Bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội nào “hot” nhất năm 2022?
BÀI LIÊN QUAN
Khu vực miền Nam: Cạnh tranh nổ ra trong lĩnh vực bất động sản công nghiệpHòa Bình cảnh báo không giao dịch tại các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đã đưa vào kinh doanhSau Tết Nguyên đán, môi giới bất động sản hào hứng quay lại "guồng quay" của công việc“Có tiền đổ liền vào đất”
Chị Lê Thu Hà (24 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: “Sau vài năm làm việc vợ chồng tôi tích góp được vài trăm triệu đồng. Trước đây thì gửi ngân hàng, thế nhưng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, lãi suất giảm, cộng với lo sợ lạm phát nên sau khi bàn bạc kĩ lưỡng chúng tôi quyết định tìm mua một mảnh đất nho nhỏ ngoại thành Hà Nội coi như “của để dành”. Tôi nghĩ rằng tiền có thể mất giá nhưng đất khi nào cũng tăng theo năm”.
Cùng chung suy nghĩ, vợ chồng anh Nguyễn Như Hoà (Thanh Trì – Hà Nội) cũng đang đi tìm một mảnh đất khu vực Ba Vì để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho cả gia đình vào mỗi dịp cuối tuần. “Dịch Covid-19 kéo dài, cợ chồng tôi đều muốn các con được trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên và cũng tránh xa cảnh cảnh chen chúc tại phố phường”.
Theo anh Hoà, bây giờ đường xá đi lại các khu vực ngoại thành nên rất nhiều cán bộ, công viên chức có thu nhập không cao như anh đang tìm hiểu thị trường này.
Với tâm lý ăn chắc mặc bền, nhiều nhà đầu tư “tay ngang” như gia đình chị Hà, anh Hoà bắt đầu hướng đến bất động sản. Điều này làm cho thị trường đất vùng ven thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn... trở nên “nóng”, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Theo khảo sát, từ trung tâm Hà Nội đi huyện Thạch Thất chỉ trải qua một quãng đường khoảng 35 km và rất dễ dàng di chuyển theo cung đường đại lộ Thăng Long mất 45 phút. Ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung… được bao phủ xung quanh bởi núi rừng và hệ thống hồ sinh thái, hồ tự nhiên, hồ điều hòa nên khí hậu của nơi này vô cùng mát mẻ, cảnh quan thơ mộng, quỹ đất nhiều là điều kiện thuận lợi để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.
Năm 2019 cho đến nay, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của bất động sản xung quanh khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc (Thạch Thất) lan tỏa tới huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây.
Theo nhân viên một văn phòng công chứng đất đai tại huyện Thạch Thất, tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các giao dịch mua – bán, chuyển nhượng bất động sản năm 2022 đã sôi động trở lại. Nhìn chung, bất động sản ngoại thành Hà Nội chỉ tạm thời lắng xuống trong khoảng tháng 7, tháng 8 năm 2021 khi toàn thủ đô áp dụng giãn cách xã hội. Ngay sau khi chỉ thị 16 được gỡ bỏ, văn phòng công chứng lại tấp nập người đến, người đi.
“Đã có thời điểm chúng tôi phải bố trí thêm một bàn lễ tân ngay ngoài cửa và yêu cầu giới hạn về số lượng người trong văn phòng để đảm bảo quy định chung về phòng chống dịch bệnh”, nhân viên này chia sẻ.
Nhận định của chuyên gia bất động sản
Ông Nguyễn Tú – giám đốc sàn giao dịch bất động sản M Land nhận định: “Ở Thạch Thất hiện nay rất khó kiếm một mảnh đất mà chưa qua tay các nhà đầu tư. Nếu như thời điểm đầu năm 2019 với tầm giá 1 triệu/m2 các bạn có thể dễ dàng tìm mua 1 mảnh đất đẹp thì đến cuối năm 2021 thị trường đã có nhiều sự biến động. Giá đất trung bình tại Tiến Xuân dao động từ 5-7 triệu/m2, cao nhất là khu vực Bãi Dài, tiếp sau đó là Yên Bình, Yên Trung từ 3-5 triệu. Thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng thực chưa nhiều, nhưng trong tương lai ngắn 5 năm tới đây, giá đất tại vùng này và những vùng xung quanh sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh”.
Lý giải về điều này, ông Tú cho rằng giá đất tăng cao là nhờ “ăn theo” hạ tầng của khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc và nhiều nhà máy, khu công nghiệp đang được quy hoạch ở Thạch Thất. Trong khi giá nhà đất xung quanh trường Đại học Quốc gia, khu công nghệ cao đang ở ngưỡng 15 – 25 triệu/m2 thì các vùng xung quanh với tầm giá vài triệu/m2 vẫn là một kênh đầu tư tốt.
Sau khi Hòa Lạc hoàn thiện dự kiến quy mô dân số khoảng 600.000 dân sẽ kéo theo hàng loạt các nhu cầu khác như nhà hàng ăn uống, khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần. Chính điều này đã khiến cho các nhà đầu tư đổ về Thạch Thất, Ba Vì đầu cơ đất.
Nhiều người chờ đợi giá đất giảm hậu đại dịch Covid-19 nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Trong khi các ngành kinh doanh, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ - vận tải bị ảnh hưởng nặng nề thì bất động sản vẫn liên tục tăng giá do nguồn tiền nhàn rỗi liên tục đổ về từ những nhà đầu tư thận trọng. Trong Quý I năm 2022, ông Tú và nhiều chuyên gia nhận định thị trường bất động sản ngoại thành Hà Nội sẽ nóng và tăng giá mạnh đến thời điểm giữa năm.
Nhà đầu tư nên thận trọng
Qua khảo sát thực tế, một trong những điều cần lưu ý khi đầu tư đất Thạch Thất (Hà Nội) là một số xã như Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung... trước đây thuộc Lương Sơn, Hòa Bình đến năm 2008 thì được sáp nhập vào Hà Nội (Theo Nghị quyết 15 ngày 29-5-2008 của QH khóa XII) nên hầu hết các mảnh đất đều ít nhiều có sai lệch về hình thể và diện tích. Điều này, gây khó khăn trong quá trình làm sổ mới.
Hiện tượng cò thổi giá Đồng Trúc, Ba Vì là một trong những ví dụ điển hình. Khoảng giữa năm 2020 giá đất ở những khu vực này bỗng dưng tăng vọt sau khi có thông tin doanh nghiệp làm dự án nhưng thực chất đây lại là chiêu trò của đầu nậu. Giá đất khu vực này nhanh chóng tăng từ 200 – 300%. Thế nhưng, ngay khi cơn sốt qua đi thì phần lớn những nhà đầu tư tay ngang, non kinh nghiệm là những người chịu trận đầu tiên.
Thị trường nhà đất Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Hòa Bình đang cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh, thế nhưng để đầu tư hiệu quả thì cần phải xem xét các yếu tố về giá cả, hạ tầng, đặc biệt là pháp lý để tránh tâm lý đám đông.