Chuyên gia cảnh báo những rủi ro sẽ đến với thị trường bất động sản trong năm 2022
Mới đây, tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng Giám đốc enCity đã đưa ra những nhận định về cơ hội và thách thức của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo ông Dũng, Việt Nam đang đứng trước bốn cơ hội, bao gồm:
- Thứ nhất, Việt Nam hiện nay đang rất phát triển về bất động sản công nghiệp khi phân khúc này đã thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là xu hướng bền vững nhờ sự chuyển dịch từ Trung Quốc và hệ thống hạ tầng tại Việt Nam ngày càng phát triển đồng bộ, lực lượng lao động dồi dào với giá hợp lý.
- Thứ hai, các dự án đầu tư công như đường Vành đai 4, Vành đai 3 sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của bất động sản khu vực.
- Thứ ba, dịch bệnh và xu hướng đầu tư đã tác động lên sự đô thị hóa vùng ven: “Pháp lý mở cơ hội để tái thiết đô thị 2.000 chung cư cũ cần được cải tạo ở Hà Nội và TP.HCM tương tương với 500ha quỹ đất. Như vậy, chúng ta cần nhiều hơn các quỹ đất trống trong khu vực thành phố lớn”.
- Thứ tư, ngay trong thời điểm đại dịch bùng phát, nhu cầu sống xanh đã trở thành xu hướng. Theo khảo sát, 61% dân số thành phố có nhu cầu sống trong không gian trong lành, có sân vườn; 45% dân số muốn sinh sống tại các khu vực ngoại ô, nơi ít dân cư.
Cùng với đó, theo ông Dũng, thị trường bất động sản phải đối mặt ba thách thức lớn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian này, bao gồm: Một là, về mặt pháp lý, những khu đất chờ được đổi mới vẫn đang phụ thuộc vào quy hoạch; Hai là, Chính phủ đã mở cửa du lịch quốc tế kể từ ngày 15/3, tuy nhiên tâm lý người dân vẫn còn e ngại dịch bệnh. Tâm lý này khiến sự phát triển của ngành du lịch ít nhiều bị cản trở. Ba là, xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu khiến chuỗi cung ứng, logistics bị gián đoạn, đứt gãy mà chưa kịp hồi phục hậu Covid - 19.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đưa ra một vài thách thức: “Nguồn cung trên thị trường chưa thể hồi phục ngay trong thời gian này; Giá nhiên liệu, năng lượng đang tăng thẳng đứng; Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại thị trường TPDN (sửa đổi Nghị định 153); Nhiều cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng giá không lành mạnh; Giá bất động sản ở hầu hết các khu vực trên cả nước đều tăng; Thông tư 16/TT-NHNN tín dụng vào trái phiếu bất động sản; Chương trình đánh thuế bất động sản”.
Theo ý kiến của TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): “Sự hồi phục và phát triển thị của trường bất động sản Việt Nam là chỉ dẫn quan trọng trong quá trình hồi phục chung của nền kinh tế. Chúng ta đang rơi vào tình thế của các tác động kép, gây nhiều bất lợi trong bối cảnh đại dịch chưa qua, chiến tranh đã đến. Rủi ro kép này thể qua hai phương diện: rủi ro về thị trường và rủi ro về pháp lý”.
Để giải quyết vấn đề, ông Lộc cho rằng phải đưa ra những giải pháp kép. Mở cửa thị trường là phải mở cửa trong thể chế. Mở cửa bên ngoài lẫn bên trong và thúc đẩy cải cách thể chế; Giải phóng nguồn lực và tháo gỡ những rào cản. Nhằm giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa tinh thần, thúc đẩy quá trình kinh doanh. Những gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ cũng rất quan trọng, nhất là các gói hỗ trợ về thể chế nhằm giải phóng các nguồn lực và thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.