Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng tiếp tục “lao dốc”
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia: Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể bùng nổ vào cuối năm 2023Bất động sản nghỉ dưỡng: Nhà đầu tư cần lựa chọn mô hình hợp xu hướng thay vì sao chép các sản phẩm hiện hữuNhà đầu tư có nên "bắt đáy" bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này?"Đóng băng" diện rộng
Trong 2 tháng đầu năm 2023, cả 3 phân khúc thuộc loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận đều không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Trong khi đó, sức cầu trên thị trường cũng liên tục giảm vì nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát, rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ.
Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, lũy kế 2 tháng đầu năm không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, thị trường tiếp tục khan hiếm trong 8 tháng liên tiếp. Các dự án trong khu vực liên tục dời thời gian triển khai, bên cạnh đó nhiều dự án vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung vắng bóng trên thị trường. Dự kiến trong những tháng tiếp theo, thị trường có thể tăng trưởng nhẹ nhưng khó có dự hồi phục rõ nét.
Phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng cũng không ghi nhận dự án mới mở bán trong 2 tháng đầu năm, thị trường gần như “đóng băng” trong 1 năm qua. Việc tăng cường kiểm soát tín dụng cùng những rào cản pháp lý cũng góp phần khiến nguồn cung tại khu vực trở nên khan hiếm. Dự kiến trong những tháng tiếp theo, nguồn cung cũng như sức cầu toàn thị trường tiếp tục thiếu vắng và khó có sự tăng trưởng trong ngắn hạn.
Còn phân khúc condotel, nguồn cung tiếp tục duy trì sự khan hiếm, thị trường gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông” khi liên tiếp không ghi nhận dự án mới. Việc dòng vốn tín dụng chưa được khơi thông, lạm phát, lãi suất vẫn neo ở mức cao cùng với đó là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với bất động sản nghỉ dưỡng khiến thị trường kéo dài xu hướng giảm từ cuối quý 2/2022 đến nay. Dự kiến, trong những tháng tiếp theo nguồn cung và sức cầu của thị trường có thể hồi phục nhưng không có nhiều đột biến trong ngắn hạn.
Trước đó báo cáo tổng kết năm 2022 của DKRA Việt Nam cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh về nguồn cung, thanh khoản của các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Trong đó, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển là loại hình có sự sụt giảm mạnh nhất khi nguồn cung chỉ bằng 53% so với cùng kỳ, sức cầu thị trường sụt giảm, chỉ bằng 74% so với cùng kỳ.
Chủ đầu tư một dự án nghỉ dưỡng tại miền Trung cho biết, lượng giao dịch nhà phố, biệt thự ven biển, condotel liên tục giảm mạnh từ giữa cuối năm 2022 đến nay. Doanh nghiệp của ông đã tăng mức chiết khấu, giảm giá, khuyến mãi lên đến 50-60% khi khách hàng thanh toán trước 90% giá trị hợp đồng nhưng doanh số không được như kỳ vọng.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, động thái kiểm soát tín dụng, khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô đã tác động tiêu cực đến thị trường, khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh, thanh khoản trên thị trường chững lại. Đa số các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay đều ghi nhận tình hình bán hàng chậm, một số dự án gần như đóng giỏ hàng không phát sinh giao dịch. Cho nên, các chủ đầu tư đang tích cực đưa ra những chính sách cam kết, chia sẻ doanh thu, lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc để kích cầu thị trường.
Khó phục hồi trong ngắn hạn
Giới quan sát nhận định, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trầm lắng trong thời gian dài chính là do các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu đang bị kiểm soát chặt. Chưa kể, thị trường bất động sản đang ở trong chu kỳ suy giảm, chỉ khi các phân khúc chính như căn hộ, nhà phố, đất nền khởi sắc thì bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi trở lại.
Trong trường hợp sớm nhất thì phải chờ đến quý IV/2023, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới có tín hiệu phục hồi khi các chủ đầu tư sẽ mở lại giỏ hàng để bán trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, chỉ có những dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh mới có giao dịch. Còn những dự án nhỏ, lẻ vẫn gặp khó khăn.
Đưa ra dự báo về diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Võ Hồng Thắng – Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận sẽ được đưa ra thị trường trong năm 2023. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tình hình thị trường không thuận lợi hoặc phát sinh những vấn đề pháp lý sẽ khiến các chủ đầu tư có thể kéo dài thời gian công bố dự án.
Sức cầu thị trường dự kiến tương đương với năm 2022. Mức giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng tăng do áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất,… ngày càng tăng. Xu hướng chia sẻ doanh thu tiếp tục được áp dụng rộng rãi. Các dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn và được vận hành bởi đơn vị quốc tế 4-5 sao tiếp tục được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Trong buổi hội thảo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở TP Đà Nẵng, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có hai lực đẩy để phục hồi. Thứ nhất là cung cầu đang ở mức hợp lý do có rất ít dự án mới triển khai trong những năm gần đây. Thứ hai là sự phục hồi của ngành du lịch, kéo theo đó là sự phát triển của nhiều tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô, cũng như nhiều đô thị lớn sẽ thu hút nhà đầu tư quay lại phân khúc này nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi trở lại sau nhiều năm “ngủ đông”. Thêm vào đó, nếu so về giá thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với đất vườn, đất vùng ven trong 2 năm qua. Cho nên, đây cũng là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.