Các công ty công nghệ Trung Quốc đua nhau sa thải nhân viên, gen Z vỡ mộng làm việc cho Big Tech
Gia nhập ByteDance ở tuổi 25, Aaron Wang nghĩ rằng mình đã tìm được công việc như ý. Wang quản lý dự án thu hút hàng trăm triệu lượt xem mỗi ngày trên Douyin của ByteDance.
Với mức lương cao cùng những đặc quyền chỉ có tại những công ty công nghệ lớn, cô nhận được sự tôn trọng từ khách hàng và bạn bè. Ngoài ra, ByteDance có một nền văn hóa đa dạng và hòa nhập, điều này vốn rất hiếm ở những công ty của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, mọi thứ bất ngờ thay đổi. Vào cuối năm ngoái, ByteDance đã yêu cầu Wang cùng cả nhóm của cô nghỉ việc hoặc chuyển sang chỗ mới. Và Wang đã chọn nghỉ việc để ở cùng gia đình. Trong tháng 3 năm nay, cô tìm được công việc mới tại JD.com. Mặc dù người phỏng vấn cam kết rằng sẽ không đuổi việc cô, tuy nhiên Wang cùng hơn 100 nhân viên khác đã bị sa thải phải qua một cuộc gọi video chỉ sau 2 tuần.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang hòa nhập vào mùa đông internet.
Những ông lớn công nghệ Trung Quốc – Alibaba, Tencent, baidu, JD.com luôn là những cánh cổng ước mơ cho những người trẻ tuổi trong hơn một thập kỷ qua vì nơi đây được đào tạo rất tốt. Sau mỗi đợt IPO, nhân viên có thể trở thành triệu phú nhờ tăng trưởng bùng nổ kéo theo tiền thưởng và lương cao cũng như quyền chọn cổ phiếu hay uy tín xã hội.
Những công ty này cũng có văn hóa vô cùng hấp dẫn. Nhân viên sẽ được đi trượt tuyết hay đến Universal Studios vào dịp team building. Hàng 5 cũng có những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng tham dự bữa tiệc của công ty. Chia sẻ với Rest of World, một cựu nhân viên của ByteDance nói rằng: “Thậm chí, cái ghế của tôi ở ByteDance cũng trị giá 740 USD”.
Tuy nhiên, những tháng năm rực rỡ đó đang đi đến hồi kết. Ngành công nghệ Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với sự kiểm soát gắt gao của Chính phủ, ảnh hưởng từ các biện pháp phòng tỏa do Covid 19 mà còn phải chịu sự suy giảm đầu tư và chi tiêu của người dùng. Những Big Tech như Alibaba hay Tencent đều chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất trong nhiều năm nay và thực hiện việc sa thải với mức độ chưa từng thấy.
ByteDance – công ty mẹ của TikTok – đã sa thải hàng trăm người trong lĩnh vực game và công nghệ giáo dục. Tencent và Alibaba cũng cho biết sa thải hàng chục nghìn lao động. Trong khi đó, gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing cũng có kế hoạch sa thải trên diện rộng. Phiên bản Instagram của Trung Quốc là Xiaohongshu cũng sẽ cắt giảm tối thiểu 9% lao động. Hàng loạt những công ty khác cũng công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự tương tự.
Một "mùa đông internet" đang bủa vây ngành công nghệ Trung Quốc, Nhiều người trẻ đặt ra câu hỏi rằng công việc của ngành này có còn xứng đáng hay không khi người lao động phải làm việc kéo dài nhiều giờ kèm theo sự áp lực.
Thời kỳ hoàng kim đã qua. Chỉ cách đây vài năm, các công ty công nghệ Trung Quốc thu hút được vốn đầu tư khổng lồ vào việc xây dựng các hệ sinh thái bao trùm lên mọi mặt cuộc sống, từ thương mại điện tử, trò chơi đến tài chính và phim ảnh. Cũng nhờ đó mà các công ty công nghệ Trung Quốc có thể nhanh chóng mở rộng quy mô của mình.
Alibaba có 13.000 nhân viên vào năm 2011 rồi tăng lên là 250.000 người vào tháng 3.2022. Tencent cũng chứng kiến số lượng nhân viên tăng từ 12.000 người năm 2011 lên mức 112.000 vào 10 năm sau. Hiện ByteDance (thành lập năm 2012) cũng có 100.000 lao động.
Các công ty công nghệ đã tăng trưởng bùng nổ trong suốt 10 năm qua và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của những công ty này đã khiến chính phủ Trung Quốc buộc phải chú ý. Từ cuối năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã có đợt trấn áp nghiêm ngặt nhằm vào những ông lớn công nghệ của nước này vì xâm phạm quyền riêng tư của người dùng, các hành vi độc quyền và nội dung thô tục. Theo đó, các lệnh cấm về dạy thêm và giới hạn phát hành game cũng đã được đưa ra khiến những công ty trong ngành công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề.
Họ đã mất đi hàng tỷ USD vốn hóa và thậm chí Ant Group và ByteDance còn phải dừng kế hoạch IPO. Giờ đây, họ ưu tiên kiểm soát rủi ro chính trị thay vì mở rộng và theo đuổi lợi nhuận.
Những gã khổng lồ công nghệ còn phải đối mặt với điều đáng ngại hơn là tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chậm lại. Hoạt động sản xuất công nghiệp và doanh số bất động sản liên tục suy giảm trong những tháng gần đây do những biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm do những biến động lớn trên thế giới như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Toàn ngành công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt yếu tố tồi tệ cùng một lúc nên việc sa thải trở nên phổ biến.
Không riêng gì những ông lớn công nghệ phải cắt giảm nhân sự, các công ty nhỏ cũng buộc phải làm như vậy khi khoản đầu tư và doanh thu sụt giảm. Một quản lý startup công nghệ tại Hàng Châu cho biết anh vừa được nhận thông tin phải sa thải 1/3 nhân sự nhằm cắt giảm chi phí.
“Tôi cảm thấy như trời đất đang sụp xuống”
Nhìn thấy những đồng nghiệp của mình phải rời đi, những người ở lại cảm thấy vô cùng tồi tệ. Đa số những người tham gia phỏng vấn của Rest of World đều cho biết vì lo sợ dự án của mình sẽ bị loại bỏ nên năng suất làm việc của họ đều giảm sút.
Trên thực tế, đợt sa thải này gây bất mãn nhưng không phải với tất cả mọi người. Sự bất mãn này thực ra đã kéo dài trong nhiều năm nay đối với các lao động cổ cồn trắng của Trung Quốc. Cụ thể, họ thực sự không hài lòng về văn hóa làm việc 996, nghĩa là làm từ 9 giờ sáng đến đến 9 giờ tối và 6 ngày mỗi tuần. Lịch trình làm việc vô cùng khắc nghiệt này được xem là nguyên nhân khiến một số người đã qua đời vì làm việc quá sức.
Thậm chí, vào năm 2019, nhiều nhân viên đã sử dụng nền tảng code mã nguồn mở GitHub nhằm thể hiện sự bất bình về văn hóa làm việc 996 của các công ty công nghệ. Với một số nhân viên, việc sa thải chính là một cách mà họ có thể giải thoát bản thân khỏi lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, đợt sa thải này lại là một cú sốc với đa số các nhân viên của thế hệ Millennial ở Trung Quốc (những người sinh từ năm 1980 đến 1995). Họ là những người tham gia môi trường giáo dục khắc nghiệt với hy vọng được làm việc cho những công ty công nghệ lớn.
Cuộc khủng hoảng của các công ty công nghệ này đã khiến giấc mơ có được thu nhập hào phóng trong lĩnh vực công nghệ của nhiều người tan vỡ. Nhiều năm qua, đa số họ họ đã quen với mức thu nhập cao và các khoản thưởng đều đặn để có thể mua nhà tại các thành phố cũng như chi trả cho những những vấn đề khác trong cuộc sống. Hiện tại, họ phải nghĩ đến kế hoạch mới vì sẽ không có được một nguồn thu nhập lớn như vậy nữa.
Chồng của cô Anna (một người nội trợ) đã bị sa thải vào tháng 4 khi ở độ tuổi ngoài 30. Cô Anna tiết lộ với Rest of World rằng gia đình cô phải chi 1.099 USD tiền trả góp mua nhà, 560 USD khác cho đồ dùng, thực phẩm, 190 USD khác để chăm sóc con. Anna chia sẻ: “Trời đất đang sụp xuống”. Cô không biết có thể tiếp tục cho con đi học hay không.
Theo chia sẻ của anh Berry Liu, người đứng đầu startup tuyển dụng tại Thâm Quyến, một kỹ sư phần mềm cao cấp nhảy việc vào năm 2020 có thể nhận được 10 đến 20 lời chào với mức lương cao từ 50 đến 100%. Tuy nhiên, hiện tại thì khác, các công ty đều nói cắt giảm chi phí và các hãng lớn thì dừng tuyển dụng mới.
Đối với ngành công nghệ, đây chưa phải là một tín hiệu cho thấy sự suy thoái. Thế nhưng, đợt sa thải trên diện rộng này chứng tỏ rằng gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc không còn là công việc trong mơ cho các lao động trẻ của quốc gia này.
Thực tế cho thấy việc tăng trưởng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã kéo theo làn sóng sa thải ở những lĩnh vực khác. Những người trong ngành công nghệ dù mất việc nhưng vẫn có được các khoản trợ cấp cao hơn và có tiền tiết kiệm nhiều hơn so với những người làm việc cho ngành khác. Vì vậy, nhiều lao động trẻ đang xem xét làm việc khác vì ngành công nghệ đang gặp nhiều bất ổn.
Theo chia sẻ của Li Xiaotian, nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong, thay vì làm việc trong lĩnh vực nhà nước, việc tham gia vào ngành internet sẽ giúp có cơ hội tạo được tên tuổi riêng và thu nhập cao. Thế nhưng, nhiều tài năng này chỉ bị xem là những người lao động bị bóc lột bởi các ông lớn công nghệ khi ngành internet Trung Quốc bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.
Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều đơn xin việc nộp vào kỳ thi công chức quốc gia. Có khoảng 2,12 triệu thí sinh tham gia kỳ thi này vào năm 2021 để cạnh tranh trong 31.200 vị trí công việc. Điều này chứng tỏ rằng thế hệ gen Z đang tìm kiếm một công việc ổn định và an toàn cho dù có thu nhập thấp hơn so với công việc tại các công ty công nghệ.
Với Wang, sau cùng cô cũng tìm được việc là một công ty dược phẩm vào tháng 4. Không chỉ bị giảm thu nhập tới 40%, cô còn phải làm quen với văn hóa công việc mới như hầu hết đồng nghiệp là người sắp nghỉ hưu, và chẳng bao giờ làm việc xuyên ngày nghỉ.
Mặc dù không còn căng thẳng như trước đây xong cô lại lo lắng về một số vấn đề khác như liệu giai đoạn thăng trầm của ngành công nghiệp internet có xảy ra lần nữa hay không, và có ảnh hưởng đến công ty khác không.
Cô Wang đang lên nhiều kế hoạch dự phòng như oàn thiện kỹ năng đồ họa, đăng ký cho kỳ thi công chức sắp tới, học về an toàn kiến trúc cũng như các chứng chỉ giảng dạy khác. Cô hy vọng có thể trở lại một công ty như ByteDance khi cô 30 tuổi. Tại nơi đó, cô có thể làm việc chăm chỉ vài năm để tiết kiệm tiền cho nghỉ hưu trước khi bước sang tuổi 35 - tuổi nghỉ hưu không chính thức của lĩnh vực này.
Cô Wang vẫn có quyền chọn cổ phiếu của ByteDance vì là cựu nhân viên. Tuy nhiên cô cho biết không có bất kỳ tham vọng nào mà chỉ muốn có đủ tiền tiết kiệm cho việc nghỉ hưu.