Bầu Đức chính thức nhận sai khi bỏ đầu tư bất động sản năm 2012 sang làm nông nghiệp
“Năm 2008 tôi dám khẳng định HAGL là công ty bất động sản số 1. Nhưng, mỗi người mỗi quyết sách, tôi từ bỏ năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ tôi khẳng định tôi đã sai”, Bầu Đức nhấn mạnh.
Đây là lần đầu tiên sau gần chục năm quyết định “dứt tình” với địa ốc, Bầu Đức lên tiếng nhận sai. Những điều này được ông chia sẻ trong Đại hội đồng cổ đông của công ty. Được biết, Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) diễn ra ngày 26/11 vừa qua.
Vì sao Bầu Đức bỏ bất động sản?
Trong Đại hội, Bầu Đức được đặt câu hỏi về việc có mảnh đất tốt có đầu tư bất động sản hay không. Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) – Chủ tịch HAGL đã nêu quan điểm của mình. Bầu Đức cho biết: “Năm 2008 tôi dám khẳng định HAGL là công ty bất động sản số 1. Nhưng, mỗi người mỗi quyết sách. Tôi từ bỏ từ năm 2012 để làm nông nghiệp. Đến bây giờ tôi khẳng định tôi đã sai”.
Nhớ lại giai đoạn 2006-2008, bất động sản từng là “gà đẻ trứng vàng” của HAG. Thời điểm đó, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng rất cao. Phần lớn doanh thu, lợi nhuận đến từ việc bán căn hộ ở quận 7 và Nhà Bè.
Ngay cả khi thị trường địa ốc khó khăn, Bầu Đức vẫn khẳng định “thủ sẵn” 2.400 tỷ đồng tiền mặt. Số tiền này dùng để xoay sở trong trường hợp ngân hàng thắt chặt tín dụng. Bên cạnh đó, ông vẫn tiếp tục đầu tư địa ốc thông qua việc săn các khu đất giá rẻ. Điều này được Bầu Đức nhấn mạnh trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2011.
Từ 2012, Bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản. Khi đó, thị trường bất động sản cũng đang suy thoái. Ông bán dần những quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty. Tất cả nguồn lực được Bầu Đức dồn để phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, nông nghiệp thua lỗ nhiều năm liền. Giá cao su lao dốc khiến doanh nghiệp luôn dưới áp lực xử lý nợ.
Liệu có quay lại sân chơi cũ?
Sau giai đoạn suy thoái và khủng hoảng 2011-2014, thị trường bất động sản dần hồi phục. Đến giai đoạn 2016-2018, thị trường bất động sản bùng nổ. Điều này khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều cổ đông tiếc nuối khi Bầu Đức rời sân chơi bất động sản quá sớm.
Với sân chơi HAGL từng là quán quân, liệu Bầu Đức có quay lại sân chơi cũ khi quỹ đất vẫn còn? Dù “nhận sai” nhưng câu trả lời của “ông trùm” HAGL là: Không. Cụ thể, ông khẳng định trong Đại hội cổ đông rằng: “HAGL sẽ không bất động sản nữa, tôi khẳng định. Mình đã đi qua rồi không đi lại, vì rất nhiều đại gia bất động sản đã đi rồi, HAGL quay lại sẽ khó cạnh tranh”.
Bầu Đức chia sẻ thêm: “Trong cái rủi có cái may. Nếu còn làm bất động sản thắng hay thua tôi chưa biết. Thế nhưng nông nghiệp đang có hướng đi tốt.
Bất động sản thời điểm năm 2021, HAGL từ bỏ rất quyết liệt để chuyển sang nông nghiệp. Lúc đó, HAGL không sai vì giá cao su cao…”
Đặc biệt, mảng nông nghiệp vốn rất rộng. Nó bao gồm từ trồng trọt cho tới chăn nuôi. Đợt COVID-19 vừa qua, nhiều ngành “tử trận” nhưng nông nghiệp vẫn sống khỏe. Đây chính là minh chứng. Trong tương lai, nếu có mảnh đất nào tốt, HAGL có thể liên doanh với đối tác. Tuy nhiên, khi đó HAGL sẽ đầu tư, thu hồi tiền để trả nợ.
Tập trung vào 2 mảng chiến lược
Hiện tại, nông nghiệp chính là thế mạnh của HAGL. Bên cạnh trái cây, công ty sẽ đưa mảng chăn nuôi heo (lợn) vào là một trong hai mảng chiến lược.
Đối với chăn nuôi, dự định đến cuối năm HAGL sẽ hoàn thiện hệ thống chuồng trại. Đến năm 2022, Bầu Đức sẽ cho triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản. Mục đích của công ty là 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.
Đối với ngành cây ăn trái, công ty sẽ đầu tư duy trì 10.000 ha trồng các loại cây. Những cây chủ lực gồm chuối cùng nhiều cây ăn quả khác. Riêng cây chuối, tính đến thời điểm hiện tại HAGL về cơ bản đã đầu tư trồng hoàn thiện được 5.000ha. Đất trồng chuối rải khắp Việt Nam, Lào và Campuchia. Từ năm 2022, dự kiến năng suất thu hoạch chuối bình quân đạt 50 tấn/ha.
Bên cạnh chuối là cây ngắn ngày, Bầu Đức còn cho tập trung vào cây sầu riêng. Đây là loại cây dài ngày. Nhiều năm lao vào cây ăn trái tươi, Bầu Đức nhận ra đây là cây có giá trị cao. Đặc biệt, những cây này còn dễ trồng, thị trường tiêu thụ lớn. Trong đó, sầu riêng có sức hút lớn. Nguồn cung sầu riêng hiện tại là không đủ. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hoa quả, đặc biệt là sầu riêng rất lớn.
Liệu có được hái "quả ngọt"?
Năm ngoái, HAGL lỗ 2.383 tỷ đồng. Năm 2021, công ty kỳ vọng sẽ có lãi trở lại với mức khoảng 104 tỷ đồng sau thuế. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, HAGL liên tục thay đổi nhân sự suốt giai đoạn 2007-2020. Giai đoạn 2008-2012, bất động sản chính là nguồn doanh thu chính của doanh nghiệp. Trong 2 năm tiếp theo, mía đường thay thế bất động sản, trở thành mảng chủ lực của công ty.
Từ 2015, cơ cấu công ty tiếp tục thay đổi rất nhiều. Hơn nửa doanh thu của công ty đến từ việc nuôi bò. Thế nhưng, những năm sau đó, đàn bò đã không mang lại cho HAGL nguồn thu như kỳ vọng.
Biên lợi nhuận từ đàn bò của bầu Đức liên tục giảm. Đến quý 4/2016, biên lợi nhuận chỉ còn 5%, đạt mức thấp kỷ lục. Hết năm 2017, doanh thu từ bò đã giảm hơn 78% so với năm 2016, xuống mức chỉ còn 757 tỷ đồng.
Đến năm 2017, Bầu Đức tuyên bố dốc toàn lực cho cây ăn quả. Những dự án nuôi bò hay cọ dầu đều phải tạm dừng bởi ngân sách không cho phép.
Có thể thấy, những ngành nghề mà Bầu Đức hướng tới đều có tiềm năng thực tế rất lớn. Đây cũng là khía cạnh chứng tỏ tầm nhìn của người lãnh đạo. Tuy nhiên, công cuộc xoay vần vẫn không mang về kết quả lâu dài cho công ty. Một trong những nguyên nhân khách quan khiến doanh nghiệp liên tục thay đổi phải kể đến áp lực dòng tiền. Dư nợ quá lớn, công ty muốn giảm nợ thì phải “bán dự án”.