Bất động sản tiếp tục tăng giá "chóng mặt" là vì đâu?
BÀI LIÊN QUAN
Vợ chồng trẻ “sốc” vì cầm 2 tỷ đồng mà không mua nổi chung cư ở TP.HCMTích cực hoàn thiện quy hoạch khu trung tâm để lên thành phố, bất động sản Bình Chánh lại... rộn ràngBất động sản Thủ Đức "sốt" giá: Giá trị thật hay do tâm lý đầu cơ?Các phân khúc trên thị trường bất động sản đều tăng giá
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản quý I năm 2022, giá giao dịch bất động sản để bán bình quân toàn thị trường đều có xu hướng tăng. Cụ thể xảy ra ở 8 địa phương là: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Có một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao trong tháng 3. Giá bất động sản cho thuê tại TP.HCM và Hà Nội cũng tăng nhẹ.
Theo VOV, tại TP.HCM, căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà ở riêng lẻ tăng 2%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%. Tại Hà Nội, căn hộ chung cư tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%.
Theo báo cáo thị trường quý I năm 2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, quý I năm 2022, loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành.
Theo đó, tại miền Bắc, giá rao bán đất và đất nền tiếp tục tăng cao. Cụ thể là, giá rao bán đất thổ cư tại Bắc Giang tăng 35%, kế đến là Hải Phòng tăng giá 29% so với trung bình năm 2021. Các tỉnh khác như Quảng Ninh và Bắc Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 20% và 16%.
Tại khu vực Hà Nội, giá rao bán đất nền tại huyện Chương Mỹ tăng lên 74% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất khu vực miền Bắc, đồng thời cũng cao nhất cả nước. Các huyện khác thuộc Hà Nội như Quốc Oai tăng 26%, Gia Lâm tăng 21%, Đông Anh tăng 20% so với năm 2021.
Tại khu vực miền Trung, giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm 2021, trong đó, Bình Thuận tăng 13%, Khánh Hòa tăng 26% và Thanh Hóa tăng 35%. Bên cạnh việc giá bán đất nền biến động mạnh thì các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng cũng có lượng người dùng online tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 35% và 32%.
Tại khu vực miền Nam, đất nền TP.HCM sôi động ở các vùng ven. Mức độ quan tâm đất nền tại Củ Chi (TP.HCM) tăng 25%, Bình Chánh tăng 10%. Khu Đông Nam Bộ cũng xảy ra tình trạng giá đất tăng trong những tháng đầu năm. Trong khi đó, giá đất nền tại Đồng Nai chỉ tăng 7% và Tây Ninh tăng 12%.
Tính thanh khoản thấp, nhà đầu tư mới chỉ thấy lãi trên giấy
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thời kỳ này, chủ yếu là "sốt đất tâm lý". Bởi lẽ, nhà đầu tư luôn muốn đón đầu thị trường, muốn tập trung vào những nơi được dự báo tăng trưởng tốt và có tiềm năng phát triển.
Tuy vậy, trên thực tế thì hầu hết những thông tin về khu vực được dự báo là tiềm năng thì đều là những thông tin bên lề. Vì thế, các nhà đầu tư nếu bị lôi kéo vào các khu vực, phải mua đất với giá đỉnh rồi lại không thanh khoản được. Có thể thấy, thị trường bất động sản ở một số nơi xuất hiện tình trạng "lãi trên giấy", nghĩa là giá chào bán tăng cao nhưng lại khó tìm được người mua.
Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định rằng, mặc dù giá bất động sản tăng lên, nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy, các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai điểm: Khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3-5 lần trong thời gian qua và giá giữ ở mức cao, tính thanh khoản thấp; sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư đang có xu hướng từ miền Bắc vào miền Trung.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát biến động trượt giá làm giá bất động sản tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường, nơi vốn không có hàng rẻ, vì mọi thứ đều bị đẩy giá lên đỉnh điểm.
Ngoài những nguyên nhân thị trường, giá nguyên liệu đầu vào của bất động sản tăng cũng có tác động nhiều lên thị trường. Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam thông báo, trong quý I năm 2022, giá sắt thép đã tăng đến 40% chỉ trong vài tháng. Hầu hết các vật liệu xây dựng bao gồm cả cát, xi măng, đá, nhôm, kính... đều có giá cả leo thang.
Những biến động về giá cả vật liệu đầu vào đã làm tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của những nhà thầu xây dựng. Hiện nay, có nhiều nhà thầu rất khó tìm được dự án phù hợp, thậm chí là không dám nhận vì lo sợ khả năng đối mặt với tình trạng giá bán vật liệu xây dựng liên tục tăng cao. Do đó, giá bán sản phẩm nhà ở tăng nhanh.