sapo-1654824439.jpg
 

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2022 vừa qua, tỉnh đón hơn 400.000 lượt khách, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoài và là tỉnh thành thứ 2 trong cả nước có lượng khách du lịch bùng nổ trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua.

Tỷ lệ lấp đầy phòng ở các địa phương như TP. Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Côn Đảo đều đạt trên 95% công suất. Riêng các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên đạt hơn 97%, vượt xa sự mong đợi của ngành du lịch tỉnh nhà.

a1-1654771672.jpg
 

Chỉ tính riêng đợt lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tổng lượng khách đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt hơn 340 ngàn lượt. Doanh thu ngành du lịch đạt hơn 340 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2021.

Những con số tăng trưởng khá ấn tượng ở trên đã phần nào cho thấy tiềm năng đầy hấp dẫn của ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, những tiềm năng này chưa được khai thác triệt để vì vẫn còn có hạn chế cần sớm được khắc phục.

sub-1-1654771030.jpg
 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, quỹ đất phục vụ cho việc phát triển du lịch ở TP. Vũng Tàu khoảng 1.600 ha. Khu vực Long Hải – Phước Hải dự kiến có khoảng 1000 ha đất dành cho du lịch. Khu vực Hồ Tràm – Bình Châu có quỹ đất dành cho phát triển du lịch trên 5.000 ha.

Mặc dù quỹ đất dành cho phát triển du lịch rất nhiều nhưng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang đối mặt với tình trạng bị nhiều doanh nghiệp “xài chùa” quỹ đất vàng ở các bãi biển. Cụ thể, vào năm 2016, một công ty xây dựng và phát triển đô thị đã được UBND tỉnh giao cho 28 ha đất bờ biển ở bãi tắm Thùy Vân (TP. Vũng Tàu) để cải tạo, nâng cấp bằng ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, công ty này đã cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại mặt để kinh doanh. Đến nay đã hơn 26 năm, những doanh nghiệp này vẫn chưa nộp đầy đủ tiền thuế sử dụng đất.

a2-1654771981.jpg
 

Được biết, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định thu hồi mặt bằng và buộc các doanh nghiệp đang kinh doanh trái phép dọc khu vực bãi tắm Thùy Vân phải tháo dỡ cơ sở hạ tầng để bàn giao quỹ “đất vàng” cho Nhà nước trước ngày 15/3. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, các cơ sở kinh doanh du lịch thuộc diện thu hồi đất ở bãi tắm Thùy Vân vẫn hoạt động bình thường, chưa có động thái tháo dỡ hạ tầng để trả lại mặt bằng. Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ còn ngang nhiên dựng lên các công trình tạm bợ, lấn ra bãi biển gây mất mỹ quan.

Người dân địa phương cho biết, một số doanh nghiệp xây dựng có phép chưa đồng ý với khoản bồi thường, hỗ trợ kinh phí của chính quyền nên vẫn chưa chịu chịu trả lại mặt bằng. Còn những doanh nghiệp kinh doanh trái phép thì đang có động thái “cố thủ”, kinh doanh được ngày nào hay ngày đó.

a3-1654772463.jpg
 

Bên cạnh tình trạng “xài chùa” đất du lịch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí quỹ đất. Tính từ năm 2014 đến nay, tỉnh thành này đã chấm dứt hoạt động hơn 180 dự án. Đây là một thực tế đối lập với thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng, khi các doanh nghiệp bất động sản đang đổ về đây để đầu tư thì vẫn có nhiều dự án bị chấm dứt hoạt động.

Thậm chí, có những dự án nằm trên khu “đất vàng” ven biển của TP. Vũng Tàu đã bị bỏ hoang nhiều năm qua những vẫn chưa bị giải tỏa để xây dựng công trình mới. Dự án bỏ hoang, không được đưa vào xây dựng kinh doanh, không tạo ra công việc cho người lao động, không đóng góp GRDP cho thành phố, khiến giá trị sử dụng khu đất vàng này trở thành một con số 0 tròn trĩnh.

a4-1654772771.jpg
 
sub-2-1654771030.jpg
 

Theo khảo sát của phóng viên, phần lớn cơ sở lưu trú ở Bà Rịa – Vũng Tàu là khách sạn 3 sao trở xuống. Các cơ sở này xây dựng từ khá lâu nên chất lượng cơ sở vật chất đang xuống cấp nghiêm trọng.

Số lượng cơ sở lưu trú từ 5 sao trở lên của toàn tỉnh hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu mới nhất của Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện đang có 1.280 cơ sở lưu trú du lịch nhưng chỉ có 117 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao. Cụ thể, toàn tỉnh có 6 khách sạn 5 sao, 16 khách sạn 4 sao, 24 khách sạn 3 sao, 34 khách sạn 2 sao, 37 khách sạn 1 sao.

a5-1-1654772902.jpg
 

Hiện tại, TP. Vũng Tàu là địa phương có nhiều cơ sở lưu trú chất lượng cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, cả thành phố này chỉ độc có 3 khách sạn được đánh giá 5 sao và 7 khách sạn 4 sao. Du khách khi đến đây đều không có nhiều sự lựa chọn khi đi tìm một cơ sở lưu trú chất lượng cao.

Được biết, vấn đề pháp lý trong việc lựa chọn nhà đầu tư đẳng cấp chính là nút thắt, gây khó khăn trong việc phát triển cơ sở lưu trú chất lượng cao của tỉnh. Sự thiếu thống nhất khi thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết các tranh chấp đã khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin, rời bỏ thị trường, hoặc trì trệ, tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Nguồn cung cơ sở lưu trú không bắt kịp nhu cầu khiến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải khách du lịch vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ tết. Hình ảnh du khách chen chúc nhau trên các bãi biển vào mùa cao điểm du lịch đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở đây.

Bà Nguyễn Thị Nhàn – người dân sống ở TP. Vũng Tàu cho biết, vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, các bãi biển ở TP. Vũng Tàu đều đông nghịt người, khiến chính quyền phải giăng dây, cấm du khách xuống biển vào giờ cao điểm để đảm bảo an toàn.

a5-1654790837.jpg
 

Tình trạng quá tải vào mùa cao điểm du lịch đã trở thành một "căn bệnh kinh niên" của Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm qua. Điều này mang lại những trải nghiệm du lịch đầy mệt mỏi, khiến thời gian lưu trú của khách du lịch rất ngắn. Đồng thời, tình trạng này kéo theo một loạt vấn đề nhức nhối khác như chặt chém khách du lịch, giá thuê phòng tăng bất thình lình, mất kiểm soát.

Ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát đã tạo điều kiện cho nhiều dự án phức hợp, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại và đang bắt đầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 130 dự án (tổng diện tích là 2.952 ha, tổng vốn đầu tư là 48.273 triệu đồng và 8.902 triệu USD), bao gồm 114 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án nước ngoài. Tổng số dự án đã đi vào hoạt động là 50 dự án, đang triển khai xây dựng là 35 dự án, đang làm thủ tục pháp lý là 45 dự án. Khi đi vào hoạt động, các dự án này hứa hẹn sẽ cung cấp thêm nhiều cơ sở lưu trú chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cho tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án đầu tư vào tỉnh, Sở Du lịch đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục dự án trọng điểm đầu tư về du lịch tại tỉnh, trong đó có 11 khu đất hiện đang thu hút các dự án đầu tư về du lịch. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện các thủ tục thu hồi các dự án chậm triển khai và xử lý sau thu hồi theo quy định, dành quỹ đất thu hút các nhà đầu tư mới có năng lực hơn.

a6-1654790846.jpg
 
sub-3-1654771030.jpg
 

Giới chuyên gia cho rằng, hạn chế của ngành du lịch là những khoảng trống, cơ hội để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển. Đơn cử, việc tỉnh thành này đang thiếu hụt cơ sở lưu trú chất lượng cao trong bối cảnh nhu cầu của khách du lịch ngày càng tăng cao mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp phát triển các dự án khách sạn, resort, shophouse, biệt thự ven biển chất lượng cao ở đây.

Đặc biệt, quỹ đất phát triển du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu rất dồi dào, thuận lợi để phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn. Nếu đầu tư bài bản, phát triển dự án hợp lý, doanh nghiệp xây bất động sản nghỉ dưỡng ở đâu trên địa bàn tỉnh cũng có thể “chắc thắng” với những lợi thế sẵn có.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu đang có nhiều chính sách phát triển du lịch, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2050, tỉnh thành này sẽ trở thành trung tâm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, với cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại. Với chiến lược này, Bà Rịa  - Vũng Tàu đang tích cực triển khai đánh giá lại hiện trạng, tiềm năng các nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh.

a7-1654791352.jpg
 

Kết hợp với đó, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh thành xung quanh ngày càng được hoàn thiện. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh thành này sẽ xuất hiện nhiều tuyến đường kết nối quan trọng như: cao tốc Bến Lức – Long thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Xuyên Á, đường hầm xuyên biển kết nối Cần Giờ - Vũng Tàu...

Khi hạ tầng giao thông được kết nối, sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là tâm điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với những tiềm năng nổi trội đó, tỉnh thành này thực sự là một mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp phát triển các dự án, tạo ra một hạ tầng nghỉ dưỡng hiện đại, sang trọng.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, giao thông kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh sẽ thuận lợi hơn nhờ tuyến đường kết nối từ cảng Cái Mép – Thị Vải về Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, giữa Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư thêm cầu Cát Lái nối Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) vào huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và từ đó nối ra quốc lộ 51 Biên Hòa – Vũng Tàu, tạo ra thuận lợi cho Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc kết nối giao thông với các tỉnh thành khác.

Với cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, có tính kết nối cao, cũng như hiệu ứng đầu tư của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản Bà Rịa Vũng Tàu sẽ ngày càng phát triển, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng, nhất là những nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

a8-1654792309.jpg
 

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện những dự án nghỉ dưỡng lớn như Novaland World Hồ Tràm, Vũng Tàu Pearl, Lavida của Hưng Thịnh và the Song của An Gia,... đang đưa đến nguồn cung dồi dào cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở tỉnh thành này.

Ở thời điểm này, giá các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn tăng vì các doanh nghiệp lớn đang rất quan tâm đến thị trường tỉnh thành này. Giá bán căn hộ, nhà phố tại các khu nghỉ dưỡng đang tăng từ 5-7% so với các quý trước do các nhà đầu tư nhìn nhận được định hướng du lịch bền vững của tỉnh thành này.

Nguồn mua bất động sản nghỉ dưỡng ở tỉnh thành này rất dồi dào do nhu cầu mua căn hộ để ở và cho thuê du lịch. Dự báo trong thời gian tới, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tăng nóng ở thị xã Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu và huyện Châu Đức do có nguồn cung cầu cao.

a9-1654792966.jpg
 
tac-gia-1654771029.jpg
 
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

Mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại: Chỉ nên thí điểm ở phạm vi hẹp

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

Đất đấu giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn bán chênh cả tỷ đồng

Lãi suất “ghìm cương” nhà ở xã hội

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

2 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

5 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

5 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước