lãi vững chắc" và Autonomous dự báo lợi nhuận trên giá trị sổ sách hữu hình là 7,1% cho năm 2023, tăng lên 8,5% vào năm 2025.
Theo JPMorgan, sự sụp đổ của Credit Suisse là do sự kết hợp của ba nguyên nhân. Đây là một "chuỗi thất bại trong quản trị đã làm xói mòn niềm tin vào khả năng của ban quản lý,” bối cảnh thị trường đầy thách thức cản trở kế hoạch tái cơ cấu của ngân hàng và "sự tập trung mới và mạnh mẽ vào rủi ro thanh khoản" của thị trường sau sự sụp đổ của SVB.
Tham khảo CNBC