meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

4 nhóm cơ chế đặc thù để làm vành đai 3 TP. HCM

Thứ bảy, 28/05/2022-06:05
Hiện, UBND TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai đang nỗ lực để khởi công đường vành đai 3 TP.HCM vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2026.

Tạo không gian phát triển mới cho phía Nam

Cùng với 4 dự án giao thông Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng;  Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.


Tuyến Vành đai 3 Tp.HCM sẽ giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ Tp.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Tuyến Vành đai 3 Tp.HCM sẽ giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ Tp.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Đây là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói kích thích kinh tế...). Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và từng địa phương.

Hiện nay, 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất đề xuất bốn nhóm cơ chế đặc thù kiến nghị QH cho phép áp dụng.

Thứ nhất, các địa phương xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian triển khai dự án chứ không chỉ trong hai năm (2022-2023) như Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai về nguồn vốn, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai có điều kiện thu ngân sách hơn nên đề xuất mức trung ương bố trí chỉ 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn ba tỉnh này; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.

Thứ ba về cơ chế chỉ định thầu, các địa phương đề nghị là áp dụng cho các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các gói thầu về xây lắp thì các địa phương hạn chế đến mức thấp nhất chỉ định thầu và phải đấu thầu cơ bản để đảm bảo được tính minh bạch, bình đẳng và hạn chế những tiêu cực.

Thứ tư, xem lại đề xuất tăng công suất khai thác các mỏ cát hiện hành lên 50%. Hiện nay, có những mỏ có thể khai thác tăng lên được 50% nhưng nhiều mỏ không tăng lên được. Theo đó, các địa phương đề xuất theo hướng cho phép điều chỉnh quy hoạch mỏ, quy hoạch sử dụng vật liệu.

Các địa phương còn đề nghị được điều chỉnh các dự án thành phần, theo hướng tăng tổng mức các dự án thành phần nhưng không tăng tổng mức chung của dự án. 

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH cho biết, tuyến vành đai 3 TP.HCM vô cùng phức tạp, với nguồn vốn lớn. Trong đó, công tác GPMB của dự án vành đai 3 TP.HCM nhiều hơn vành đai 4 Hà Nội. Vấn đề đặt ra là việc di dời, bố trí tái định cư ở các địa phương thực hiện ra sao để công tác thi công, kết nối có tính đồng bộ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng xem xét công tác chuẩn bị tiếp theo như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của các dự án.

Cần lực đẩy từ chính sách


Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ trì đoàn khảo sát thực địa dự án xây dựng đường vành đai 3 ngày 19/5.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ trì đoàn khảo sát thực địa dự án xây dựng đường vành đai 3 ngày 19/5.

Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM được đánh giá kết nối vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - quyết định tới 40% tổng thu ngân sách của cả nước. 

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp của TP.HCM, đồng thời đóng vai trò phân luồng từ xa giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành của TP.HCM. Việc chưa đầu tư xây dựng tuyến đường này cùng với việc kết cấu hạ tầng của TP trong thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu phát triển đã trở thành điểm nghẽn, dẫn tới tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, đặc biệt là các cửa ngõ khu vực nội đô.

Việc đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM không chỉ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, mà còn tăng cường sự kết nối giữa các địa phương, rút ngắn quãng đường vận chuyển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trước hết là các tỉnh có dự án đi qua. Qua đó thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ trong khu vực, tạo nên không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội (QH) - đoàn TP.HCM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH khóa XV cho biết, để chuẩn bị dự án, TP.HCM cần có các cơ chế đặc thù có thể tập trung vào bốn nhóm gồm: Cơ chế nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện dự án, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ của dự án." Tuy nhiên, là một trong những dự án quan trọng của đất nước, bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư thì việc nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về nhiều mặt, từ khâu chuẩn bị đến tổ chức thực hiện cũng cực kỳ quan trọng", ông Hiển nói.


Ông Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội (QH) - đoàn TP.HCM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH khóa XV
Ông Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội (QH) - đoàn TP.HCM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH khóa XV

Ông Hiển cũng đặt vấn đề, giai đoạn 2022-2025, trong nước đồng thời triển khai nhiều dự án đường cao tốc, điều này đòi hỏi một nguồn lực rất lớn về nguyên vật liệu, nhà thầu, máy móc thiết bị... nên vấn đề lớn đặt ra là phải đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực. Song song đó là việc đánh giá khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu..., nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng của dự án trong mối liên hệ với các dự quan trọng khác triển khai cùng thời điểm.

Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, ông Hiển cho rằng, cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao công tác phối hợp, giám sát giữa các cơ quan thực hiện. Đặc biệt, cần có chế tài để gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương bảo đảm được tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Đồng thời ban hành chính sách hợp lý và bồi thường thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của dự án, nhất là khu vực giáp ranh.

Do việc đầu tư dự án này có sự kết hợp vốn ngân sách trung ương và địa phương, giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần nên cần làm rõ khả năng cân đối ngân sách, năng lực quản lý của các địa phương được giao quyết định đầu tư. Song song đó, cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm “đầu mối” của TP.HCM và cơ chế phối hợp, tham gia của các địa phương liên quan để việc tổ chức thực hiện được thuận lợi, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất của dự án.

"Trong quá trình thực hiện, tôi cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cũng cần hết sức lưu ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm việc triển khai dự án đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án", ông Hiển cho biết.

Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), chúng ta đang có những điểm nghẽn, sự quá tải về không gian phát triển, sự ách tắc về giao thông, cơ sở hạ tầng tại các siêu đô thị như Hà Nội, TP.HCM. Việc mở mang không gian đô thị thông qua phát triển đường các đường vành đai sẽ giúp xây dựng một chuỗi vệ tinh chứ không phải tập trung đầu tư vào các lõi, các siêu đô thị, từ đó, tạo nên sự lan tỏa về không gian phát triển, thúc đẩy cho quá trình công nghiệp hóa cũng như quá trình đô thị hóa ở nước ta.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế thì cần đặc biệt chú trọng đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư, không chỉ đầu tư công của Nhà nước mà phải huy động được nguồn vốn đầu tư, nguồn lực của toàn xã hội. Bởi nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

“Làm sao huy động được nguồn lực của xã hội, nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Không chỉ huy động ở trong nước mà còn huy động nguồn vốn quốc tế, của các nhà đầu tư nước ngoài. Chừng nào chúng ta không giải quyết được bài toán này thì chừng đó giao thông vẫn tiếp tục tụt hậu”, ông Lộc nói.

TIẾN MINH
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

Người dân TP.HCM vẫn thấp thỏm chờ kết quả khi nộp hồ sơ đất đai trước giờ G

Nhiều quy định phòng cháy chữa cháy mới có thể “làm khó” loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Giá bất động sản tăng vọt do thiếu cạnh tranh?

Nên tách nhà ở xã hội khỏi dự án thương mại

Một số địa phương không có dự án NOXH nào được khởi công từ năm 2021 đến nay

Không nên chỉ cho thuê NOXH do công đoàn đầu tư

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Hà Nội khẩn trương xây dựng bảng giá đất mới

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

12 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

12 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

12 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

12 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước