Bất động sản đứng trước nguy cơ suy thoái, nhà đầu tư “giằng co” giữa bán và tiếp tục giữ hàng
BÀI LIÊN QUAN
Đầu tư bất động sản vùng ven, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?Thị trường chung “bế tắc”, nhà đầu tư bất động sản nên tìm kiếm cơ hội ở đâu?Xuất hiện cơ hội đầu tư bất động sản "chưa từng có" trong các tháng cuối năm 2022?Thị trường sụt giảm mạnh, nhà đầu tư hoang mang
Trong khoảng thời gian dài vừa qua, thị trường bất động sản luôn trong tình trạng ảm đạm, thanh khoản hầu hết các phân khúc đều ghi nhận sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khi nguồn tín dụng bị siết chặt cùng với những yếu tố bất lợi từ thị trường như giá bị đẩy lên quá cao, lệch pha cung – cầu, lãi suất tăng, chi phí đầu vào tăng cao…
Thị trường khó khăn, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đang phải bán bớt tài sản để thu hồi vốn và cơ cấu lại danh mục đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách tự “cứu mình” và liên tục đưa ra những chính sách bán hàng với nhiều ưu đãi hấp dẫn, tăng khuyến mãi, chiết khấu cao khi mở bán dự án…
Làn sóng hạ giá rao bán các tài sản với mức chiết khấu cao ngất ngưởng theo đó âm thầm xuất hiện và dâng cao. Trong khoảng 2 tháng qua, nhiều nhà đầu tư cá nhân giảm giá nhà đất 30% trong khi các doanh nghiệp chiết khấu 40-50% để xả hàng. Trước đó, từ tháng 7, hiện tượng giảm giá chỉ mới xuất hiện ở nhóm các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Nhưng sang tháng 10, cơn sóng ngầm giảm giá có dấu hiệu mạnh dần.
Cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đồng loạt ghi nhận giảm giá trực tiếp khi các nhà đầu tư “đói vốn” hạ giá để thoát hàng lẫn gián tiếp từ phía chủ đầu tư tăng chiết khấu, ưu đãi bán sản phẩm... Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn không được cải thiện, giao dịch giảm sút nghiêm trọng... Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý 3/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến thực tế trên thị trường đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, mất phương hướng. Trong khi đó, những thông tin trên các phương tiện truyền thông cập nhật diễn biến thị trường, dự báo, phân tích của các chuyên gia không đồng nhất càng khiến các nhà đầu tư nôn nóng.
Anh Minh Thành, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ: “Tôi có khoảng 5 tỷ tiền mặt, đang nghe ngóng cơ hội để đầu tư đất nền hoặc đất thổ cư, nhưng các thông tin trên thị trường hiện tại như một mớ “bòng bong” khiến tôi rất rối loạn. Thị trường sụt giảm, thanh khoản khó khăn là đểu rõ ràng rồi, một số người khuyên tôi đây là thời điểm đẹp để mua vào sản phẩm với giá tốt, nhưng nhiều người lại cho rằng bất động sản sẽ tiếp tục giảm và đang đứng trước nguy cơ suy thoái nên tôi rất hoang mang”.
Tâm lý “giằng co” giữa cắt lỗ và tiếp tục giữ hàng
Đặc biệt, đối với nhóm đầu tư đang “giữ hàng”. Khi thị trường có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt, nhiều nhà đầu tư nôn nóng tìm cách giảm giá để “thoát hàng” vì lo ngại thị trường sẽ rơi vào suy thoái. Đồng thời cũng xuất hiện tâm lý giằng co giữa bán và tiếp tục giữ hàng của những nhà đầu tư không muốn bán lỗ nhưng lo sợ thị trường xấu đi.
Chị Mai Trang, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết: “Đầu năm nay, khi thị trường bất động sản đang lên, xung quanh tôi, những người có tiền hầu như ai cũng đổ vào nhà đất. Lúc đó tôi có 3,5 tỷ tiền nhàn rỗi, thấy mọi người đầu tư có lời nên quyết định vay thêm hơn 1 tỷ nữa để đầu tư một mảnh đất tại Bắc Ninh”.
“Lúc đó trường đang sốt nóng, đâu đâu cũng thấy sốt đất, tôi nghĩ dùng đòn bẩy tài chính, vay thêm để tăng khoản đầu tư lên sẽ giúp gia tăng lợi nhuận. Nhưng không lâu sau đó, thị trường bất ngờ hạ nhiệt. Lo ngại khoản vay đầu tư, tôi bắt đầu rao bán mảnh đất đó. Tuy nhiên, rao bán suốt mấy tháng qua vẫn chưa chốt được giao dịch, bởi nếu bán thời điểm này sẽ phải cắt lỗ tiền tỷ. Tôi đang cân nhắc sẽ cố gồng để giữ mảnh đất này nhưng cũng lo ngại nếu thị trường xấu đi thì giá sẽ tiếp tục giảm sâu hơn bây giờ”, chị Trang nói.
Tương tự, anh Trung Kiên (Đống Đa, Hà Nội), cũng rơi vào thế giằng co trước quyết định bán hay tiếp tục giữ lại và chờ đợi với mảnh đất anh đang nắm giữ.
“Tôi có mảnh đất ở Đông Anh, diện tích hơn 100 m2, được mua từ cuối năm ngoái với tổng giá trị hơn gần 7 tỷ đồng. Tôi có việc nên muốn mảnh đất này, nhưng với tình hình hiện nay không biết nên bán hay tiếp tục giữ sẽ tốt hơn, vì nếu bán ở thời điểm hiện tại sẽ phải cắt lỗ từ 10 - 20%, còn nếu không bán thì sợ giá sẽ tiếp tục giảm, tôi đang rất phân vân, không biết phải làm sao”, anh Kiên chia sẻ.
Có thể thấy, thị trường hiện nay ghi nhận lượng giao dịch giảm sút trầm trọng, tình trạng bán tháo, cắt lỗ đã diễn ra nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Dù vậy, dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư, trong khi đó các nhà đầu tư “có hàng” lại rơi vào thế “giằng” co giữa bán và hay tiếp tục nắm giữ… tâm lý nhà đầu tư khiến giao dịch trên thị trường càng thêm ảm đạm.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội nhận định, chưa bao giờ nhà đầu tư lại mất niềm tin với thị trường như hiện nay. Hàng loạt tin xấu về thị trường như siết tín dụng, trái phiếu, lãi suất tăng cao và những tin đồn về sức khỏe của doanh nghiệp địa ốc cũng như tin khởi tố, bắt giam lãnh đạo các tập đoàn lớn… đã khiến thanh khoản trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng.
“Bản chất người dân đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông. Chỉ một tin đồn không hay cũng khiến cả thị trường chậm lại. Hiện tại, có thể thấy rõ nhiều nhà đầu tư dù có tiền cũng không dám xuống tiền nhà đất lúc này”, bà Tâm nói.