Dân thành thị “đỏ mắt” tìm kiếm căn hộ xanh
Khi thành phố “khát” màu xanh
Covid-19 xuất hiện như một cơn lốc và đã tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong hành vi, tâm lý con người. “Cuộc chơi” mới trong thị trường bất động sản lên ngôi, xướng tên các sản phẩm bất động xanh, gần gũi với thiên nhiên.
Thực ra, cũng không phải đến khi Covid-19 xuất hiện thì người dân mới tìm kiếm đến những không gian xanh và rộng rãi mà đây luôn là niềm khao khát của bất cứ người dân nào tìm kiếm một không gian sống. Chỉ có điều, Covid-19 tựa như một “chất xúc tác” khiến con người ta dám “xuống tiền” vì một không gian đáng sống nhiều hơn.
Chị Trần Diệp, 40 tuổi, hiện đang ở Đê La Thành, Hà Nội cho biết, đầu năm nay, vợ chồng chị vừa dồn tiền để lấy một căn chung cư ở ngoại thành Hà Nội với không gian thoáng đãng, xung quanh có nhiều công viên xanh, bể bơi và có cả bãi biển nhân tạo. “Trước đây, khi tìm mua nhà, chúng tôi đã ưu tiên khu vực trung tâm thành phố vì nghĩ cứ ở gần bệnh viện, trường học, trung tâm mua sắm… là thuận tiện. Nhưng ở trong phố rồi mới lại thấy bí bách, thấy thèm không gian xanh và không khí trong lành. Vì vậy, dù chưa đủ tiền mua căn hộ chung cư này nhưng vợ chồng tôi đã vay mượn thêm người thân, ngân hàng… để kiếm một nơi chốn nghỉ ngơi những ngày cuối tuần” – chị Diệp chia sẻ.
Thực tế, ngày càng nhiều người dân có nhu cầu và tìm kiếm một nơi ở có nhiều không gian xanh và rộng rãi như vợ chồng chị Trần Diệp, nhất là những người dân đang sinh sống ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn về tâm lý người tiêu dùng bất động sản năm 2022 mới đây, trong hơn 1.000 mẫu khảo sát, có 3/5 số người được khảo sát cho rằng, nhu cầu về không gian xanh đang ngày càng tăng; 3/4 số người được khảo sát cho biết, muốn mua thêm bất động sản thứ hai về không gian xanh. Đặc biệt, nhu cầu bất động sản xanh tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội được lựa chọn nhiều và dự báo sẽ tăng nhanh trong tương lai, tiếp đó là các tỉnh giáp ranh của 2 khu vực này.
Cũng theo khảo sát này, có 61% người được khảo sát cho rằng, người mua nhà sẽ mong muốn sống gần không gian xanh, khu vực có công viên, cây xanh, sân chơi, phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt, 45% người được khảo sát cho biết muốn chuyển ra ngoại ô và khu vực vắng vẻ để sinh sống. Tỷ lệ này cao hơn ở nhóm người lớn tuổi, đã lập gia đình và có thu nhập khá trở lên.
Có thể thấy rằng, xu hướng sống trong không gian xanh của người Việt Nam không có gì đặc biệt và lạ lẫm so với xu hướng chung trên thế giới. Tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa đang ngày càng cao, tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển dân số tại các thành phố lớn khiến các dự án cao tầng mọc lên như nấm. Cùng với đó, quỹ đất ngày càng thu hẹp dần, không gian sống cũng bị hạn chế lại và ô nhiễm không khí thì gia tăng… Chính những yếu tố đã thôi thúc giấc mơ về không gian xanh, đô thị xanh, văn phòng xanh, trường học xanh… của người dân Việt Nam.
Giá bị đẩy cao vì số lượng khiêm tốn
Nếu trước đây, nhà là nơi “an cư lạc nghiệp” thì nay, người dân lại khá chú trọng đến chất lượng của không gian sống với không gian tươi mới, bầu không khí trong lành… những yếu tố đó trở thành thước đo giá trị cuộc sống thay vì những tiện nghi cao cấp, phố xá tấp nập.
Người mua nhà và giới đầu tư bất động sản có xu hướng tìm kiếm các dự án bất động sản gần sông, núi, biển, cận thiên nhiên… để sinh sống và nghỉ dưỡng hay đầu tư. Tuy nhiên, phải nói rằng, người dân sinh sống tại các thành phố lớn “đỏ mắt” đi tìm những không gian sống xanh như vậy. Loại hình bất động sản xanh tại các thành phố lớn trở thành hàng hiếm, đẩy giá cao vút. Song song với đó, việc thiết kế, xây dựng một công trình xanh đòi hỏi chi phí đầu tư cao, thiết kế đòi hỏi sự đầu tư, thi công phức tạp, thủ tục quy trình thẩm định nghiêm ngặt… nên cũng làm nản lòng nhiều chủ đầu tư.
Theo thống kê của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), hiện số lượng tòa nhà sở hữu chứng nhận xanh tại Việt Nam mới chỉ có 201 toà. Đó là các dự án có ánh sáng tự nhiên, cây xanh, mặt nước hài hoà, không khí trong lành. Có thể thấy, đây là một con số khiêm tốn trên thị trường bất động sản.
Điều đáng nói, theo các chuyên gia cho biết, nhiều dự án bất động sản xanh rơi vào tình trạng chủ đầu tư bỏ ra chi phí cao để đầu tư không gian sống song đến khâu vận hành, đơn vị quản lý cũng như người sử dụng lại vì lí do nào đó mà không vận dụng hết các yếu tố xanh này cho không gian sống. Đây là một điều vô cùng lãng phí khi mà một số chủ đầu tư đã cố gắng làm “xanh hoá” sản phẩm bất động sản.
Cần phải hành động “xanh hoá” ngay từ bây giờ
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đưa nội dung thúc đẩy phát triển các loại hình công trình này vào các cam kết quốc tế, luật, chương trình phát triển…Được biết, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng khí thải nhà kính so thông thường là 9% và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản nhấn mạnh, dự án bất động sản xanh không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh, mà phải tổng hòa nhiều yếu tố: Công trình có khí trời nhiều, ánh sáng tự nhiên nhiều hơn là sử dụng năng lượng; hay năng lượng sử dụng phải bằng thiết bị tiết kiệm, không tạo độ thải ra môi trường… Vật tư gần gũi với thiên nhiên, ít khói bụi...
Để đạt được điều này, bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Hà Nội cho rằng, việc phát triển xanh là hướng đi bền vững với ngành bất động sản. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự tham gia tích cực từ nhiều phía cũng như phải có chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi. Và để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu chung về biến đổi khí hậu, bắt kịp xu hướng của toàn cầu thì các nhà phát triển, chủ đầu tư, nhà quản lý, người dân… cần phải hành động “xanh hóa” không gian ngay từ bây giờ.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy tốc độ xanh hoá bất động sản, chúng ta cần phải chuẩn hó các tiêu chí xanh cho lĩnh vực này. Tiếp đó, cần có chính sách ưu đãi như giảm thuế sử dụng đất hoặc các chương trình ưu đãi dành cho các chủ đầu tư muốn phát triển theo hướng này. Đồng thời, cho phép từng địa phương được phát triển các lợi thế xanh của riêng mình để hài hòa nhất cho từng địa phương đó. Cần có thêm các chương trình truyền thông và tương tác với người sử dụng để họ nắm rõ các yếu tố xanh và cách sử dụng hoặc tận dụng những yếu tố đó trong quá trình sử dụng.