Cơ điện lạnh (REE), Công ty Nhơn Trạch 2 (NT2) tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhờ giá điện tăng mạnh
BÀI LIÊN QUAN
GDP quý II/2022 tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong một thập kỷQuý II/2022: Doanh thu của Hải An là 963 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳLợi nhuận tăng trưởng nhờ giá điện tăng
Theo thống kê kết quả kinh doanh quý 2 năm nay về nhóm các doanh nghiệp ngành điện đã ghi nhận điều tín hiệu tích cực, khả quan.
Trong đó, tại quý này, lợi nhuận sau thuế của Công ty Nhơn Trạch 2 (NT2) dự kiến đạt khoảng 160 tỷ đồng; trong khi đó cùng kỳ năm trước là 24,5 tỷ đồng. Kết quả quý 2/2022 của Nhơn Trạch 2 khá khả quan nhờ giá bán trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh so với cùng kỳ đã tăng 27%. Bên cạnh đó, sản lượng Qc so với cùng kỳ cũng đã tăng hơn 40%.
Tương tự, Cơ điện lạnh (REE) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong quý 2 năm nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 690 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 80%. Trong khi đó, mảng kinh doanh điện dự kiến tăng khoảng 300%, mảng cấp nước đi ngang so với cùng kỳ. Dự kiến, mảng văn phòng cho thuê có thể tăng trưởng 12%, bù lại mức giảm 42% so với cùng kỳ trong mảng M&E.
Trong nhóm tăng trưởng ngành điện còn có EVNGenco3 (PGV). Cụ thể, sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống có sản lượng điện đạt 133,9 tỷ kWh. Bình quân 6 tháng đầu năm giá thanh toán toàn phần (FMP) cao hơn so với cùng kỳ, đáng chú ý thời điểm giá FMP cao nhất là vào tháng 4 với 1.792,82 đồng/kWh. Sau khi lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất điện của công ty mẹ ước đạt 22.176 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 20%. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành được 50,28% kế hoạch năm đã đề ra.
Không được “suôn sẻ” như các doanh nghiệp trên, PV Power (POW) lại ghi nhận những con số giảm sút so với cùng kỳ. Nửa đầu năm nay, doanh thu của đơn vị này ước đạt 14.865 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.159 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã giảm 19%. Lý giải về kết quả này, theo ban lãnh đạo của PV Power, doanh nghiệp đã đối mặt với khá nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay, thậm chí có nhiều biến động còn nằm ngoài dự báo của doanh nghiệp.
Cụ thể, cuộc xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu và khí tăng phi mã. Nguyên nhân bởi, Nga chính là một trong những quốc gia cung cấp dầu, than và khí đốt lớn nhất trên thế giới. Giá cả đẩy lên cao đã ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy nhiệt điện của PV Power. Bên cạnh đó, thời tiết và thủy văn trong nửa đầu năm 2022 cũng diễn biến phức tạp. Miền Bắc mưa giông liên tục, lượng nước tăng cao hơn so với mọi năm khiến cho thủy điện Hòa Bình và Sơn La phải xả 5 cửa.
Thời điểm hiện tại, điều kiện thủy văn đang khá thuận lợi khi La Nina kéo dài. Chính vì thế, EVN kỳ vọng sản lượng của các công ty thủy lợi tăng lên sẽ nâng huy động thủy điện. Ngoài ra, các công ty thủy điện trong bối cảnh giá than và giá khí tăng mạnh sẽ có được lợi thế giá huy động thấp hơn hẳn điện than và điện khí khi chi phí đầu vào của nhiệt điện than và tua bin khí.
Thời điểm hiện tại, giá điện và giá than tăng kéo theo giá điện thị trường cũng đang tăng. Năm 2019, giá điện thị trường trung bình là 1.208 đồng/kWh, sang 2020 là 886 đồng/kWh, năm 2021 là 1.006 đồng/kWh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, có thời điểm giá điện thị trường đã tăng đến 2.000 đồng/kWh.
Nửa cuối năm liệu có tiếp tục khởi sắc?
Viện nghiên cứu thời tiết và xã hội của Mỹ (IRI) dự báo rằng, trong tháng 7, tháng 8 tới, khả năng xảy ra La Nina có thể suy yếu; đến tháng 9 trở đi sẽ mạnh trở lại với xác suất ở mức quanh quẩn 60%. Trong mùa mưa năm nay, tỷ lệ này khá cao và có thể gây ra mưa nhiều ở khu vực trung tâm phía Tây Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam.
Báo cáo mới nhất từ VCBS cũng cho thấy, thủy điện từ cuối tháng 5 cho tới nửa đầu tháng 6 ở nước ta đã liên tục được huy động; trong giờ cao điểm buổi trưa tới 50% và công suất trong giờ cao điểm buổi tối lên đến 90% khi không còn đóng góp bởi điện mặt trời. Khi mùa mưa quay trở lại, các công ty có các nhà máy thủy điện ở khu vực Bắc bộ tới Bắc Trung Bộ được hưởng lợi lớn, bao gồm: REE, Thủy điện miền Trung (CHP), Thủy điện Thác Bà (TBC), Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH)…
Ngược lại, ảnh hưởng của nhiên liệu đầu vào và các nguồn khác phát điện tốt hơn dự kiến có thể khiến doanh nghiệp nhiệt than và khí trong thời gian tới có tình hình kém khả quan hơn. Trong 4 tháng đầu năm giá bán trên thị trường điện cạnh tranh đã liên tục tăng mạnh. Đáng chú ý, giá trần thị trường điện tăng lên cao nhất trong lịch sử với 1.602 đồng/kWh, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 6,6%.
Không chỉ nhiệt điện, năng lượng tái tạo cũng đã lấy đi hơn 10% thị phần của nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Trong giai đoạn 2019 – 2021, sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam đã tăng gấp hơn 6 lần. Không những thế, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản lượng điện toàn hệ thống cũng đã tăng lên đáng kể; từ mức 2,5% vào năm 2019 cho đến 13,8% trong 5 tháng đầu năm 2022.