Đại biểu Quốc hội: Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ nhiều bất cập
BÀI LIÊN QUAN
6 điểm nổi bật trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông quaDoanh nghiệp kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) giúp phục hồi thị trườngQuốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổiLuật thông qua đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân
Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp bất thường 5, Quốc hội khóa XV ngày 18/1/2024, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự hài lòng khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ biểu quyết tán thành trên 87%.
Bên hành lang quốc hội, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) chia sẻ - kỳ họp bất thường lần này thêm lần nữa khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác chuẩn bị. Kết quả Kỳ họp sau 3,5 ngày làm việc nghiêm túc đã đáp ứng nội dung và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Trong đó vấn đề được dư luận quan tâm nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua.
“Đây là dự án luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, rất cụ thể nhằm làm rõ thêm những vấn đề còn chồng chéo, bất cập trước khi các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Trải qua các bước lấy ý kiến, thảo luận, Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra và đạt được sự đồng thuận cao (432/477 Đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành). Tôi tin rằng, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này sẽ giải quyết được những vướng mắc, khó khăn từ thực tế để làm sao hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất”, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất cập như vấn đề xác định giá đất. Các quy định về công tác quản lý, trách nhiệm các địa phương, của Bộ, ban, ngành cũng rõ ràng hơn.
“Sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua Chính phủ sẽ cụ thể hoá việc thực thi bằng các Nghị định cùng với những Thông tư hướng dẫn của một số Bộ ngành để Luật Đất đai sửa đổi sớm được triển khai, áp dụng và đáp ứng sự kỳ vọng cho nhân dân”, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ bày tỏ.
Cần cụ thể hoá Luật đúng, đủ và sát thực tiễn
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) đánh giá, việc thông qua Luật đất đai (sửa đổi) sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thực tế hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi đang thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên thực tiễn vừa qua cho thấy cơ chế chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa đầy đủ, thiếu động bộ dẫn đến rất khó khăn cho địa phương trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất.
“Các nội dung mới trong Luật Đất đai sửa đổi đã tạo cơ chế thuận lợi cùng những hành lang pháp lý rõ rang giúp các địa phương vùng cao sắp xếp, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào tốt hơn, thúc đẩy nâng cao đời sống bà con và phát triển kinh tế xã hội”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận bày tỏ.
Cùng thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) nêu quan điểm: Các phương pháp tính giá đất trong Luật Đất đai sửa đổi đã giải quyết tối đa được những bất cập trong thực tiễn cũng như định hình những vấn đề phát sinh trong tương lai. Tới đây khi áp dụng, từ những dữ liệu về giá đất sẽ được đồng bộ trong các cơ sở dữ liệu về đất đai. Như vậy, quá trình định giá đất sẽ ngày càng đơn giản hoá, ngay cả việc định giá đất được thực hiện qua quá trình đấu giá cũng sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu một cách công khai để cả cơ quan quản lý và người dân cập nhật, nắm bắt đầy đủ.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) thì các văn bản dưới luật cần được cụ thể hóa để sao cho đúng, đủ, sát với các quy định trong luật. Đây sẽ là những thách thức đối với Chính phủ và các cơ quan cấp quản lý để đáp ứng được yêu cầu khi triển khai rộng rãi.
“Việc đồng bộ các quy định cũ và mới cũng như phổ biến Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua đến các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng những đối tượng liên quan đến lĩnh vực đất đai cũng là vấn đề nan giải nên cần có lộ trình. Bên cạnh việc tin tưởng những khó khăn, bất cập sớm được giải quyết, tôi mong rằng, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì các văn bản dưới luật cũng phải được cụ thể hóa để sát với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, công tác quản lý. Đây được coi là những thách thức đối với Chính phủ và các cơ quan cấp quản lý để giúp Luật Đất đai (sửa đổi) sớm vào áp dụng trong thực tiễn cuộc sống”, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nói thêm.
Theo các Đại biểu Quốc hội, những điểm nổi bật của Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nổi bật là các quy định về quy hoạch, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó nêu rõ tăng cường công khai, minh bạch với sự tham gia, lấy ý kiến của người dân.
Về thu hồi, Luật Đất đai sửa đổi nêu rõ phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về vấn đề giao đất, cho thuê đất, Luật Đất đai sửa đổi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cũng như quy định các trường hợp như thế nào sẽ được giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.