Chứng khoán Mỹ lao dốc hai phiên liên tiếp, cổ phiếu dầu khí đi lên theo giá dầu
BÀI LIÊN QUAN
Sắc xanh trở lại với chứng khoán Mỹ: Dow Jones tiếp tục tăng mạnh, "lấy lại" tổng cộng gần 1.400 điểm trong 2 ngàyDow Jones bật tăng 765 điểm trong phiên đầu tháng 10, sắc xanh bao trùm chứng khoán MỹChứng khoán Mỹ bị bán tháo trở lại: Dow Jones rớt 458 điểm, S&P 500 về gần mức trước đại dịchTheo Doanh nghiệp và Kinh doanh, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã rớt 347 điểm, tương đương 1,15%, qua đó dừng xấp xỉ ở mức 29.927 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt giảm 1,02% và 0,68%.
Ngay từ khi mở cửa, cả 3 chỉ số đều giao dịch trong sắc đỏ. Đây đã là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ. Nhờ 2 phiên đầu tuần tăng sốc, các chỉ số hiện vẫn cao hơn trên 4% so với tuần trước.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent tiếp tục tăng lên 94,9 USD/thùng, dầu thô WTI tại Mỹ lên gần mốc 89 USD/thùng sau khi OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Theo đó, cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất đi lên trong số 11 ngành thuộc chỉ số S&P 500. Ngược lại, cổ phiếu tiện ích công cộng và bất động sản là những nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất phiên 6/10 khi đều mất trên 3%.
Sau khi hạ nhiệt trong tuần trước, mặt bằng lãi suất đã đi lên trở lại qua đó gây áp lực lên giá cổ phiếu. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm một lần nữa đã vượt mốc 3,8%. Lợi suất kỳ hạn 2 năm - thước đo nhạy cảm với những thay đổi trong chính sách tiền tệ tăng vọt lên trên 4,2%.
Lợi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài cho thấy đường cong lợi suất đang đảo ngược và nền kinh tế có nguy cơ suy thoái trong khoảng 12-24 tháng tới.
CNBC cho biết, nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vào sáng 7/10 (theo giờ Mỹ). Báo cáo này là một trong những thông tin quan trọng mà Fed cần xem xét trước khi quyết định chính sách tiền tệ và nhịp độ nâng lãi suất.
Theo Dow Jones khảo sát, các nhà kinh tế ước tính, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 275.000 việc làm trong tháng qua cũng như tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%. Nếu thị trường việc làm suy yếu, nhà đầu tư có thể sẽ lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, việc thị trường lao động mạnh mẽ cũng không hẳn là thông tin tốt do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ càng có thêm lý do để nâng lãi suất nhằm chống lại lạm phát.
CNBC dẫn lời ông Chris Senyek, Giám đốc Chiến lược đầu tư của công ty phân tích Wolfe Research rằng: “Một lần nữa nhà đầu tư đang mong tin xấu chính là tin tốt”. Đồng thời, ông cho rằng thị trường cổ phiếu Mỹ có thể sẽ tăng mạnh trong một vài phiên, song kịch bản trung hạn vẫn là đi xuống.
Trước đó, ngày 5/10, báo cáo của công ty phân tích thị trường ADP cho thấy thị trường lao động vẫn hoạt động tốt khi đã tạo ra thêm 208 nghìn việc làm tư nhân trong tháng 9, cao hơn mức dự báo của phố Wall.
Trong tuần tới, ngành ngân hàng sẽ chính thức mở màn mùa kinh doanh quý III, khởi đầu là "ông lớn" JPMorgan Chase. Các nhà phân tích tại một số ngân hàng đầu tư như Baird, Credit Suisse và Raymond James đều nhận định rằng ngành ngân hàng sẽ thông báo lợi nhuận khả quan nhờ việc Fed nâng lãi suất mạnh.
Theo bà Lisa Cook, một trong 7 thống đốc của Fed vào ngày 6/10 đã tuyên bố ủng hộ ngân hàng trung ương Mỹ tập trung chống lạm phát bằng cách tiếp tục tăng lãi suất.
Phát biểu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, vị thống đốc này cho rằng, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao hơn nhiều so với mức tiêu thụ dài hạn 2%, quá trình tái lập ổn định giá cả nhiều khả năng sẽ đòi hỏi tiếp tục tăng lãi suất cũng như giữ chính sách thắt chặt trong một thời gian tới cho đến khi chúng ta tin chắc rằng lạm phát đang trên đường trở về với mục tiêu 2%.
Bất chấp một số lo lắng của thị trường tài chính, có thể Fed vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất và có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nếu không phải năm nay thì sẽ vào năm 2023. Ông Reinhart của Dreyfus-Mellon cho hay, Fed đã từng mắc sai lầm, họ không đi đường tắt đón đầu khi áp lực lạm phát mới phình to. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải quyết tâm hơn nếu muốn giải quyết vấn đề lạm phát.
“Vì vậy, suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Chính sách của Fed có thể khiến triển vọng kinh tế xấu đi hơn nữa. Tuy nhiên, họ chỉ mắc sai lầm trong quá khứ, chứ không phải bây giờ. Fed hiện đang cố bắt kịp lạm phát vì họ từng phạm phải sai lầm”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Ngay cả khi số liệu việc làm tháng 9 yếu hơn dự đoán thì nhiều khả năng Fed sẽ không phản ứng gì bởi đây chỉ là dữ liệu của một tháng duy nhất.
Bà Meghan Swiber - chiến lược gia lãi suất tại Bank of America cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến khi thị trường lao động rạn nứt. "Với chúng tôi, điều này có nghĩa là Fed tự tin rằng tăng trưởng việc làm đã chững lại và tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà tăng”, vị chiến lược gia nói.
Trong khi đó, ở diễn biến khác, các nhà phân tích tại JPMorgan Chase đã nâng mức khuyến nghị với cổ phiếu Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse từ “giảm tỷ trọng” lên “trung lập”.
Thời gian gần đây, Credit Suisse đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu khi xuất hiện tin đồn rằng nhà băng này có nguy cơ phá sản và gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu giống như Lehman Brothers hồi năm 2008. Theo đó, giá cổ phiếu Credit Suisse đã xuống đáy lịch sử, thậm chí ban lãnh đạo ngân hàng đã phải lên tiếng trấn an các khách hàng và đối tác lớn.
Ngày 27/10 tới đây, dự kiến Credit Suisse sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III cũng như kế hoạch tái cấu trúc để vượt qua khó khăn. Phía JPMorgan nhận định rằng sau khi tái cơ cấu, Credit Suisse sẽ có giá thị trường tối thiểu khoảng 15 tỷ USD, cao hơn 36% so với vốn hóa 11 tỷ USD hiện nay.