CEO Trần Khắc Lĩnh: Hành trình từ nhân viên môi giới được mệnh danh "thánh vợt" đến ông chủ công ty BĐS uy tín
BÀI LIÊN QUAN
Eric Wu: Từ chàng sinh viên lấy học bổng để đầu tư BĐS đến CEO công ty 3,8 tỷ USDNữ CEO bất động sản chia sẻ: Phụ nữ thành công với nghề là những người vô cùng bản lĩnh, cá tínhChỉ với 4 triệu đồng lập nên công ty BĐS thành công, CEO Vũ Trường Thắng bật mí bí quyết kinh doanh chắc thắng, an toànNhìn lại chặng đường hơn 10 năm đã qua với những tháng ngày bươn chải vất vả, CEO Trần Khắc Lĩnh thẳng thắn thừa nhận, chính bản thân anh cũng không rõ, nếu quay lại khoảng thời gian đó anh có vượt qua được không? Còn hiện tại, với anh, phía trước đang có rất nhiều việc phải làm để tương lai có thể làm được nhiều hơn nữa cho gia đình, xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Từ bỏ đại học danh tiếng để làm công nhân, thợ cây cảnh...
Hơn 10 năm trước, đại học luôn là mơ ước và khát khao đối với nhiều người bởi nó được ví như con đường nhanh nhất để đạt được một công việc ổn định, lương cao. Với anh Trần Khắc Lĩnh cũng vậy, khi anh đỗ Đại học, đó là điều vinh dự cho gia đình.
Thế nhưng, anh lại lựa chọn từ bỏ, phần lớn bởi lúc đó gia đình anh rất nghèo. Tiền trợ cấp sinh viên không đủ để chi trả cho phí sinh hoạt hàng tháng. Họ hàng nhà anh cũng không có điều kiện, cần tiền hỗ trợ sẽ không thể vay là có ngay mà phải mượn bên này, bên kia, mất nhiều ngày.
Ngoài ra, một lý do khác khiến anh Trần Khắc Lĩnh lựa chọn từ bỏ Đại học là vì anh là một người thực tế. Anh Lĩnh nhớ lại, năm thứ nhất khi học ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Quốc gia TP.HCM, hơn 100 sinh viên lớp anh đều hô to: "Bạn là ai, tôi là CEO". Lúc đó, anh Lĩnh nghĩ, cứ học xong 4 năm ở đây mà ra ai cũng là CEO thì vô lý, anh cũng không phủ nhận học đại học, chỉ là với cá nhân anh đi học như vậy thì thật vô nghĩa, lãng phí. Lại cộng thêm nhà nghèo không có tiền đi học, nên ngay từ năm thứ nhất anh Lĩnh đã quyết định bỏ để "lăn lộn với đời".
Sau khi bỏ đại học, Trần Khắc Lĩnh nhận được sự phản đối gay gắt từ gia đình, mẹ khóc, bố ốm, hàng xóm dị nghị. Nhiều người nói anh phũ nhưng anh Lĩnh nghĩ có hiếu với bố mẹ không phải trong ngắn hạn. Vì anh có linh cảm của riêng mình biết cái gì sẽ xảy ra và cái gì quan trọng trong tương lai.
Bỏ học xong anh Lĩnh đi phiêu bạt, làm các công việc chân tay, từ phụ hồ, công nhân bao bì, làm thợ cây cảnh đến nhân viên bưng bê ở nhà hàng, thợ điện nước, gia sư vào buổi tối,...
Vì bỏ học nên Trần Khắc Lĩnh bị hàng xóm bàn tán, xỉa xói vào gia đình mình. "Họ đâu biết tôi có nỗi khổ riêng. Chính vì nhà nghèo, được lăn lộn nhiều nên cuộc sống bóp méo và nắn tôi thành nhiều kiểu", anh Lĩnh bộc bạch. Đến tháng 7/2014, chàng trai quê Thanh Hóa bắt đầu xin việc vào một tập đoàn BĐS và từ đó theo đuổi công việc này.
Hành trình bén duyên với BĐS và danh hiệu "thánh vợt" của Trần Khắc Lĩnh
Nói về lý do lựa chọn BĐS, Trần Khắc Lĩnh cho biết, trước đây, anh đọc báo và biết nhiều người giàu từ BĐS. Nhưng khi nộp đơn xin vào làm ở công ty BĐS, anh Lĩnh lại không suy nghĩ nhiều. Ban đầu anh chỉ muốn chứng minh cho một số người thấy rằng: không bằng cấp, vẫn có thể làm việc trong công ty có tiếng.
Thời điểm đó, anh gửi CV phải đến lần thứ 4 mới được hồi âm. Khi gặp chị nhân sự xin việc, anh Lĩnh chỉ nói rằng: "Em không cần gì, cần mỗi chỗ ngồi. Khi nào em làm được, chị nhận em sau cũng được".
Khi ấy, Trần Khắc Lĩnh rất chăm chỉ, đi làm từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Đến cuối năm 2015, anh may mắn trở thành nhân viên bán số lượng căn hộ nhiều nhất tại một dự án chung cư ở Mỹ Đình.
Từ thành tích tốt ấy, anh Lĩnh được một số công ty BĐS biết đến và dần dần anh quyết định phải trở thành lãnh đạo chứ không làm nhân viên bán hàng nữa. Theo đó, anh Lĩnh lên làm trưởng phòng, giám đốc và vị trí gần nhất trước khi ra mở công ty riêng của anh chính là Phó Tổng giám đốc cho một công ty chuyên bán hàng của Vingroup.
Chia sẻ về thương vụ đầu tiên "chốt" thành công, anh Lĩnh cho hay, phải đến tháng thứ 2 sau khi bước chân vào thị trường BĐS anh mới chốt được hợp đồng đầu tiên. Thời điểm đó, anh bán dự án Royal City, giá tầm gần 4 tỷ một căn trở lên. Người ta thường nghĩ muốn bán được BĐS phải có điều kiện tài chính, nhiều mối quan hệ cũng như kinh nghiệm... Ban đầu, anh Lĩnh cũng nghĩ vậy, nhưng khi làm thực tế, anh nhận thấy đây là một quan điểm không đúng. Vì anh và nhiều người khác đều không có tất cả những yếu tố trên nhưng cuối cùng vẫn chốt được khách hàng.
Cách làm của anh Lĩnh là "vợt" không sót một ai. Một hình thức quen thuộc mà dân sales BĐS hay làm đó là đứng trực dự án, hay còn gọi là "vợt khách". Anh Lĩnh cho biết, nhóm của anh đứng trực ở sảnh R4 của dự án Royal City. "Vì chăm "vợt" nên tôi từng được mệnh danh là "thánh vợt". Bởi tôi vợt từ xe ôm, taxi… đến sếp, người của chủ đầu tư, không trừ một ai. Vì tôi có biết ai là ai nên cứ vợt", anh Lĩnh chia sẻ.
Quyết định thành lập công ty BĐS riêng
Sau 5 năm bước chân vào lĩnh vực BĐS, Trần Khắc Lĩnh đã quyết định thành lập công ty riêng với vai trò chủ đầu tư. Chia sẻ về quyết định này, anh Lĩnh không cho đó là mạo hiểm, vì theo anh xã hội nhiều người còn làm được hơn thế nữa. Hoặc cứ cho là mạo hiểm thì cuộc sống của anh từ khi hết cấp 3 đã luôn thích làm những thứ khác biệt và nếu không mạo hiểm thì cuộc đời sẽ mãi nghèo thôi.
Anh Lĩnh cho biết, từ khi còn làm sale, anh đã thích đầu tư. Ban đầu tập tành với các hình thức đầu tư khác nhau. Sau này, khi càng lên làm lãnh đạo, anh Lĩnh càng nhận ra: Chỉ có đầu tư mới mang lại lợi nhuận cao và đỉnh của nghề BĐS chính là hình thức đầu tư.
Thời điểm đó, anh Lĩnh nghĩ, nếu lập sàn BĐS chỉ để phân phối dự án thì rất khó cạnh tranh với những công ty phân phối lớn. Vì vậy, anh chọn bắt đầu là chủ đầu tư các dự án nhỏ tại ven đô Hà Nội.
"Tôi vốn là một người rất quyết đoán, không suy nghĩ quá nhiều. Người khác cân nhắc 1 tiếng nhưng tôi lại quyết trong một phút. Thay vì nghĩ nhiều, tôi chọn làm luôn và làm nhiều", anh Lĩnh bộc bạch.
Chia sẻ về những mục tiêu, cột mốc tài chính như 1 triệu USD đầu tiên, 2 triệu USD... anh Trần Khắc Lĩnh cho biết, trước đó anh cũng từng nghĩ tới thời điểm mà mình sẽ kiếm được 1 triệu USD đầu tiên. Nhưng đó chỉ là con số ước tính cộng dồn tổng tài sản trong một thời gian nhất định. Còn với vị CEO này, anh không đặt ra mục tiêu tài chính cho chính mình, vì mục tiêu với anh là cái gì đó rất trừu tượng, không rõ ràng. Hoặc nói đúng hơn mục tiêu tài chính của anh là không giới hạn.
Bên cạnh đó, CEO Trần Khắc Lĩnh có một nguyên tắc, đó là không được ai hỏi anh muốn ăn gì, bởi hỏi như vậy sẽ khiến anh mất thời gian lựa chọn, ai mua gì anh sẽ ăn cái đó, anh cũng không cầu kỳ trang phục để đỡ tốn thời gian chọn. Với anh Lĩnh, kiếm nhiều tiền là điều quan trọng nhất. Bởi anh thấy cuộc sống của mình có quá nhiều động lực để phải kiếm tiền như muốn vợ con có một cuộc sống tốt đẹp, con cái được tiếp cận với môi trường giáo dục quốc tế, bố mẹ, anh chị em trong gia đình có cuộc sống tốt hơn... Và điều quan trọng không kém nữa là muốn những cộng sự, người anh em của mình có một môi trường để phát triển không ngừng.
Nuôi giấc mơ tạo nên những người giàu có trong tương lai
Với cương vị là người đứng đầu doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh mục tiêu về kinh doanh, CEO Trần Khắc Lĩnh còn muốn tạo ra một môi trường không hẳn tốt nhất nhưng là nơi có nhiều người giàu nhất trong tương lai. Nhưng có tiền phải đi kèm với đó là một con người sâu sắc và sống tử tế. Là một người sống tình cảm, anh Lĩnh luôn đặt cái tâm lên hàng đầu trước năng lực chuyên môn của nhân viên. "Con người ta chuyên môn kém thì cuối cùng cũng sẽ tốt lên thôi. Nhưng sự tử tế và tâm huyết lại là điều làm nên một con người", vị CEO trẻ tâm sự.
Về phía công ty của mình, trong tương lai, CEO Trần Khắc Lĩnh muốn LinkLand sẽ làm được những dự án quy mô lớn hơn, ở nhiều thị trường cũng như nhiều phân khúc hơn. Bên cạnh đó, anh Lĩnh cũng mong muốn nhân viên của mình, ai cũng có nhà, có xe, gia đình hạnh phúc, có tiền lo cho con cái đầy đủ.
Vị CEO trẻ này luôn hi vọng sẽ tìm kiếm được những người cộng sự có tâm huyết, sống tử tế và có chí khí. Anh Lĩnh tin vào doanh nghiệp muốn thu hút nhân tài thì quan trọng nhất là ông chủ, người chủ phải có tham vọng lớn. Không phải doanh nghiệp nào cũng lớn ngay được mà phải dần dần, vì vậy rất cần những người chung chí hướng. CEO Trần Khắc Lĩnh tin mình đang giữ lửa và truyền lửa cho nhân viên. Đồng thời anh cũng hy vọng có thể tiếp tục truyền cảm hứng yêu công việc đến với mọi người.