Dành cả đời kiếm tiền cho người khác: Tỷ phú sẵn sàng quyên góp 99% tài sản, cảm thấy hạnh phúc khi trong tay “không có gì”
BÀI LIÊN QUAN
WeChat - sản phẩm Internet thành công nhất ở Trung Quốc thập kỷ qua: Hành trình 11 năm phát triển giúp Tencent trở thành "gã khổng lồ" châu Á6 chữ vàng người thành công thấm nhuần trong tư tưởng: Theo đuổi mục tiêu cần có tâm, thông minh nhưng không chăm chỉ cũng chẳng tạo nên việc lớnTỷ phú Lý Gia Thành: Thành công chậm giúp xây dựng nhân cách, thành công nhanh chỉ tạo ra sự kiêu ngạoTỷ phú Charles F. Feeney sinh năm 1931 là một người Mỹ gốc Ireland. Vị tỷ phú này thường được gọi với cái tên thân mật là Chuck Feeney và được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh là “James Bond của giới từ thiện”.
Vị tỷ phú “nghèo” hiếm có
Với khả năng thông thạo 2 ngôn ngữ Pháp và Nhật, Chuck Feeney đã xây dựng nên đế chế của các cửa hàng miễn thuế. Đam mê kinh doanh của ông được thể hiện rõ ngay từ nhỏ. Thời thơ ấu, Chuck Feeney nghĩ ra đủ mọi cách để có thể kiếm tiền. Ông sẵn sàng gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh hay dọn tuyết trên đường, nhặt bóng trên sân golf…
Những năm gần đây, Chuck Feeney cùng với người vợ Helga của ông sống trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco. Dù mang tiếng là tỷ phú nhưng Chuck Feeney lại không có nhà đẹp xe sang hay bất kỳ vật dụng xa xỉ nào. Có lẽ, phụ kiện đáng giá nhất của người đàn ông này là chiếc đồng hồ bằng cao su trị giá 15 USD.
Bên cạnh đó, trong căn hộ của ông cũng không có bất kỳ bằng khen hay kỷ niệm chương nào, cũng không có bất kỳ hình ảnh nào ghi lại cống hiến của ông dành cho xã hội. Tính đến nay, vị tỷ phú không nhà, không xe hơi này đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền và các nghiên cứu khoa học.
Cuộc đời của Chuck Feeney vốn là một sự hi sinh thầm lặng nên tên tuổi của ông rất ít người biết đến. Ông luôn âm thầm phấn đấu và phát triển sự nghiệp của mình để rồi khi về già, ông lặng lẽ cống hiến vì mục đích đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội cũng như tất cả mọi người.
Chuck Feeney bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng với bạn đại học từ những năm 1950. Thời điểm đó, ông cùng “cộng sự” bán rượu không thuế cho các thủy thủ Mỹ, sau đó ông lại bán xe cho lính Mỹ, lập nên chuỗi cửa hàng miễn thuế (DFS) ở các cửa khẩu. Mỗi năm, doanh thu lên tới 3 tỷ USD.
Đến những năm 1960, khi Nhật Bản tổ chức thế vận hội, đồng thời dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài, Chuck Feeney đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để thu tiền từ các khách du lịch Nhật. Đó là những khoản tiết kiệm khổng lồ mà người Nhật bỏ ra để mua rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế… ở những địa điểm nổi tiếng như Hawaii, Hong Kong, San Francisco, Saipan và Guam…
Chuck Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, cả thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Đó chính là lần đầu tiên Forbes ước tính vị tỷ phú này có khoảng 1,3 tỷ và độ giàu có xếp thứ 31 tại Mỹ. Thế nhưng, tài sản thực của Chuck Feeney vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, con số này mới dần được hé lộ.
Keo kiệt với bản thân nhưng rộng rãi với mọi người
Dù kiếm được tiền tỷ từ sớm cùng với tổng tài sản lên tới 8 tỷ USD (theo New York Times) nhưng Chuck Feeney lại có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa. Ông không bao giờ thắt cà vạt Hermes hay mang giày Gucci. Cũng theo tiết lộ của New York Times, trong nhiều năm ở New York bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavilion Tommy Makem trên phố East 57th với những chiếc bánh mì kẹp thịt.
Vị tỷ phú này từng chia sẻ, ông rất quý trọng tiền bạc và cũng rất ghét phung phí nó. Quan điểm tiết kiệm được Chuck Feeney áp dụng để nuôi dạy, giáo dục 5 người con của mình ngay từ nhỏ. Vị tỷ phú gốc Ireland đã dạy các con của mình cách kiếm tiền và sử dụng một cách khôn ngoan. Chuck Feeney cho rằng cách giáo dục nghiêm khắc như thế sẽ giúp các con mình hiểu được giá trị của lao động cũng như đồng tiền.
Tỷ phú Feeney đã yêu cầu con trai mình đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập. Điều đáng nói, các con của vị tỷ phú này hoàn toàn đồng tình với cách giáo dục của cha, thậm chí còn còn rất tự hào vì có một người cha như thế.
Sống “keo kiệt” với bản thân và gia đình nhưng Chuck Feeney lại rất hào phóng với xã hội. Hành trình “sống để cho đi” của tỷ phú Feeney chính thức bắt đầu từ ngày 23/11/1984. Ngày hôm đó, ông đã cùng với người vợ đầu của mình là Danielle và luật sư Harvey Dale bay đến quần đảo Bahamas. Địa điểm này là nơi ông có thể tránh được những quy định về mặt pháp lý ở Mỹ cho việc mà bản thân sắp sửa làm. Mọi người cùng họp kín trong một căn phòng hội nghị; đến 4 giờ chiều Chuck Feeney bắt đầu ký một loạt tài liệu và sau đó, cả 3 nhanh chóng tới sân bay rời đi.
Ngày hôm đó, Chuck Feeney cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm và thanh thản. Nguyên nhân bởi, người đàn ông này đã “cống hiến” toàn bộ tài sản của mình, bao gồm tiền mặt cùng với 38,75% cổ phần sở hữu trong DFS cho tổ chức do chính ông sáng lập, ngày nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương).
Quỹ từ thiện này là nơi ông thực hiện ước mơ của cả cuộc đời mình, khao khát làm những điều có thể mang đến thay đổi lớn cho mọi người. Vị tỷ phú này đã giao cho giáo sư luật Harley Dale, làm giám đốc điều hành mọi hoạt động từ thiện của ông. Sau đó, ông tiếp tục hoạt động quản lý doanh nghiệp, mua bán tài sản trên khắp thế giới. Do đó, mọi người vẫn nghĩ Chuck Feeney là một tỷ phú như trước kia, ngay cả tạp chí Forbes cũng thế. Mọi thứ cứ ngỡ sẽ được giấu kín mãi mãi. Năm 1988, Chuck Feeney vẫn được xếp ở vị trí thứ 23 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Trong nhiều năm nay, Chuck Feeney đã giữ bí mật về lòng nhân ái cũng như sự hào phóng của mình. Cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của vị tỷ phú này mới được hé lộ sau khi ông bán cổ phần của mình trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.
Mãi tới khi đó, người ta mới biết đến Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương do Chuck Feeney sáng lập. Tổ chức này đã trao tặng hàng tỷ USD vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế cũng như bảo vệ nhân quyền... cho Mỹ, Ireland. Đồng thời, tổ chức cũng chi một lượng lớn tiền cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba. Riêng Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2013, Atlantic đã tài trợ gần 382 triệu USD cho các thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng.
Sinh ra tay trắng, cuối đời trắng tay
Khi các hoạt động từ thiện của Chuck Feeney được tiết lộ, rất nhiều người biết đến và muốn tiếp xúc với ông. Họ tò mò muốn biết, điều gì đã thôi thúc người đàn ông này quyên tặng tất cả tài sản của mình cho việc từ thiện, để rồi sống cuộc đời nghèo khó trong căn hộ khiêm tốn như thế.
Trước sự tò mò của mọi người, vị tỷ phú này đã mỉm cười kể một câu chuyện rằng: “Một con cáo nhìn thấy những chùm nho trong vườn kết đầy quả mọng nên muốn đánh một bữa no nê. Tuy nhiên, do mập quá nên con vật không thể chui được qua hàng rào. Thế là con cáo đã nhịn ăn nhịn uống 3 ngày 3 đêm để gầy đi, cuối cùng nó đã vào được bên trong.
Sau khi thỏa sức đánh chén, nó vô cùng mãn nguyện. Nhưng khi vừa ghé mình chui qua hàng rào, con vật lại không thể chui qua được. Không còn cách nào khác, nó đành phải áp dụng phương pháp cũ, nhịn ăn nhịn uống 3 ngày 3 đêm. Kết quả, khi nó chui ra được bên ngoài thì bụng lại trở về như trước khi chui vào”.
Có lẽ, điều khiến tỷ phú Chuck Feeney thanh thản khi sống cuộc đời “trắng tay” trong một căn hộ nhỏ bởi ông hiểu rằng, dù tài sản có lớn đến đâu đi chăng nữa thì đến khi qua đời, ông cũng không thể mang gì theo bên người. Cũng như con cáo trong câu chuyện trên, dù có cố gắng nhét cho no bụng nhưng cũng không thể mang cái bụng đó ra ngoài.
Đồng thời, Chuck Feeney còn có quan niệm rằng: “Thượng đế không có ngân hàng còn vải liệm thì không có túi. Ai sinh ra cũng đều tay trắng, cuối cùng lại trắng tay. Người đến rồi đi, chẳng ai có thể mang tài sản cũng như danh tiếng mà mình cực khổ gây dựng đi cả”.
Chính vì lẽ đó, ông đã quyên góp toàn bộ tài sản của mình cho việc từ thiện với hi vọng cải thiện đời sống của con người và giúp xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Chuck Feeney khao khát hoàn thành tâm nguyện của mình đó là “cho đi khi còn đang sống” và “không nợ nần, không vướng bận gì khi nhắm mắt xuôi tay”.
Với những hành động cao thượng của mình, Chuck Feeney đã khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều tỷ phú khác trên thế giới cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện, điển hình như Bill Gates và Warren Buffett.
Charles Feeney hiện đã 91 tuổi. Dù hiện tại gần như “tay trắng” nhưng ông tiết lộ bản thân mình hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào. Trong bốn thập kỷ qua, người đàn ông này đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện, trường đại học và các quỹ trên toàn thế giới. Nói cách khác, tỷ phú Chuck Feeney đã cho đi 99% số tài sản mà mình sở hữu. Với những đóng góp to lớn và thầm lặng đó, Forbes đã gọi ông là James Bond của Lòng từ thiện.