Cẩn trọng trong việc sử dụng thẻ tín dụng khi du lịch nước ngoài
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất huy động liên tục tăng, kích thích dòng tiền hơn 320.000 tỷ đồng gửi vào ngân hàng Ngân hàng Nhà nước đồng ý tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng Lãi suất tăng, người dân lại đổ tiền vào gửi ngân hàngHiện nay, khi đạt độ tuổi đủ khả năng chịu trách nhiệm cho các giao dịch tài chính với mức thu nhập tạm ổn, nhiều người bắt đầu sở hữu tấm thẻ tín dụng đầu tiên trong đời. Ban đầu, hạn mức có thể rất thấp, nhưng sau quá trình sử dụng liên tục thì hạn mức có thể tăng lên theo mức độ tín nhiệm của tổ chức tín dụng. Theo đó, ngày kích hoạt thẻ và thực hiện giao dịch đầu tiên cũng chính là ngày bạn trở thành "con nợ" của đơn vị phát hành thẻ.
Sau khi có kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng, các "con nợ" bắt đầu tìm kiếm các dòng thẻ phù hợp với nhu cầu của bản thân. Trên thị trường Việt Nam, thẻ tín dụng đang được chia thành các nhóm tích điểm, hoàn tiền và tích dặm hàng không. Các thẻ sẽ được gia tăng quyền lợi khác như bảo hiểm du lịch, đặc quyền sử dụng phòng chờ tại các sân bay cả trong và ngoài nước, hay ưu đãi phí sân golf...
Với loại thẻ tích dặm, khi giao dịch bằng USD hoặc ngoại tệ khác (theo quy định của ngân hàng) sẽ tích dặm cao hơn. Ví dụ, cùng là 25.000 đồng nhưng thanh toán tại Việt Nam chỉ nhận được 1 dặm nhưng nếu quẹt thẻ ở nước ngoài sẽ là 2 dặm. Do đó, chủ thẻ có thể cân nhắc ưu tiên quẹt thẻ ở nước ngoài để đạt tối đa dặm tích lũy.
Tùy theo dạng thẻ, chủ thẻ cũng được hưởng ưu đãi tại các đơn vị chấp thuận thẻ ở nước ngoài. Được biết, danh sách này khá đa dạng, từ giảm giá khách sạn, nhà hàng cho đến ưu đãi vé tham quan. Ngoài ra, dịch vụ bảo hiểm du lịch quốc tế đi theo thẻ tín dụng quốc tế rất hữu ích nếu không may hàng trình gặp bất trắc. Nhưng để được hưởng các ưu đãi này cần thực hiện thanh toán vé tàu, xe, máy bay bằng đúng thẻ tín dụng có quyền lợi này.
Thẻ tín dụng có một danh sách rất dài các loại phí mà hiếm người dùng nào đọc lỹ. Trong đó, loại phí tiêu biểu nhất khi thực hiện giao dịch bằng ngoại tệ là phí quản lý hay phí chuyển đổi. Mức thu của loại phí này dao động trên dưới 3%, một số thẻ áp dụng mức phí tối thiểu cho một giao dịch là 10.000 đồng.
Chẳng hạn, nếu chủ thẻ quẹt 23.000 đồng thì phí cho giao dịch này là 10.000 đồng bởi 3% của số tiền này thấp hơn mức tối thiểu. Đồng nghĩa với việc người quẹt thẻ phải chi tổng cộng là 33.000 đồng cho giao dịch này.
Bên cạnh đó, khoản phí thứ hai mà người dùng cần đặc biệt lưu ý đó là phí rút tiền mặt. Mức phí này dao động trong khoảng 4%, mức thu tối thiểu khoảng 100.000 đồng/giao dịch. Như vậy, chỉ với 2 phí này, chủ thẻ đã mất đến 7%.
Ngoài ra, máy ATM tại một số quốc qua có thể yêu cầu thu thêm một khoản tiền đặc biệt. Chẳng hạn, khi rút 100 USD, chủ thẻ sẽ nhận được thông báo mất thêm 5,5 USD nếu chấp nhận giao dịch. Theo đó, giao dịch được ghi sổ sẽ là 105,5 USD và tính phí như trên.
Thẻ tín dụng thường khuyến khích thanh toán hơn là rút tiền mặt, vì vậy chủ thẻ sẽ gánh lãi suất ngay lập tức sau khi tiền rời khỏi máy. Nếu có sẵn tiền trong tài khoản thanh toán tại Việt Nam bạn hãy chuyển khoản tất toán ngay khoản tiền vừa rút để tránh lãi suất phát sinh.
Lưu ý, với các loại thẻ có ưu đãi phòng chờ, người dùng nên đọc kỹ thể lệ. Chẳng hạn, một số thẻ cho phép mang thêm người nhưng sẽ trừ lượt dùng phòng chờ trong năm của chủ thẻ. Tuy nhiên, một số loại thẻ sẽ tính chi phí phát sinh mỗi người (ngoài chủ thẻ) là 35 USD/người. 35 USD này vẫn tính phí quản lý giao dịch ngoại tệ.