Cuộc đào thải khốc liệt của thị trường bất động sản vẫn đang tiếp diễn
Theo Vietnambiz, từ số liệu của Tổng cục Thống kê trong 10 tháng đầu năm nay trên cả nước đã có tổng cộng 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, trở thành ngành có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất cả nước. Ngược lại, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới trong ngành là 3.850 doanh đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn căng thẳng nhất nhưng những khó khăn vẫn tồn tại và hiện hữu. Điều này đã cho thấy kết quả kinh doanh và tín hiệu kém khả quan của các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) đã có thông báo về việc đang hoàn tất thủ tục giải thể 8 công ty con, gồm: CTCP Đầu tư Bất động sản Miền Đông, Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Nam Bộ, công ty TNHH Đất Xanh Finance, Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Phước, Đầu tư Diamond Tower, Đầu tư Ruby Tower, Đầu tư Sapphire và Đầu tư Emerald Tower.
Những công ty này đều do Tập đoàn Đất Xanh nắm giữ nguồn vốn điều lệ đến 99 – 100%. Sau khi hoàn tất thủ tục giải thể số lượng công ty con của Đất Xanh sẽ giảm từ 86 đơn vị xuống còn 78 đơn vị. Bên cạnh việc đóng lại các công ty con thì công ty này cũng mạnh tay cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Tính đến ngày 30/9/2023, số lượng nhân viên của công ty còn 2.484 người, giảm 1.289 nhân sự so với thời điểm đầu năm nay.
CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, Mã: DXS) là công ty con chuyên phụ trách hoạt động môi giới cho Đất Xanh Group cũng có sự điều chỉnh về mặt nhân sự. Tính đến ngày ngày 30/9/2023, công ty đã cắt giảm hơn 1000 nhân sự và chỉ còn 2.249 nhân viên, giảm 4.100 người so với cùng kỳ năm 2022.
Một công ty bất động sản khác cũng gặp phải rất nhiều khó khăn là Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland, Mã: NVL), trước những khó khăn của tình hình chung tập đoàn này đã cắt giảm 315 người so với đầu năm (1.404 người) và giảm 676 người so với cuối năm 2021.
Đại diện Novaland cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những khiếm khuyết của mình trong vận hành và trong chiến lược đầu tư về phân khúc sản phẩm. Chúng tôi đang nỗ lực tái cơ cấu lại danh mục dự án, quỹ đất và tình hình tài chính để hồi phục và phát triển bền vững”.
Hay mới đây, CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) địa chỉ trụ sở chính tại phường Bến Thành, quận 1 (TP HCM) đã thông báo về việc cơ cấu lại toàn bộ bộ máy nhân sự. Doanh nghiệp cho biết vì nguồn tài chính của công ty khó khăn, không có nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên nên phải có những thay đổi nhất định.
Do đó, để giải quyết các tình hình đang tồn đọng thì Hội đồng quản trị đã thống nhất việc cơ cấu, tổ chức lại bộ máy tinh gọn hơn, chỉ giữ những nhân sự chủ chốt và có năng lực để củng cố công ty trong giai đoạn sắp tới.
Đại diện doanh nghiệp cho biết: “ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc. Thời gian nghỉ việc không lương của cán bộ, nhân viên Công ty HDTC từ ngày 26/11/2023 đến khi có thông báo mới”.
Sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải giải thể
Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Trong đó, một số dự án mới được chủ đầu tư công bố ra thị trường, doanh nghiệp bất động sản cũng vượt qua thời điểm căng thẳng nhất. Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn chứng kiến sự đóng cửa khoảng 107 doanh nghiệp.
Đối với các sàn giao dịch bất động sản, thống kê của VARs cho thấy khoảng 20% các sàn đối diện với nguy cơ giải thể, 40% sàn hoạt động với nhân sự chủ chốt để cố gắng cứu vãn tình hình hi vọng vào sự phục hồi ở thời điểm cuối năm.
Đơn vị này đánh giá: "Trong giai đoạn cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua”.
Thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cùng nhau thảo luận, bàn bạc đưa ra những chính sách để ổn định vĩ mô, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản phục hồi, khai thông các dự sán còn dang dở. Hiện nay, trên cả nước còn tồn đọng khoảng 1.200 dự án với tổng giá trị phát triển 30 tỷ USD. Tại địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 500 dự án đang được xem xét, tìm phương án tháo gỡ.
Theo ý kiến của đa phần các doanh nghiệp những biện pháp hỗ trợ chưa thật sự hiệu quả để vực thị trường dậy. Muốn thị trường phục hồi thì Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần phải có thêm những động thái mạnh tay hơn nữa. Đặc biệt, khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho những dự án đang được xây dựng dang dở.
Theo ước tính của các đội ngũ phân tích trên thị trường, áp lực nợ của nhóm bất động sản có thể được đẩy lùi từ giai đoạn cuối năm nay sang đầu năm 2024. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã công bố giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn (nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn) nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh vào năm sau. Do đó, các doanh nghiệp có thể kì vọng vào những tín hiệu khả quan trên thị trường.