Bất động sản khu vực lòng hồ Hoà Bình “tụt dốc” sau cơn sốt đất
BÀI LIÊN QUAN
Hòa Bình công khai thông tin hàng loạt dự án bán “lúa non” Hòa Bình phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất của hơn 30 dự án trên địa bàn tỉnhTop 20 homestay Hòa Bình sang xịn mịn níu chân du khách ghé thămKhông thể thanh khoản do đất vướng mắc pháp lý
Với khí hậu mát mẻ, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nên những năm qua, giá bất động sản ở khu vực lòng hồ Hoà Bình được nhiều nhà đầu tư săn đón.
Có mặt tại xã Hiền Lương, xã Vầy Nưa, thuộc vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc là khung cảnh yên bình, khác hẳn thời điểm giữa và cuối năm 2021. Anh Nguyễn Văn Chuyên (34 tuổi, thị trấn Đà Bắc) kể, năm ngoái mỗi ngày có cả trăm lượt người từ khắp nơi đổ về đây để tìm mua đất thổ cư, đất vườn rồi cả đất nông lâm nghiệp. Nếu như đất đồi giáp mặt hồ năm 2019 có giá khoảng 100 triệu đồng/ha thì đến năm 2021 đã tăng lên gấp khoảng chục lần. Đặc biệt, những ha đất có kèm theo vài trăm mét đất ở thì được bán giá nhiều tỷ đồng.
“Nhiều gia đình đổi đời nhờ bán đất, họ cũng không biết vì sao giá đất ở đây lại tăng cao như vậy trong khi chưa có sự hiện hình của bất kỳ dự án lớn nào”, anh Chuyên nói.
Tuy nhiên theo anh Chuyên, từ khoảng giữa năm 2022 đến nay, giá đất có dấu hiệu chững lại, rồi giảm xuống. “Tôi thấy nhiều nhà đầu tư mua với giá cao hoặc mua xong vướng mắc pháp lý, sai lệch diện tích, hình thể nên không thể cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên phải rao bán với giá rẻ hơn”, anh Chuyên cho hay.
Còn tại khu vực hồ Đồng Chanh của huyện Lương Sơn, giá đất đã tăng gấp khoảng 5-7 lần từ năm 2020 đến nay. Cơn sốt đất kéo theo nhiều người nông dân trở thành môi giới nghiệp dư, nhất là cánh xe ôm. Hễ có khách đến hỏi là họ sẵn sàng bỏ việc đưa khách đi mục sở thị các khu đất mà người dân có nhu cầu bán. Nếu nhà đầu tư chốt được lô nào thì họ có thể nhận được thù lao từ 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Dù có quán tạp hoá ở trung tâm xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) nhưng bà Lê Khánh Linh sẵn sàng đóng cửa quán nếu có khách đến nhờ đưa đi xem đất. Hễ nghe ở đâu có đất đẹp, chủ có nhu cầu bán là chị đến xem, chụp ảnh, ghim vị trí rồi nhờ con cháu đăng thông tin lên các trang mạng xã hội rao bán như chính chủ.
“Có ngày tôi đưa hàng chục đoàn khách đến xem đất nền. Rồi có những mảnh đất mà tôi đi lại đến thuộc từng vị trí mét ngang, mét dài do nhà đầu tư sau khi ăn chênh lệch vài trăm triệu đồng lại bán cho nhà đầu tư khác…”, bà Linh kể.
Hoạt động môi giới bất động sản lộ ra nhiều bất ổn
Anh Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên môi giới nhà đất lâu năm ở tỉnh Hoà Bình thừa nhận, đất nền với diện tích lớn, ven sông hồ là phân khúc được nhiều người săn đón nhất trong 2 năm qua. Có những người mua trước đợt sốt đất thì đến nay đã tăng ít nhất là gấp 2 lần.
“Đất nghỉ dưỡng thì sốt nhất là huyện Đà Bắc, tiếp đến là huyện Cao Phong và Kim Bôi – nơi có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng sắp triển khai. Còn đất nền ở huyện Lương Sơn và thành phố Hoà Bình tăng giá cao do vị trí gần Hà Nội, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá bất động sản ở toàn tỉnh có xu hướng giảm chung, hầu như giao dịch rất ít”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo anh Hoàng, nhiều nhà đầu tư cũng rất sốt ruột do mua với giá cao, đến nay không thể “thoát hàng” mà phải chờ đợi các dự án nghỉ dưỡng được triển khai để thị trường bất động sản sôi động trở lại.
Anh Hoàng cũng tiết lộ, tại một số khu vực bám sông Bôi từng chạm đỉnh 18 triệu đồng/m2 nay chỉ giao động từ 12 đến 15 triệu đồng/m2. Mức giá này vẫn khá cao so với những lô đất bám mặt đường chính được mua bán với giá 10-12 triệu đồng/m2.
“Nhờ các yếu tố quy hoạch hồ Hoà Bình kéo theo các tập đoàn, công ty lớn đến tìm hiểu đầu tư đã giúp thị trường bất động sản ở đây tăng vọt. Tuy nhiên do bị thổi giá quá cao so với thực tế nên đến nay thị trường mới đang dần ổn định lại”, nhân viên môi giới cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Trần Hải Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, giá đất nền bị sốt ảo trong thời gian vừa qua đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch vùng cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
“Giá đất tăng cao không tương xứng với thực tế gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án hạ tầng đô thị. Từ đó kéo theo giá nhà ở tăng lên, ảnh hưởng đến công tác triển khai các chính sách phát triển nhà cho người lao động, nhiều thu nhập thấp. Chưa kể việc nhiều người đầu cơ, ôm đất cũng cản trở thu hút nhà đầu tư về với địa phương để phát triển dự án”, ông Trần Hải Lâm nói.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng chia sẻ, hoạt động môi giới bất động sản trong thời gian vừa qua lộ ra nhiều bất ổn, khó kiểm soát kéo theo nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận giải quyết rất nhiều vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất, mâu thuẫn từ việc mua bán đất, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh với việc đề nghị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hoà Bình đăng tải các dự án bất động sản trên địa bàn lên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Xây dựng cũng có văn bản đề nghị các địa phương niêm yết công khai thông tin liên quan đến các dự án, khu du lịch sinh thái đã vi phạm, đồng thời xem xét thực hiện đấu thầu, đấu giá lại để lựa chọn nhà đầu tư uy tín, đủ năng lực.
Ông Trần Hải Lâm khẳng định, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở ngành theo dõi sát sao, xử lý nghiêm các hoạt động tung tin đồn thất thiệt, tạo dựng sốt đất gây hoang mang thị trường, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư trong thời gian tới của tỉnh Hoà Bình.