meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Cô gái Hà Nội bị lừa 100 triệu đồng qua mạng: Thủ đoạn đơn giản nhưng tinh vi

Thứ năm, 17/03/2022-09:03
“Họ gửi cho tôi một đường link, mỗi đường link là một sản phẩm bất kỳ. Khi tôi click vào đường link đó, tôi sẽ phải thanh toán tiền cho một tài khoản lạ. Ví dụ, món hàng đó có giá trị 30 triệu, tôi sẽ phải gửi vào tài khoản đó 30 triệu…” nạn nhân cho biết.

Bị lừa mất 100 triệu trong phút mốt

Chị Lương (26 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn là một nhân viên văn phòng. Công việc thoải mái, nhiều thời gian rảnh nên chị muốn tìm thêm công việc để gia tăng thu nhập. Thấy trên facebook có bài đăng “tuyển dụng cộng tác viên của trang thương mại điện tử Shopee” với mức lương bình quân 4-8 triệu/tháng, chị ngay lập tức gửi thông tin cá nhân cho một người tên Thu Huyền để đăng ký tài khoản.

Sau đó, công việc của Lương là nhận 5 đơn hàng mỗi ngày để thanh toán và hưởng hoa hồng, nhận 5-15% giá trị đơn. Các đơn này đều là ngẫu nhiên, có thể là váy áo, giày dép, nước hoa… giá trị dao động từ 400.000 đồng đến 3-4 triệu. Tuy nhiên, cũng có những đơn xe máy, máy hút bụi, sofa có giá trị lên tới vài chục triệu đồng. 


Người tham gia phải đặt mua, thanh toán tiền cho các sản phẩm chỉ định, sau đó sẽ được hoàn lại tiền thanh toán và tiền hoa hồng
Người tham gia phải đặt mua, thanh toán tiền cho các sản phẩm chỉ định, sau đó sẽ được hoàn lại tiền thanh toán và tiền hoa hồng

“Họ gửi cho tôi một đường link, mỗi đường link là một sản phẩm bất kỳ. Khi tôi click vào đường link đó, tôi sẽ phải thanh toán tiền cho một tài khoản lạ. Ví dụ, món hàng đó có giá trị 30 triệu, tôi sẽ phải gửi vào tài khoản đó 30 triệu…” nạn nhân cho biết. 

Sau khi gửi tiền đến số tài khoản mà hướng dẫn viên cung cấp, sau vài phút họ sẽ hoàn tiền lại, bao gồm cả tiền gốc và tiền hoa hồng tùy theo từng món. Chị Lương thanh toán 3 đơn đầu tiên có giá trị thấp, được hoàn tiền nhanh chóng. Sau khi lãi được vài trăm nghìn, chị Lương thấy uy tín nên muốn làm nhiều hơn. 

Đến đơn thứ 4, giá trị đơn hàng ngày càng cao, hướng dẫn viên bắt chị thanh toán 3 đơn một lúc. Một đơn gần 4 triệu, một đơn hơn 20 triệu, một đơn hơn 62 triệu, tổng là hơn 86 triệu đồng. Dù có chút nghi ngờ, chị vẫn cố rút hết tiền trong tài khoản tiết kiệm để gửi đi. Sau khi thanh toán 62 triệu, hướng dẫn viên từ chối trả tiền gốc và hoa hồng vì “ghi sai nội dung, hệ thống không thể tiếp nhận”. Chị Lương lúc này mới tá hỏa vì mất 62 triệu trong nháy mắt.

Sau đó, hướng dẫn viên yêu cầu chị tiếp tục thanh toán hóa đơn 62 triệu để được hoàn trả. Người hướng dẫn nói rằng: “Nếu bỏ ngang nhiệm vụ, chị sẽ bị bảo lưu tiền đã gửi. Sau 12 tháng, chị đến trụ sở công ty, cầm theo giấy tờ để nhận lại tiền”. Sợ bị mất hết nên chị Lương vay tiền bạn bè, đồng nghiệp, tiếp tục gửi lại 62 triệu để mong được hoàn trả 86 triệu trước đó. Sau khi chuyển tiền, hướng dẫn viên nói chị không được hoàn trả vì “không đủ sự tín nhiệm”. Nếu muốn hoàn, chị phải tiếp tục làm nhiệm vụ giá trị cao hơn.


Nhiều đối tượng còn giả danh các trang thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada, Sendo để đăng bài tuyển dụng
Nhiều đối tượng còn giả danh các trang thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada, Sendo để đăng bài tuyển dụng

Biết mình đã bị lừa, chị Lương lên mạng cảnh cáo với mọi người. Điều đáng nói, không chỉ riêng chị Lương mà rất nhiều người khác đã mắc bẫy chiêu lừa đảo này của các đối tượng giả danh người của bên Shopee. Cụ thể, chị A. (21 tuổi, ở Hà Nội) ngày 1/3 cũng nhận được lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng ảo của Shopee với 10% hoa hồng cho mỗi đơn hàng. 

Sau khi thanh toán được 5 đơn, chị bị hướng dẫn viên thông báo chuyển khoản sai nội dung, phạt thêm 2 đơn nữa mới được rút tiền. Trước đó, chị A. đã thanh toán hơn 50 triệu đồng, khi bị “phạt” thêm đơn 67 triệu nữa, chị A. nghi ngờ mình bị lừa nên đã tới Công an phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm trình báo vụ việc. 

Thủ đoạn đơn giản nhưng tinh vi, đánh vào tâm lý nhiều người

Thời điểm hiện tại, trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều bài viết đăng tuyển CTV việc nhẹ lương cao tại nhà. Nhiều đối tượng còn giả danh các trang thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada, Sendo để đăng bài tuyển dụng. Chưa dừng lại ở đó, nhóm người lừa đảo này còn nhắn tin vào số điện thoại, tự xưng là giám đốc Marketing hoặc nhân viên của các trang trên, tuyển dụng cộng tác viên tham gia mua hàng ảo trên các trang web giả mạo.

Người tham gia phải đặt mua, thanh toán tiền cho các sản phẩm chỉ định, sau đó sẽ được hoàn lại tiền thanh toán và tiền hoa hồng. Với những đơn hàng ít tiền ban đầu, người tham gia sẽ được hoàn lại nhanh chóng; nhưng tới những đơn có số tiền lớn chục triệu, trăm triệu, họ sẽ không được hoàn trả nữa. 

Chia sẻ về vụ việc, đại diện Shopee khẳng định bên mình không có chương trình tuyển dụng cộng tác viên. Cụ thể, đại diện Shopee chia sẻ với PV Doanh nghiệp & Tiếp thị cho biết: “Các đối tượng giả danh nhân viên của sàn để đi lừa đảo. Tinh vi hơn, họ còn giả mạo con dấu, chữ ký của giám đốc điều hành trong các bản cam kết thanh toán hoa hồng, giấy phép đăng ký kinh doanh,... hòng lấy lòng tin của người bị hại để trục lợi bất chính.
Phía sàn thương mại điện tử đã ra cảnh báo người dùng về các trường hợp lừa đảo nạp tiền, hưởng hoa hồng. Theo đó, người dùng cần cẩn trọng trước những tin nhắn đáng ngờ chứa nội dung mạo danh tuyển dụng.

Chúng tôi khuyến cáo người dùng nhanh chóng báo cáo với Shopee hoặc công an khi nhận thấy hoạt động đáng ngờ. Hiện chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xử lý nhiều vụ việc mạo danh tương tự”.


Luật sư Phan Kế Hiền, Công ty Luật Bảo Tín
Luật sư Phan Kế Hiền, Công ty Luật Bảo Tín

Trước đó vào ngày 12/3, Công an TP Hà Nội lên tiếng cảnh báo người dân về những vụ lừa đảo trên mạng xã hội, hình thức là tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng trên Shopee. Cơ quan công an cũng nhiều lần cảnh báo người dân cần tỉnh táo, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. 

Thủ đoạn của các đối tượng này là giả mạo nhân viên của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…, sau đó đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online. Tiếp đến, các đối tượng này yêu cầu CTV phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc và cả tiền hoa hồng. Khi CTV chuyển tiền, họ sẽ không nhận lại tiền như đã “trao đổi” trước đó. Điều đáng nói, những sản phẩm CTV phải thanh toán đều có giá trị rất lớn. 

Đánh vào tâm lý “việc nhẹ lương cao” cùng hoa hồng hấp dẫn đã khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. Vì thế, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh những hành vi lừa đảo. Nếu muốn làm CTV cho các công ty, doanh nghiệp hay các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cần phải tìm hiểu thật kỹ càng, kiểm tra rõ ràng các thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau. Khi phát hiện các trường hợp lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý những đối tượng này. 

Trao đổi với phóng viên PV Doanh nghiệp & Tiếp thị, luật sư Phan Kế Hiền - Công ty Luật Bảo Tín cho biết, những kẻ lừa đảo thường đánh thẳng vào tâm lý ham muốn kiếm tiền nhanh, nhiều của người dân để thực hiện hành vi của mình.

Luật sư Hiền cho biết: “Lợi dụng tình hình dịch bệnh, sự khó khăn và trình độ nhận thức của một số người mà những kẻ xấu đã và đang cố tình thực hiện hành vi lừa đảo với thủ đoạn tinh vi qua mạng xã hội, khiến nhiều người mất tiền.

Trường hợp người dân đã trót tham gia vào hệ thống lừa đảo và biết mình bị lừa thì hãy dừng việc chuyển thêm tiền vào bất kỳ tài khoản nào. Sau đó, người dân hãy thu thập, sao chụp các tài liệu, giao dịch, sao kê tài khoản, tin nhắn, hay cuộc gọi đã thực hiện với kẻ lừa đảo để mang đến cơ quan có thẩm quyền trình báo”. 

Tùy thuộc theo số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt, những người này sẽ phải chịu hình phạt hành chính và hình sự tương ứng. Theo quy định tại khoản 1,2 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính, những đối tượng có hành vi dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị phạt tiền mức thấp nhất là 2 triệu đồng và mức cao nhất là 5 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, người lừa đảo có thể phải đối mặt với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Nếu giá trị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hoạt động M&A bất động sản sẽ có một cuộc sàng lọc lớn

Cao tốc Nam Định - Thái Bình dài hơn 60km sẽ khởi công vào thời điểm nào?

Quảng Ninh quy hoạch cả hòn đảo làm khu du lịch nghỉ dưỡng

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

Đường Vành đai 2: TPHCM bồi thường theo giá đất mới, tối đa 111 triệu đồng/m2

Vì sao Long An thông báo dừng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án NOXH?

Bình Dương: Khu dân cư nghìn tỷ sắp "hồi sinh" sau nhiều năm bị cơ quan chức năng "tuýt còi"

"Ông lớn" bán lẻ Nhật Bản rót 35 triệu USD xây TTTM tại Hà Nam

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

1 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

3 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

4 ngày trước