Bắc Giang chuyển đổi 72ha đất trồng lúa giáp đường vành đai 4 Hà Nội để làm cụm công nghiệp
BÀI LIÊN QUAN
Bắc Giang tăng cường kiểm soát kinh doanh bất động sản trước tình trạng "cò đất" thổi giá tăng chóng mặtPhó Thủ tướng chấp thuận cho Bắc Giang chuyển đổi mục đích sử dụng 83ha đất làm khu đô thị Bắc Giang yêu cầu chấn chỉnh các chủ đầu tư dự án bán “lúa non”Cụm công nghiệp Jutech
Theo tienphong.vn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản chấp thuận UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 72 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Jutech tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng về thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
Văn bản của Phó Thủ tướng nêu rõ, UBND tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm về quyết định và tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật, thực hiện dự án phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật đất đai và quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án Cụm công nghiệp Jutech có diện tích 75 ha được thành lập vào tháng 10/2020 tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng dự án là gần 715 tỷ đồng. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng dự án là CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Jutech.
Theo kế hoạch thiết kế, cụm công nghiệp Jutech sẽ được đấu nối trực tiếp với đường vành đai 4 Hà Nội (đường nối từ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn sang đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Các ngành nghề hoạt động chính tại cụm công nghiệp là điện, điện tử, truyền thông, cơ khí, may mặc, thiết bị dụng cụ y tế, dược, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp phụ trợ.
Giai đoạn từ 2020 - 2022, thực hiện các thủ tục pháp lý, lập quy hoạch chi tiết, lập thiết kế bản vẽ thi công, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất trồng lúa. Đồng thời thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng hạ tầng, trong đó có trạm xử lý nước thải. Trong giai đoạn này thu hút các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2022 - 2023, hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật của dự án và lấp đầy ít nhất 60% diện tích đất công nghiệp. Giai đoạn 2023 - 2024 thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.
Tiềm năng bất động sản công nghiệp
Việt Nam hiện có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang được quy hoạch phân bổ tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo các chuyên gia nhận xét, giá đất công nghiệp tại Việt Nam hiện còn tương đối thấp so với các nước trong cùng khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines. Đây chính là một trong những ưu điểm vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển về nước ta.
Ngay cả trong thời kỳ đại dịch bùng phát mạnh mẽ trên thế giới, tốc độ tăng trưởng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam không có dấu hiệu bị chững lại. Việt Nam đã trở thành “ngôi sao sáng” trong khu vực về thu hút đầu tư FDI, cùng với đó là những dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo báo cáo mới công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, bất động sản công nghiệp đang hồi sinh cùng làn sóng đầu tư. VARs cho rằng, xung đột tại Ukraine và chính sách “zero Covid” của Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao… Điều này thúc đẩy nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng tại các thị trường, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến mới của các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia. Trong đó, Bắc Giang với lợi thế sẵn có như nằm ở trung tâm của hành lang kinh thế Đông - Bắc, sở hữu tiềm năng phát triển kinh tế cùng sự thu hút lượng lớn FDI.
Cùng với đó là những chính sách đặc biệt nhằm phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, đầu năm 2022, Bắc Giang được Phó thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời, địa phương này sẽ quy hoạch 29 khu công nghiệp với diện tích khoảng 7.000 ha (trong đó có 12 khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ), quy hoạch 63 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 3.006 ha.
Vào ngày 3/3, UBND tỉnh Bắc Giang ký kết hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát về việc tài trợ kinh phí để tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Bắc Giang mở rộng đến năm 2045. Tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định, tỉnh Bắc Giang lấy công nghiệp, dịch vụ làm động lực chính để phát triển. Đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống đô thị, trong 10 năm tới gia tăng tỷ lệ đô thị hóa lên gấp đôi, lựa chọn phát triển hệ thống đô thị hiện đại, xanh, thông minh.
Với những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như vậy, các chuyên gia bất động sản dự báo tỉnh Bắc Giang trong tương lai gần không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp mà còn trở thành địa điểm lý tưởng cho các phân khúc bất động sản đô thị, nhà ở chuyên gia, nhà ở xã hội phục vụ cho lượng lớn lao động tới làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh này.